Sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ
của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu diễn ra vào cuối những năm 1980 -
đầu những năm 1990 được coi là chấn động lớn nhất trong nền chính trị thế giới
nửa cuối thế kỷ XX. Sự sụp đổ của siêu cường Xô viết sau hơn 7 thập kỷ tồn tại
đã giáng một đòn nặng nề vào mô hình phát triển của Liên Xô và các nước xã hội
chủ nghĩa, vào chính học thuyết Mác - Lênin và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa,
khiến cho uy tín của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như lòng tin của các tầng lớp
xã hội vào sức mạnh khoa học của học thuyết này bị tổn hại nghiêm trọng.
Vì vậy, thập kỷ 1990 đã đánh dấu sự
bùng nổ các bài viết, công trình phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin. Thậm chí có
nhiều bài viết bôi nhọ cá nhân C. Mác, V.I. Lênin, qua đó nhằm “hạ bệ” uy tín
của học thuyết mà các ông đã sáng tạo ra. Sự sụp đổ của Liên Xô, các nước xã
hội chủ nghĩa ở Đông Âu khiến cho các trào lưu, quan điểm chống cộng mất đi mục
tiêu công kích chính, ít nhiều bị mất phương hướng, giảm bớt mức độ điên cuồng
như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng chúng lại thay đổi cách thức, chuyển
sang các chủ đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, nhằm gây rối tình hình,
kích động các cuộc “cách mạng màu” tại các nước mà các đảng cộng sản và cánh tả
nắm quyền, thực hiện “diễn biến hòa bình”, xúi giục “tự diễn biến”, gây bạo
loạn lật đổ.
Nhiều học giả phương Tây tin rằng
sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đặt dấu chấm hết đối
với chủ nghĩa Mác - Lênin sau hơn 150 năm tồn tại. Đại diện cho quan điểm này
là triết gia tân bảo thủ Francis Fukuyama cho rằng, cùng với sự kết thúc của
Chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của bức tường Berlin thì cuộc đấu tranh giữa các
hệ tư tưởng như là động lực của sự tiến bộ nhân loại đã đến hồi kết với thắng
lợi cuối cùng thuộc về nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường.
Cuộc tấn công của các quan điểm tân
tự do và tân bảo thủ còn nhằm chứng minh sự phá sản của nền tảng lý luận Mác -
Lênin. Phái “Shumpeter mới” phê phán rằng, học thuyết này chỉ thấy được khía
cạnh “phá hủy” của chủ nghĩa tư bản, mà không thấy được khả năng “sáng tạo” của
nó trong vòng chuyển động không ngừng của “sự phá hủy mang tính sáng tạo”. Một
số học giả cho rằng, C. Mác và V.I. Lênin đã không lường trước được khả năng
thích nghi, tiến hóa của chủ nghĩa tư bản. Nên học thuyết này đã chỉ ra con
đường sai lầm để thoát khỏi chủ nghĩa tư bản, chẳng những không dẫn đến chủ
nghĩa xã hội, mà còn đưa tới một chế độ “toàn trị độc đoán”.
Trên thực tế, trong giai đoạn này
các nước tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Mỹ đã có bước phát triển lớn, vượt qua
được các cuộc khủng hoảng và đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học - công nghệ
lần thứ ba, khuấy động một cao trào toàn cầu hóa mới có tác động lôi kéo ngày
càng nhiều nước trên thế giới tham gia. Mô hình phát triển dựa vào chủ nghĩa tự
do mới dường như trở nên lấn át từ thập kỷ 1990 thậm chí còn vượt lên cả mô
hình nhà nước phúc lợi rất phổ biến ở Tây Âu và mô hình nhà nước phát triển ở Nhật
Bản. Tại các nước xã hội chủ nghĩa, các thế lực tân tự do và tân bảo thủ thắng
cử và nắm quyền. Theo sự quả quyết của học giả Mỹ Stephan Walt, chủ nghĩa Mác -
Lênin đã sai lầm khi cho rằng các nước tư bản chủ nghĩa không thể tránh khỏi
chiến tranh, trong khi xung đột lại luôn nổ ra giữa các nước trong phe xã hội
chủ nghĩa.
Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu cũng kích thích cuộc đấu tranh tư tưởng ngay trong
lòng các đảng cộng sản do sự trỗi dậy của các quan điểm mạo danh mácxít -
lêninnít, kêu gọi bảo vệ học thuyết này, nhưng thực chất gây nghi ngờ, chia rẽ,
xói mòn cơ sở lý luận Mác - Lênin. Do sự thất bại của mô hình phát triển của
Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã chứng tỏ một số luận điểm quan trọng đã
không còn phù hợp với điều kiện mới; đồng thời, lại khiến cho một số người, cả
vô tình lẫn cố ý, quay sang phủ nhận tính khoa học của toàn bộ hệ thống lý luận
Mác - Lênin.
Quan điểm của phái tờrốtxkít mới
cho rằng, chủ nghĩa xã hội hiện thực được xây dựng ở Liên Xô hơn 70 năm qua và
các nước Đông Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như ở Trung Quốc và
Việt Nam trước cải cách, đổi mới, hoàn toàn xa lạ với các nguyên lý nền tảng
của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực chất là các phiên bản khác nhau của chủ nghĩa
toàn trị của Xtalin. Một đại diện của phái này là Alex Callinicos còn cho rằng,
sự sụp đổ của Liên Xô hoàn toàn không phải là sự thất bại, mà trái lại có thể
xem như “thắng lợi” của chủ nghĩa Mác - Lênin, vì cái bị phủ định chính là chủ
nghĩa Xtalin, trong đó chuyên chính của giai cấp vô sản đã bị đánh tráo bởi
chuyên chính của bộ máy quan liêu. Những người cực tả cũng cùng quan điểm như
vậy, nhưng cho rằng mô hình phát triển của Liên Xô và các nước Đông Âu xây dựng
là một kiểu chủ nghĩa tư bản nhà nước, không liên quan gì với chủ nghĩa Mác -
Lênin, còn sự sụp đổ của các nước này là do đã không tuân theo các chỉ dẫn của C.
Mác ngay từ đầu. Những quan điểm này đã cố tình phủ nhận tính thống nhất của
chủ nghĩa Mác - Lênin, thậm trí vu cáo chủ nghĩa Mác - Lênin đã xa rời các mục
tiêu xã hội chủ nghĩa.
Phái mácxít cho rằng, động lực
chính gây ra sự sụp đổ của Liên Xô chính là giới tinh hoa nắm đặc quyền, đặc
lợi ở nước này. Theo quan điểm này, khi chế độ chính trị ở Liên Xô không còn
bảo đảm an toàn cho địa vị của giới tinh hoa, thì những người này tìm cách thay
đổi chế độ, tiến hành tư hữu hóa các tài sản của đất nước nhằm chuyển đổi đặc
quyền, đặc lợi thành các tài sản tư nhân để tiếp tục duy trì địa vị lũng đoạn
của họ. Bất chấp việc thổi phồng vai trò của giới tinh hoa, quan điểm này đã
phần nào phản ánh đúng tình trạng tham nhũng khá phổ biến ở Liên Xô và các nước
xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước khi sụp đổ.
Những người cánh tả theo quan điểm hậu
mácxít tìm cách rũ bỏ khỏi chủ nghĩa Mác, các quan điểm của V.I. Lênin. Họ cho
rằng, mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước riêng lẻ có trình độ phát
triển lạc hậu bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa mà V.I. Lênin đặt
nền móng ở nước Nga tuy là một trong số nhiều lý luận khác nhau phân nhánh từ
học thuyết của C. Mác, nhưng đã chệch hướng khỏi các nguyên lý mácxít cơ bản.
Do vậy, thất bại của mô hình do V.I. Lênin chủ xướng chỉ mang tính cục bộ, khu
biệt, trong khi các nhánh lý luận mácxít khác vẫn có thể tiếp tục phát triển ở
nhiều nước Tây Âu, châu Á, Mỹ Latinh...
Như vậy, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã thách thức nghiêm trọng nền tảng lý luận và cơ sở xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, gây hoài nghi về tính khoa học của học thuyết này, cũng như mất phương hướng về tư tưởng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế./.
N.T.L - H2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét