Pages - Menu

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

TIN GIẢ TRÊN MẠNG CẦN SỰ TỈNH TÁO VÀ CẢNH GIÁC

 

Thực trạng hiện nay, khi mỗi người dân vào mạng trên các thiết bị; thì ta thấy thực tế trên mạng xã hội đang lan truyền nhiều thông tin chưa đúng, thậm chí xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang, lo sợ cho người dân cũng như gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của nhiều địa phương, cũng như cả nước.

Lực lượng quân y của quân đội tăng cường cho TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Với nhiều tiện ích, mạng xã hội đã và đang trở thành một trong những kênh giao tiếp thông dụng đối với rất nhiều người Việt Nam. Song, bên cạnh những giá trị và lợi ích đem lại thì sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã kéo theo khá nhiều hệ lụy. Nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp để tung tin đồn, tin giả, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng nhằm gây hoang mang, lo sợ, kích động quần chúng nhân dân. Thực tế có một bộ phận người dân, do chưa nhận thức được đúng đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin giả mạo nên vô tình đã tiếp tay, làm lan truyền với tốc độ “chóng mặt” các nội dung thất thiệt sai sự thật.
Đặc biệt, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang gồng mình chống dịch Covid-19 nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân thì những ngày vừa qua đã xuất hiện rất nhiều tin đồn sai sự thật, thậm chí hoàn toàn bịa đặt. Nhất là tin giả về hình ảnh xác chết do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố. Không chỉ lan truyền các thông tin sai về tình hình dịch bệnh, nguy hiểm hơn một số tổ chức, cá nhân phản động lợi dụng cơ hội này đã kích động, xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; phủ nhận những nỗ lực và thành quả trong công tác chống dịch, chăm lo đời sống và bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Trên thực tế, có thể thấy, những thông tin thất thiệt về dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên bùng phát dịch. Các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc và xử lý không ít các trường hợp vi phạm. Tất cả những vụ đăng thông tin thất thiệt, thậm chí là bịa đặt liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 dù là vô tình hay cố ý cũng đáng lên án và phải xử lý thật nghiêm. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Tùy mức độ vi phạm, mức nghiêm trọng về hậu quả do hành vi đó gây ra, người vi phạm có thể chịu xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
Đối với tình hình dịch bệnh như hiện nay, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, dù có phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt và ngắn hạn. Thiết nghĩ, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo, sàng lọc thông tin trước khi tiếp nhận, đăng tải lên mạng xã hội, tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả của những kẻ có ý đồ xấu, gây hoang mang dư luận. Người dân cần chủ động chọn lựa tiếp cận những thông tin được cập nhật kịp thời, minh bạch, chính xác từ Bộ Y tế và các báo đài chính thống đồng thời tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng.
Mỗi người cần nói "không" với tin giả, tin sai sự thật, để trở thành một phần của "lá chắn" trước những luồng thông tin độc hại. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của lòng yêu thương, sự nhân ái, cùng chung sức, đồng lòng; luôn tin tưởng, ủng hộ, chia sẻ với các cơ quan chức năng để Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh./.

NMĐ-H8

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét