Pages - Menu

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI VÀ SỰ LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC GIẢI PHÓNG DÂN TỘC CỦA HỒ CHÍ MINH

 

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại. Thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến phong trào cách mạng trên thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam, nói riêng. Những ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đó đã được Hồ Chí Minh nhận thức rất đầy đủ và hướng phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đi theo. Như mặt trời rạng đông xua tan bóng tối cuộc Cách mạng tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người.

Cách mạng Tháng Mười không những có vai trò ảnh hưởng to lớn đối với cách mạng thế giới mà còn có tác động mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển biến có tính bước ngoặt đối với Hồ Chí Minh và Cách mạng Việt Nam. Nói về sự ảnh hưởng này Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa Mác – Lênin đối với chúng ta, những người Cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng”[1]

Trước Cách mạng Tháng Mười, cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của Việt Nam chưa có lý luận tiên phong soi đường, dẫn lối nên tất cả đều bị dìm trong biển máu. Hồ Chí Minh sớm nhận thấy không thể cứu nước theo con đường của các bậc tiền bối như khởi nghĩa vũ trang của phong trào Cần vương, thậm chí con đường “Đông du” của cụ Phan Bội Châu, con đường cải cách ôn hoà của cụ Phan Châu Trinh mà đương thời tuổi thanh, thiếu niên Hồ Chí Minh đang chứng kiến. Con đường vũ trang bạo động đã thất bại, còn con đường của hai cụ Phan lúc đó Hồ Chí Minh cảm thấy khó thành công. Phong trào Cách mạng Việt Nam lúc đó như đứng trước ngã ba đường, lâm vào cuộc khủng khoảng sâu sắc về đường lối.

Dân tộc Việt Nam trong hoạn nạn thường sinh ra những người con ưu tú. Với tâm hồn trong sáng, nặng lòng yêu nước, thương dân, với tư duy nhìn xa trông rộng, Hồ Chí Minh sớm vươn lên đỉnh cao của thời cuộc. Trong lúc đất nước khủng khoảng về đường lối lãnh đạo, HCM đã vượt trùng dương đến nhiều nước ĐQ, tiếp xúc với nhiều dân tộc thuộc địa, học hỏi kinh nghiệm, tăng thêm hiểu biết, xác định hướng đi. Trong cuộc hành trình vạn dặm đó, Người đánh giá cao tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” và quyền con người trong “Tuyên ngôn độc lập” 1776 của Mỹ và “tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Pháp 1789 nhưng cũng nhận thức rõ những hạn chế của nó: theo Người “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[2]. Sau này, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người viết: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”[3] còn Pháp thì “Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức”[4]. Đó là lý do dẫn đến việc Nguyễn Ái Quốc không lựa chọn con đường cách mạng tư sản, vì cách mạng tư sản là “cách mệnh không đến nơi”, không đưa lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân các nước nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng. Đó cũng là cơ sở thực tiễn để Hồ Chí Minh tiếp thu ánh sáng Cách mạng Tháng Mười.

Tác phẩm đầu tiên có ảnh hưởng quyết định đến tư tưởng Cách mạng của Hồ Chí Minh là Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Mà như nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” đã viết:

Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười,

Chính sau này Người kể lại: “Trong luận cương ấy có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang đứng trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[5]. Từ đó Người tin theo Lênin, tin theo Cách mạng Tháng Mười, tin theo Quốc tế Cộng sản, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”

Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc tính thời đại của cách mạng giải phóng dân tộc mình, đồng thời Người nghiên cứu sâu lý luận cách mạng không ngừng của Mác và Lênin chỉ rõ: Một dân tộc thuộc địa làm cách mạng dân tộc, dân chủ, có cương lĩnh đúng và có đảng cách mạng của giai cấp vô sản lãnh đạo thì khi giành được thắng lợi trong cách mạng dân tộc, dân chủ có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Từ chủ nghĩa yêu nước đến với cách mạng Tháng Mười, đến với chủ nghĩa Mác Lênin là một chuyển biến đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với phát triển tư tưởng cách mạng và sự lựa chọn con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. Cũng từ đó ánh sáng cách mạng Tháng Mười, ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lênin đã soi rọi sự nghiệp giải phóng của dân tộc ta. Có thể nói không có Cách mạng Tháng Mười thì Cách mạng Việt Nam vẫn trong tình trạng khủng khoảng bế tắc về đường lối, vẫn còn trong “tình hình đen tối như không có đường ra”. Nếu không có cách mạng Tháng Mười thì rất có thể nói Hồ Chí Minh lúc đó cũng sẽ tiếp tục trong thời kỳ tìm tòi, khảo nghiệm con đường cứu nước giải phóng dân tộc và không biết có thành công hay không?

  Như vậy việc lựa chọn con đường giải phóng đúng đắn cho dân tộc ngoài ảnh hưởng to lớn của cách mạng tháng mười Nga, chủ nghĩa Mác – Lênin còn là tấm lòng yêu quê hương, đất nước vô bờ, với sự quyết tâm tìm ra con đường cứu nước cao cả. Tất cả trở thành động lực, hun đúc thành ngọn lửa cứu nước và bằng tài năng mẫn cảm chính trị của mình cũng như những hoạt động mịêt mài, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường giải phóng cho cả dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại ….là vô cùng sâu sắc”[6].

Và thực tế lịch sử đã chứng minh sự lựa chọn đúng đắn đó. Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập chấm dứt thời kỳ khủng khoảng, bế tắc về đường lối, đánh dấu sự thắng lợi của khuynh hướng cách mạng vô sản như đồng chí Trường Chinh viết: Chúng ta không nên quên rằng: “Việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Cách mạng Tháng Mười”. Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám (1945), thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), và kháng chiến chống Mỹ (1975) cũng như thắng lợi của công cuộc đổi mới hiện nay càng chứng tỏ hướng đi đúng đắn của dân tộc và người có vai trò quan trọng nhất trong việc tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đặt nền tảng cho cách mạng Việt Nam không ai khác đó là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, CNXH trên thế giới đang trải qua một thời kỳ đầy sóng gió, khó khăn và thách thức luôn hiện hữu. Một chiến dịch công kích phê phán chủ nghĩa Mác – Lênin, phê phán cách mạng Tháng Mười dấy lên từ nhiều phía. Kẻ thù của chủ nghĩa Mác – Lênin và cách mạng Tháng Mười từng vu cáo, xuyên tạc, bác bỏ học thuyết cách mạng của GCCN, bác bỏ CNXH hiện thực tồn tại hơn 70 năm  giờ được dịp càng ra sức xuyên tạc và bác bỏ nó….Song, CNXH được bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười vẫn đứng trước một triển vọng to lớn. Bởi vì con đường của Cách mạng Tháng Mười, con đường CNXH phù hợp với quy luật tiến hoá của lịch sử, không có con đường nào khác đem lại tự do, hạnh phúc cho loài người. Hơn 70 năm xây dựng CNXH ở Liên Xô với những thành tựu của nó đã chứng minh cho điều đó. Dù có quanh co phức tạp song nhất định loài người sẽ tiến tới CNXH. Công cuộc đổi mới của nhân dân Việt Nam đang được triển khai trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những chuyển biến phức tạp. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải kiên trì con đường CNXH của Cách mạng Tháng Mười. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất dày công mới tìm ra. Tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên theo con đường CNXH một cách đúng hướng, đúng mục tiêu và có bước đi phù hợp, cách mạng Việt Nam nhất định sẽ tiến tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Ánh sáng cách mạng Tháng Mười, học thuyết cách mạng của Lênin cùng tư tưởng Hồ Chí Minh không những soi sáng đường cho sự nghiệp GPDT thống nhất nước nhà mà nó luôn là nền tảng tư tưởng kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và nhân dân ta trên con đường xây dựng nước Việt Nam XHCN giàu mạnh như Đại hội VII năm 1991 khẳng định: “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng kim chỉ nam cho mọi hành động”. Dưới ngọn cờ vẻ vang của chủ nghĩa Mác – Lênin đi theo con đường mà cách mạng Tháng Mười đã vạch ra với lòng tin cậy hoàn toàn ở quần chúng và niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước chúng ta dũng cảm và kiên quyết tiến tới tương lai sung sướng và rực rỡ, tiến tới hữu nghị và hoà bình lâu dài, xây dựng đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười vĩ đại đối với tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cứu nước, GPDT là vô cùng to lớn. Nói về ảnh hưởng của Cách mạng tháng mười vĩ đại, chúng ta càng ghi nhớ lời dạy của Bác: “Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hi sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì GCCN và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công lao to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười”./.   

 NXC-H1

 

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG,  H.2011, tập 12, tr.563

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG,  H.2011, tập 2, tr.296

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG,  H.2011, tập 2, tr.291

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG,  H.2011, tập 2, tr.296

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG,  H.2011, tập 12, tr.562

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG,  H.2011, tập 15, tr.397

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét