Pages - Menu

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH CHỐNG KHUYNH HƯỚNG "THƯƠNG MẠI HOÁ" TRONG GIÁO DỤC HIỆN NAY

 


Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đòi hỏi giáo dục nước ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ quan điểm mà Đại hội làn thứ XIII của Đảng. Tiếp tục phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường đối với giáo dục - đào tạo. Chống khuynh hướng "thương mại hoá", đề phòng khuynh hướng phi chính trị hoá giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá nước ta, trong đó có luận điệu đòi "thương mại hoá" trong giáo dục - bản chất của tư tưởng này là sự tách rời giáo dục với chính trị, xem vị trí của giáo dục là "đứng ngoài chính trị, đứng ngoài giai cấp". Không cần phải phân tích, mổ xẻ nhiều, chúng ta đều hiểu rằng, đây là một khuynh hướng tư tưởng hết sức phản động, phản khoa học. Nhưng trên thực tế, khuynh hướng này lại rất dễ xâm nhập và lan toả trong các hoạt động giáo dục - đào tạo. Vì vậy, cần nhận diện rõ và chủ động phòng chống khuynh hướng này trong mọi hoạt động giáo dục. Cụ thể, khuynh hướng này thường có những biểu hiện chính trong quá trình giáo dục - đào tạo ở các nhà trường như sau:

Một là, khuynh hướng trang bị tri thức khoa học, nghiệp vụ đơn thuần, tách rời giữa việc "dạy chữ, dạy nghề" với việc "dạy người” trong giáo dục - đào tạo, tách rời giữa tri thức và tư tưởng, đề cao việc "dạy chữ, dạy nghề" mà xem nhẹ việc "dạy người", thiên về coi trọng việc trang bị các tri thức khoa học - công nghệ, kỹ thuật hiện đại mà buông lỏng việc giáo dục chính trị - tư tưởng cho người học.

Hai là, tiếp thu, "tôn vinh" một cách vội vã, không chọn lọc các chương trình, nội dung, phương thức giáo dục - đào tạo của phương Tây

Hiện đang có khuynh hướng giới thiệu những mô hình giáo dục, nhất là mô hình giáo dục đại học của các nước phương Tây, xem đó là những mô hình đào tạo mẫu mực và có nhiều kiến nghị về việc phát triển giáo dục - đào tạo ở nước ta theo những mô hình đó. Việc học tập, áp dụng những mô hình giáo dục - đào tạo tiên tiến là điều hết sức cần thiết đối với chúng ta hiện nay. Song, nếu tiếp thu, “tôn vinh” các mô hình đó và áp dụng chúng một cách máy móc, thiếu căn cứ sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta đã có bài học của những năm đầu đổi mới về việc áp dụng mô hình, chương trình đào tạo "hai giai đoạn" ở đại học và đã phải trả giá khá đắt cho sự áp dụng vội vã này.

Ba là, "thương mại hoá giáo dục” một cách tràn lan trái với tính chất ưu việt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, trái với tính nhân văn và truyền thống hiếu học của dân tộc ta.

Gần đây, có những quan niệm nhấn mạnh khía cạnh thương mại của giáo dục, cho rằng đó là điều tất yếu khi mà giáo dục nằm trong cơ chế thị trường. Họ xem nhà trường là một "cái chợ", giáo dục là hàng hoá, muốn nhận được sự giáo dục thì nhất thiết phải "mua", người học phải “trả” tương xứng với nội dung và chất lượng được học.

Bốn là, hạ thấp, làm mờ nhạt vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong các nhà trường.

Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong các nhà trường không rõ nét do những nguyên nhân chủ quan như: không ít cấp uỷ đảng nhận thức chưa đủ sâu sắc, chưa thấy hết trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo nội dung giáo dục, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý... Mặt khác, cần lưu ý đề phòng khuynh hướng hạ thấp vai trò tổ chức đảng trong các nhà trường, đề cao vai trò của hội đồng quản trị (trong các trường dân lập, tư thục), hội đồng trường... (gần đây, có đề xuất về áp dụng mô hình hội đồng trường ở các trường đại học và xem đây là cơ quan lãnh đạo, được đặt ở vị trí cao nhất  trong cơ cấu tổ chức trường đại học).

Sự phân tích trên đây về một số biểu hiện của khuynh hướng "phi chính trị hoá giáo dục" trong quá trình giáo dục - đào tạo giúp chúng ta có thể nhận diện và phòng chống sự thâm nhập và lan tràn của khuynh hướng này trong thực tiễn hoạt động giáo dục và đào tạo hiện nay. Phương hướng quan trọng nhất để có thể phòng chống, ngăn chặn khuynh hướng "phi chính trị hoá giáo dục" là phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện đầy đủ các quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục mà Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển giáo dục thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã chỉ ra. Tiếp tục khẳng định mạnh mẽ giáo dục là quốc sách hàng đầu, kiên định xây dựng nền giáo dục có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng; phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học - công nghệ, củng cố quốc phòng an ninh, xem giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

ĐXT-H3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét