Tăng cường quốc
phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là là một
trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; là vấn đề hệ trọng,
liên quan đến vận mệnh, tương lai của dân tộc nên luôn được xác định rõ
trong các nghị quyết của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định nhất quán mục tiêu đó và bổ sung rõ hơn,
rộng lớn hơn, toàn diện hơn nhiều vấn đề mới, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến
lược của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Những vấn
đề đó được thể hiện bao quát và toàn diện ở cả mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ,
phương thức, giải pháp, sức mạnh, lực lượng… của quốc phòng, an ninh trong bảo
vệ Tổ quốc.
1. Về mục tiêu,
yêu cầu và nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh
Trong văn kiện
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã
hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường
hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã
hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định
hướng xã hội chủ nghĩa”[1]. Như vậy, mục tiêu,
yêu cầu và nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh tiếp tục được Đảng ta khẳng định
nhất quán, xuyên suốt nhưng có sự bổ sung rõ hơn, toàn diện hơn về nội hàm và
phạm vi bảo vệ. Điểm nhấn ở đây, văn kiện lần này đã chỉ rõ: mục tiêu bảo vệ Tổ
quốc không đơn thuần là để đối phó với chiến tranh, mà vấn đề quan trọng và
thiết yếu hơn là tạo ra sức mạnh để giữ vững ổn định chính trị và môi trường
hòa bình nhằm xây dựng và phát triển đất nướctheo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là sự vận dụng nhuyễn nhuyễn lý luận chủ
nghĩa Mác - Lênin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ phải gắn với xây dựng,
xây dựng phải đi đôi với bảo vệ. Mục tiêu của bảo vệ là để giữ vững môi trường
hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước và xây dựng phát triển
đất nước sẽ tác động trở lại tạo cơ sở, tiền đề bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Giải
quyết sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa việc bảo vệ Tổ quốc về mặt tự nhiên -
lịch sử với việc bảo vệ Tổ quốc về mặt chính trị - xã hội trong tính chỉnh thể
thống nhất; chỉ rõ hướng đích phát triển đất nướclà theo định hướng xã hội chủ
nghĩa; vì vậy, phải gắn chặt việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn
vẹn lãnh thổ với bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ
nghĩa; phải gắn chặt việc giữ vững ổn định chính trị, xã hội với bảo vệ môi
trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Khẳng định rõ lập trường và ý
chí quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thông nhất, toàn vẹn lãnh
thổ của Tổ quốc. Đây là quan điểm biện chứng khách quan, cụ thể, lịch sử và
phát triển, đáp ứng sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực, của đất nước
và yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Điểm mới được
bổ sung trong văn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đó là việc xác định rõ:
bảo đảm an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành
mạnh để phát triển đất nước. Đây là vấn đề mới, quan trọng trong mục tiêu,
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phản ánh đúng xu thế và đặc điểm tình hình
đất nước. Bởi, suy cho cùng, mọi vấn đề đều xuất phát từ con người và tất cả
mọi vấn đề lại đều quay trở về với con người. Con người là vấn đề có tính chiến
lược, là trung tâm của mọi hoạt động, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước,
và bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà nước ta đang xây dựng đều hướng đến bảo
vệ cuộc sống bình yên, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy,
trong bối cảnh mới hiện nay, vấn đề bảo
đảm an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để
mang lại hạnh phúc thực thụ cho nhân dân là đặc biệt quan trọng, cần phải được
bảo vệ. Xét ở khía cạnh trình bày, nét mới trong văn kiện lần này, là các nội
dung, các vấn đề trong mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được đặt
trong một tổng thể chung, quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại theo một
trục thống nhất, không tách rời; bảo vệ nội dung này cũng có nghĩa là góp phần
bảo vệ nội dung khác và ngược lại. Đây là cơ sở và định hướng để xây dựng và
bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
2. Về phương
thức và giải pháp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Đại hội XIII
của Đảng tiếp tục có những bước phát triển mới trong tư duy về phương thức và
giải pháp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đảng ta, “Xác định “chủ động phòng
ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền
thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Có
kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn
đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các
biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế”[2].
Đây là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm “giữ nước từ lúc chưa
nguy”, phát triển tư tưởng bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” để xác định rõ phương
thức, giải pháp “chủ động phòng ngừa” là chính. Thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược
của Đảng về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, nhằm chủ động ngăn ngừa,
đẩy lùi, giải tỏa các điểm nóng, các nguy cơ dẫn đến xung xung đột vũ trang;
nhất là việc chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang
ngày càng hiện hữu và đe dọa trực tiếp đối với toàn cầu hiện nay; thực tiễn đại
dịch Covit19 đã và đang diễn ra phản ánh rõ tính chất phức tạp và đặc biệt nguy
hiểm của nó mà mọi quốc gia, dân tộc đều phải chung tay giải quyết.
Văn kiện Đại
hội XIII cũng xác định: “xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền
quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế
trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu
quả giữa kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa
quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội và đối ngoại”[3]. Quan điểm trên vừa
thể hiện sự nhất quán với các quan điểm trước đó của Đảng, nhưng lần này, Đảng
ta có sự nhấn mạnh rõ hơn là phải: phát huy mạnh mẽ và củng cố vững chắc thế
trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Coi đó là một trong những
phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. Ở đây, nét mới trong phương thức, giải
pháp bảo vệ, đó là việc: Đảng ta đã đặt tất cả các thành tố kinh tế, văn hoá,
xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong một chỉnh thể gắn kết,thống
nhất, hợp thành phương thức bảo vệ. Đây cũng là bước phát triển, bổ sung mới về
phương thức bảo vệ Tổ quốc, điều đó làm tăng khả năng phát huy nội lực, tiềm
năng, bản sắc và truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc cũng
như trong xây dựng đất nước hiện nay; phát huy và làm sâu sắc thêm tính chất
toàn dân, toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Xét trong
tính tổng thể, các phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được sử dụng một cách
tổng hợp, linh hoạt, mềm dẻo, đặt trong mối quan hệ và sự tương tác lẫn nhau để
huy động sức mạnh tổng hợp và vai trò của mọi lĩnh vực, mọi lực lượng, mọi
người và các tổ chức trên các phương diện của đời sống xã hội để bảo vệ Tổ
quốc, thể hiện sâu sắc tính chất toàn dân, toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới.
Một nét mới
khác về phương thức và giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ
quốc, đó là việc, Đảng ta xác định rõ: Xây dựng, phát triển nền công nghiệp
quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội;
xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; có cơ chế huy
động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc
phòng, an ninh. Đó là bước phát triển mới về mặt tư duy trong định hướng phát
triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, phản ánh đúng yêu cầu thực tiễn. Giải
quyết tốt vấn đề này sẽ tạo sức mạnh tổng hợp cho cả quốc phòng, an ninh và các
nhiệm vụ khác, tạo ra nguồn lực lớn cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp
ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
3. Về lực lượng
và sức mạnh quốc phòng, an ninh
Văn kiện Đại
hội XIII của Đảngtiếp tụckhẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của
Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và
Công an nhân dân là nòng cốt”[4]. Đó là sức mạnh tổng
hợp tiếp tục được Đảng ta khẳng định nhất quán, là sức mạnh, lực lượng của toàn
thể dân tộc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong
đó lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Đó còn là sức mạnh mạnh
bên trong, kết hợp với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời
đại. Đặc biệt, điểm mới trong văn kiện lần này, Đảng ta đã xác định rõ phương
hướng: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh
nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng
tiến thẳng lên hiện đại”[5]; trong đó tiếp tục
nhấn mạnh và chỉ rõ việc xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân “vững
mạnh về chính trị”, v.v...
Quan điểm trên
thể hiện đúng ý chí, quyết tâm và nỗ lực của Đảng ta trong suốt các nhiệm kỳ
Đại hội trước đó, nhằm xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Và ở văn kiện lần này, Đảng ta đã xác định rõ
các mốc thời gian cụ thể đó là: Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an
tinh, gọn, mạnh, tạo tiến đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội
nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đây là
định hướng đặc biệt quan trọng trong thời gian tới để phát triển tiềm lực và
sức mạnh của quân đội và công an đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, phải
lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, bảo đảm cho lực lượng vũ trang
luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ
xã hội chủ nghĩa, gắn bó máu thịt với nhân dân; không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh
giác; tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa lực lượng vũ
trang” của các thế lực thù địch.
Một điểm mới và
điểm nhấn quan trọng nữa cần nói rõ thêm về lực lượng và sức mạnh của quốc
phòng, an ninh, đó là việc trong văn kiện lần này, Đảng ta đã xác định rõ: “triển
khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc
phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo
vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến
lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành
khác”[6]. Trải qua quá trình
nghiên cứu và đúc kết từ thực tiễn, chúng ta đã xây dựng được tổng thể và đồng
bộ các chiến lược để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên mọi phương diện. Đây là các
chiến lược rất quan trọng và là một thể thống nhất, liên quan mật thiết với
nhau, tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi
phải thực hiện toàn diện và đồng bộ. Các chiến lược đó phản ánh tư duy chiến
lược toàn diện của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc, thể hiện quan điểm quốc phòng, an
ninh toàn diện, tổng hợp của đất nước. Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các
chiến lược đó sẽ tạo ra thế và lực, lực lượng và sức mạnh để bảo vệ vững chắc
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
NXT-H1
[1] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.155 - 156.
[2] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.156 - 157.
[3] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157.
[4] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.156.
[5] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157 - 158.
[6] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà
Nội, 2021, tr.160.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét