Pages - Menu

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC CHĂM LO ĐỜI SỐNG CHO NHÂN DÂN

 


Giải phóng con người, chăm lo cho con người có cuộc sống ngày càng đầy đủ, hạnh phúc hơn luôn là sự trăn trở, là mong muốn lớn nhất trong suốt cả cuộc đời của Hồ Chí Minh.

Với nhãn quan cách mạng và khoa học, Người hiểu rằng, muốn giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội thì trước hết dân tộc phải giành được độc lập. Nhưng, độc lập sẽ không có ý nghĩa nếu những nhu cầu của các cá nhân, gia đình và cộng đồng không được đáp ứng. Người khẳng định rằng, độc lập dân tộc phải gắn với tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc của nhân dân; “nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”[1]. Nếu “chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói chết rét, thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[2]. Vì vậy, khi Cách mạng tháng Tám thành công, với cương vị người đứng đầu Nhà nước dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu Đảng và Chính phủ phải cố gắng chăm lo cho dân, phải làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở và được học hành. Vì vậy, ngay sau khi được thành lập, mặc dù chính quyền cách mạng non trẻ phải đối diện với “thù trong giặc ngoài”, nạn đói hoành hành cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người. Nhưng, trong điều kiện ấy, cùng với những biện pháp để giữ vững thành quả của cách mạng, Người đã kêu gọi toàn dân thực hiện những biện pháp cần kíp, cấp bách, tức thì để kịp thời cứu dân thoát khỏi nạn đói. Đó là phong trào “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” để cùng chia sẻ khó khăn. Bản thân Người đã nêu một tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, dành phần lương thực ít ỏi nhưng chan chứa tình người cho đồng bào bị đói.

Khi trả lời câu hỏi “chủ nghĩa xã hội là gì”, Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan niệm sâu sắc và khoa học nhưng lại rất giản dị và gần gũi mà ai cũng có thể hiểu và cảm nhận được. Người cho rằng, chủ nghĩa xã hội là “... mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”[3]. Chủ nghĩa xã hội là “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, người già không lao động được thì nghỉ”[4], là “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”[5]. Tựu trung lại, “chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh”[6]. Chính cách giải thích dễ hiểu và rất thiết thực của Người về chủ nghĩa xã hội đã tạo nên sức thuyết phục, cảm hoá mạnh mẽ mọi người lao động Việt Nam đang nung nấu khát vọng xây dựng một cuộc sống ngày càng đầy đủ và hạnh phúc.

Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là một xã hội luôn quan tâm và thực hiện ngày càng tốt hơn vấn đề dân sinh. Coi việc chăm lo cho nhân dân có đời sống vật chất, tinh thần đầy đủ, phong phú và lành mạnh là trách nhiệm cao nhất của Đảng và Nhà nước ta. Nếu dân đói, dân rét, dân dốt, dân ốm... Đảng và Chính phủ đều có lỗi. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người luôn được trân trọng, là thứ của cải, là vốn quý giá nhất của xã hội. Làm thế nào cho dân có ăn, có mặc, được sung sướng và hạnh phúc luôn là nỗi trăn trở lớn nhất của Hồ Chí Minh, đồng thời là nhiệm vụ cốt lõi của cách mạng Việt Nam.

Với tư duy biện chứng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, lợi ích vật chất dù rất quan trọng, song không phải là duy nhất; ngoài đời sống vật chất, con người còn có đời sống tinh thần và những nhu cầu tinh thần đa dạng. Vì vậy, chăm lo cho con người không chỉ là chú ý giải quyết những vấn đề ăn, mặc, ở, mà còn phải chăm lo đến đời sống tinh thần của họ. Nếu con người chỉ ăn no, mặc ấm mà không có đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh thì cũng không thể phát triển toàn diện. Vì thế, Người căn dặn Đảng và Nhà nước cần phải thường xuyên quan tâm đến vấn đề dân sinh, phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Bởi lẽ, mục đích của chủ nghĩa xã hội không có gì khác hơn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.

Những quan niệm của Người về vấn đề dân sinh không chỉ thể hiện tính nhân văn, nhân đạo cao cả, mà còn hàm chứa trong đó những giá trị chỉ dẫn quan trọng mang tầm chiến lược, soi đường cho Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam trong xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân vì dân; làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh./.

ĐHQ-H2

 



[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.56

[2] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.152

[3] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.8. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.395.

[4] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.10. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.317.

[5] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.10. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.587.

[6] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.8. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.226.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét