Pages - Menu

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH LÀM THẤT BẠI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH CHỐNG PHÁ QUAN ĐIỂM, CHỦ TRƯƠNG ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VỀ CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG, AN NINH, BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HIỆN NAY

 

Thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong lúc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta rất phấn khởi, tự hào về kết quả Đại hội và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đang tích cực, chủ động nghiên cứu, quán triệt, vận dụng sáng tạo các quan điểm, chủ trương của Đại hội, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, triển khai tổ chức thực hiện để sớm đưa những quyết sách đúng đắn của Đại hội thành thắng lợi hiện thực. Thì các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội ráo riết đẩy mạnh hoạt động chống phá toàn diện công cuộc đổi mới, xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta. Vì vậy, để quán triệt, thực hiện đúng đắn, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, cần nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. 

Trước thềm Đại hội XIII, khi cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội phản động ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận những thành quả cách mạng của nước ta trong hơn 90 năm qua, nhất là những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau hơn 35 năm đổi mới. Chúng cho rằng: Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, lạc hậu và hết lời tán dương, ca ngợi “giá trị tốt đẹp và sự vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước”, đất nước rơi vào cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn và nghèo nàn, lạc hậu là do sự lãnh đạo sai lầm của Đảng; một đảng cầm quyền là độc tài, trái với nguyên tắc pháp quyền và không thể có dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận...

Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân. Để xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, chủ trương Đại hội XIII của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, các thế lực thù địch, cơ hội phản động đã tập trung tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta vì sợ mất vị trí, vai trò lãnh đạo, cầm quyền đất nước và xã hội mà ám ảnh, hù dọa về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, về nguy cơ xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược... lấy đó làm cái cớ để tuyệt đối hóa, đề cao nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, xem nhẹ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thâm độc hơn, chúng triệt để lợi dụng những khó khăn về kinh tế, xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta tập trung quá nhiều nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, quân đội, công an gây lãng phí nguồn lực, đặc quyền, đặc lợi, tham hũng, tiêu cực, không ai kiểm soát được, làm cho đất nước rơi vào tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Chúng tìm mọi thủ đoạn để phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, quản lý tập trung thống thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nói riêng và sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc nói chung. Chúng đòi “phi chính trị hóa” Quân đội, tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng; hô hào: “Quân đội nên trung lập, đứng ngoài chính trị” và “chỉ tuân theo pháp luật”... xuyên tạc, phủ nhận bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp, mục tiêu lý tưởng chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội; thổi phồng hạn chế, khuyết điểm và vu cáo, nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy cao cấp của Quân đội...

Cho dù các thế lực thù địch, cơ hội phản động đã sử dụng rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn mới vô cùng tinh vi, nham hiểm và ngụy tạo dưới lớp vỏ là “yêu nước, vì dân, khách quan, khoa học”... Song thực chất đây là những luận điệu hết sức phản động, phản khoa học hòng gây hoang mang, hoài nghi, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, kích động chống Đảng, Nhà nước, phá hoại công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta...  

Trung thành, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa bài học kinh nghiệm mang tính quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc và từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc và giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược và kiên định, nhất quán thực hiện quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (Cương lĩnh năm 1991) được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII thông qua, khẳng định: “Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng.”[1]Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. “Củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của toàn dân và Nhà nước. Không ngừng nâng cao giác ngộ và cảnh giác chính trị của nhân dân, xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân trong điều kiện mới, với những lực lượng nòng cốt tinh nhuệ”[2].

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII tiếp tục khẳng định: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lược nòng cốt.”[3] Trong khi khẳng định, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”, Đảng ta luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước giữ vai trò nền tảng đối với sự nghiệp củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng- an ninh. Phát triển kinh tế- xã hội phải đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng- an ninh”[4]. Tiếp đó, Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 29/6/1992 của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba khóa VII “Về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống “diễn biến hòa bình” của địch, chỉ rõ: “Phải coi củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn dân và Nhà nước; trong đó, các lực lượng vũ trang, bao gồm Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt.”[5]

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường; các cường quốc cạnh tranh gay gắt, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, quyết liệt, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Trong điều kiện đất nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức; đặc biệt là những tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, trong các nhiệm kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, XII Đảng ta tiếp tục nhất quán khẳng định: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa- con người là nền tảng tinh thần của xã hội và là sức mạnh nội sinh, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”[6]. Những năm qua, trên cơ sở nhận thức đúng về vị trí trọng yếu, thường xuyên của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành và triển khai thực hiện các chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, Chiến lược Biển Việt Nam, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng...

Kế thừa quan điểm của các đại hội nhiệm kỳ trước đó, Đại hội XIII của Đảng,tiếp tục khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yêu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt.”[7]Không chỉ kiên định, nhất quán khẳng định vị trí “trọng yếu, thường xuyên” của nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XIII của Đảng còn chỉ rõ: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[8].

Để thực hiện mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đại hội XIII xác định: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Phải coi an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Phải chuyển mạnh sang việc “chủ động phòng ngừa” là chính... Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn chặn xung đột, chiến tranh và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”[9]. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vị trí trọng yếu, thường xuyên của nhiệm vụ củng cố, quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc, hoàn toàn không đồng nghĩa với việc tuyệt đối hóa nhiệm vụ củng cố, quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc, coi nhẹ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, trương trình, kế hoạch cụ thể.”[10] Để các lực lượng vũ trang nhân dân luôn xứng đáng với vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XIII xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh. Đến năm 2030, xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội, công an hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ... Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển.”[11] Đồng thời, kiên định nguyên tắc: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.”[12]

Như vậy, quá trình lãnh đạo đổi mới đất nước, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên” của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng ta chưa bao giờ xem nhẹ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đây là bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng trong giải quyết mối quan hệ của hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam là một đất nước chịu hậu quả nặng nề bởi sự tàn phá của chiến tranh, nên Nhân dân ta luôn luôn khát khao được sống trong độc lập, hòa bình, ấm no, tự do và hạnh phúc, không bao giờ mong muốn chiến tranh. Dựng nước phải đi đôi với giữ nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc là vấn đề có tính quy luật. Song, “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.”[13]Vì vậy, chúng ta cần chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn quan điểm, chủ trương của Đảng về củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc vàđẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc nội dung cơ bản và giá trị to lớn các quan điểm, chủ trương của Đại hội XIII của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức cảnh giác, sức đề kháng, khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng kiên quyết đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng về củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.

                                                                                                   NXT-H1

 

 

 



[1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 10-11

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2007, tr. 142

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.82

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.82

[5]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2007, tr. 68.

[6]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 148

[7]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 156

[8]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 155-156

[9]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 156-157

[10]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157

[11]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.158

[12]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.160-161

[13]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.108

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét