Điều có ý nghĩa
quyết định để đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc vai trò lãnh đạo
của Đảng là Đảng, Nhà nước phải lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương,
chính sách, pháp luật, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, khắc
phục những yếu kém, khuyết điểm; chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức,
lối sống, “tự diến biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố lòng tin của
nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.Tổ chức thực hiện thắng lợi, có hiệu quả sự
nghiệp đổi mới đất nước là vũ khí mạnh mẽ nhất, có tính thuyết phục nhất để bác
bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Công cuộc đổi mới
do Ðảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng vào năm 1986 đã mở ra bước ngoặt quan trọng
trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng,
đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Là một nước
nghèo, vừa thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, lựa chọn con
đường xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cũng như nhiều nước khác có lý do để áp dụng
mô hình và cách làm - một thời có hiệu quả của Liên Xô trong công cuộc xây dựng
và phát triển đất nước - mô hình kinh tế kế hoạch tập trung.
Trên thực tế,
mô hình, cách làm này đã đáp ứng được yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong điều
kiện đất nước có chiến tranh (1954-1975 ở miền Bắc). Nhưng khi thực tiễn đã đổi
thay, mô hình này dần dần bộc lộ những khuyết tật của nó, mà biểu hiện rõ nhất
là việc các chủ thể cầm quyền phạm phải những sai lầm, bệnh giáo điều, chủ
quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội không tôn trọng
quy luật khách quan, không chú ý đến tính đặc thù trong phương thức và con đường
phát triển mang tính dân tộc và thời đại. Nhận ra sự thật của những vấp váp,
sai lầm ấy, Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã kịp thời phát hiện: “Trong
nhận thức cũng như trong hành động chúng ta chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh
tế nhiều thành phần ở nước ta đang tồn tại trong một thời gian tương đối dài,
chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với
tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.
Để khắc phục những
khuyết điểm ấy, Đảng đã chỉ rõ: “Quá trình từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn ở
nước ta là quá trình chuyển hóa nền kinh tế còn nhiều tính tự cấp, tự túc thành
nền kinh tế hàng hóa... việc sử dụng đầy đủ và đúng đắn quan hệ hàng hóa - tiền
tệ trong kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân là một tất yếu khách quan... việc sử
dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ đòi hỏi sản xuất phải gắn với thị trường”.
Có thể nói, đó
là bước khởi đầu quan trọng trong việc chuyển đổi tư duy kinh tế của Đảng sang
hướng xây dựng, phát triển kinh tế thị trường. Việc xem đổi mới, trước hết phải
đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, qua thực tiễn cho thấy đây là cách tiếp
cận chính xác - khoa học của Đảng ta, là khâu đột phá về nhận thức luận, phương
pháp luận của chủ thể lãnh đạo công cuộc đổi mới.
Theo tinh thần
đó, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để làm tròn vai trò nhân tố
lãnh đạo, đòi hỏi Đảng phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến việc xác
lập một mô hình phát triển và triển khai có hiệu lực, hiệu quả mô hình trong thực
tiễn.
Nắm vững phép
biện chứng duy vật, biết kế thừa những thành tựu của nhân loại trong tiến trình
phát triển, biết sử dụng những hình thức trung gian quá độ để tìm ra những hình
thức, bước đi phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa của dân tộc
mình, Đảng đã tạo lập và hoàn thiện dần mô hình phát triển mới; đồng thời tìm
được những phương thức huy động các nguồn lực để từng bước hiện thực hóa mô
hình đó.
Mô hình phát
triển đó được khái quát cô đọng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) với 6 đặc trưng cơ bản, sau đó tiếp tục
được cụ thể và hoàn thiện thêm một bước trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển
năm 2011), và hiện nay đang được tiếp tục triển khai thực hiện.
Cả về lý luận
cũng như trên thực tế cho thấy, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo
thực hiện, về cơ bản đã hội tụ trong đó biện chứng của quá trình nhận thức và vận
dụng các khả năng của sự phát triển vì sự phát triển bền vững của quốc gia dân
tộc trong thế giới có nhiều đổi thay. Trong đó, giải phóng con người, phát huy
mọi tiềm năng sáng tạo của con người, vì con người là tư tưởng bao trùm.
Mô hình đó
vừa bao hàm tính mục tiêu, vừa phản ánh nhịp điệu, bước đi, phương
thức để hiện thực hóa các mục tiêu cụ thể, trong từng thời kỳ, giai
đoạn với những nguồn lực cụ thể. Nhìn tổng thể, mô hình xã hội xã hội
chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang tập trung tạo lập và phát triển đã hàm chứa
trong đó các trụ cột hay động lực cho sự phát triển chung mà thế giới
đương đại đều hướng tới là: Nền kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ
nghĩa); thể chế chính trị dân chủ (xã hội chủ nghĩa) mà cốt lõi là Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trọng dân, gần dân và, xã hội công dân với những
thiết chế tổ chức để bảo đảm “dân là chủ, dân làm chủ”.
Có thể khái
quát rằng, khởi xướng đổi mới, đặc biệt với việc “lắng nghe dân”, hiểu dân, dũng
cảm nhận ra sai lầm trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta, Đảng ta đã thực sự từng bước nâng tầm cả về trí tuệ và
bản lĩnh chính trị; cả về năng lực hoạch định quyết sách và phương thức tổ chức
thực hiện các quyết sách đó.
Đó là cơ sở
khách quan để khẳng định: Đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự
nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, của
nhân dân ta. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng
chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới đã tạo
nên cơ đồ và vị thế mới để đất nước chủ động hội nhập phát triển.
Nếu như giai đoạn
đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, thì
giai đoạn 1996-2000, tốc độ tăng GDP đạt 7%. Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và
nhìn lại 35 năm đổi mới, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng khẳng định: “Kinh tế nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá
cao (khoảng 6%/năm)”[1].
Năm 2020, trong
bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế
- xã hội. “Kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn
đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nên kinh tế có tốc độ tăng trưởng
cao nhất thế giới”[2].
Qua 35 năm tiến
hành công cuộc đổi mới, vượt qua các thử thách và khó khăn to lớn, tiến hành
công cuộc đổi mới trên mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội... đến nay, Việt Nam
có đủ cơ sở để khẳng định rằng đổi mới đất nước là sự lựa chọn đúng đắn, đã đặt
Việt Nam vào quỹ đạo phát triển mới về chất, phù hợp với xu thế của thời đại và
với ý nguyện của nhân dân. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rẳng:
đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như
ngày nay”[3]
Công cuộc đổi mới
do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Ðại
hội VI đến nay là một công trình sáng tạo lớn. Trải qua 35 năm phấn đấu
bền bỉ, phải vượt qua biết bao khó khăn thử thách, dù trong hoàn cảnh thời cơ
và nguy cơ đan xen nhau, có lúc nguy cơ lấn át cả thời cơ, công cuộc đổi mới đã
giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Bộ mặt đất nước có sự
thay đổi cơ bản và toàn diện.
Trong thời gian
tới, với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý chí vươn lên mãnh liệt, tinh thần đổi
mới sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ
tích phát triển mới, sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
T.H.H - LGH
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H.2021, tập 1, tr.20.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H.2021, tập 1, tr.23.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H.2021, tập 1, tr.25.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét