C.Mác đã dự đoán: “Đến một trình độ phát triển nào đó thì “tri thức xã hội phổ biến” (khoa học) biến thành “lực lượng sản xuất trực tiếp””[1]. Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, luận điểm đó của C.Mác đang trở thành hiện thực một cách đầy thuyết phục.
“Kinh tế tri
thức” là một thuật ngữ được sử dụng từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX và ngày càng
được sử dụng rộng rãi hơn. Đến nay, đã có nhiều quan niệm khác nhau về kinh tế
tri thức và do vậy, cũng có nhiều tên gọi khác nhau (như nền kinh tế số hoặc
nền kinh tế mạng; nền kinh tế thông tin; nền kinh tế học hỏi; nền kinh tế mới…).
Năm 1995, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra một quan niệm
tổng hợp về kinh tế tri thức. Theo đó, cái cốt lõi của kinh tế tri thức là “nền
kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết
định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng
cuộc sống”[2].
Tuy có nhiều
quan niệm khác nhau, nhưng các cách tiếp cận đều thống nhất: Bản chất của kinh
tế tri thức chính là sự khẳng định vai trò quyết định hàng đầu của tri thức và
công nghệ thông tin đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế tri
thức có những đặc trưng cơ bản sau:
Một là, nền
kinh tế mà tri thức khoa học và công nghệ, kỹ năng của con người trở thành lực
lượng sản xuất trực tiếp và quan trọng nhất.
Ngày nay, tri
thức khoa học và công nghệ của con người đã phát triển đến mức trở thành nguyên
nhân trực tiếp, thành nguồn lực chủ yếu thúc đẩy mọi sự biến đổi trong sản xuất
cũng như trong đời sống kinh tế - xã hội. Điều đóđược biểu hiện thông qua việc
tạo ra những ngành sản xuất mới giữ vai trò đầu tàu trong cơ cấu kinh tế, những
phương pháp sản xuất mới, những vật liệu và năng lượng mới, những công cụ sản
xuất mới với những ưu thế vượt trội so với các thế kỷ trước. Trong kinh tế tri
thức, con người vẫn giữ vai trò là chủ thể, nhưng lao động của họ đã có sự đổi
mới về chất, từ lao động cơ bắp là chủ yếu chuyển sang lao động trí tuệ. Do
vậy, tri thức khoa học và công nghệ là yêu cầu quan trọng nhất đối với kinh tế
tri thức.
Hai là, trong
kinh tế tri thức, tri thức và những phát minh khoa học, công nghệ là yếu tố cơ
bản tạo nên lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, của các doanh nghiệp và các quốc
gia trên thương trường, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện
nay. Do đó, trong kinh tế tri thức, ai chiếm hữu được nhiều tài sản trí tuệ
hơn, người ấy sẽ chiến thắng không chỉ trong cạnh tranh kinh tế, mà thậm chí cả
chính trị. Các cường quốc trên thế giới hiện nay đều là những cường quốc về
khoa học và công nghệ.
Ba là, trong
kinh tế tri thức, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng
rãi vào sản xuất và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với hiệu quả cao.
Một trong những
biểu hiện rõ nhất của sự phát triển trí tuệ con người là ở sự phát triển của
công nghệ thông tin. Thêm vào đó, công nghệ thông tin cũng là phương tiện quan
trọng nhất cho sự phát triển của trí tuệ con người. Công nghệ thông tin đã,
đang và sẽ mang lại những biến đổi kỳ diệu trong cả đời sống kinh tế lẫn đời
sống xã hội. Thực tế cho thấy rằng, công nghệ thông tin đã trực tiếp và nhanh
chóng làm thay đổi cơ cấu sản xuất, tạo ra ngành nghề mới, sản phẩm hàng hóa
mới, thúc đẩy tiến bộ khoa học - công nghệ và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên,
cũng không nên tuyệt đối hóa vai trò tích cực của công nghệ thông tin đối với
sự phát triển kinh tế - xã hội, mà cần phải nhận thức được cả mặt trái của nó,
nhất là đối với những vấn đề về an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế, đạo đức,
lối sống, v.v.. Cần hiểu vai trò của công nghệ thông tin chủ yếu với tư cách
công cụ hữu hiệu làm giảm chi phí tài chính và thời gian trong việc tìm kiếm
thông tin mới; là công cụ kích thích và tạo điều kiện cho các phát minh khoa
học - công nghệ mới, từ đấy thúc đẩy việc tăng năng suất lao động, nâng cao
chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Bốn là, kinh
tế tri thức vừa đòi hỏi và thúc đẩy, vừa tạo ra những điều kiện thuận lợi cho
mọi thành viên trong xã hội đối với việc học tập, nâng cao trình độ hiểu biết
và tay nghề chuyên môn.
Ngày nay, tất
cả các nước, các quốc gia dân tộc đều nhận thức được rằng, con người là nguồn
lực quan trọng nhất của sự phát triển, do vậy, “đầu tư cho giáo dục và đào tạo
chính là đầu tư cho phát triển”. Trong điều kiện của kinh tế tri thức, muốn
thực hiện mục tiêu đó, đòi hỏi phải có những con người có tri thức khoa học và
có năng lực sáng tạo. Từ đó đã cho thấy rõ vai trò vô cùng quan trọng của giáo
dục và đào tạo: Học tập trở thành nghĩa vụ của mỗi người dân và giáo dục - đào
tạo trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà nước và xã hội đối với sự
phát triển của đất nước./.
ĐHQ-H2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét