Thực hiện Chỉ
thị 47/CT-CT ngày 8/1/2016 của Tổng cục Chính trị về tổ chức lực lượng chống
quan điểm sai trái thù địch cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội
(gọi tắt là lực lượng 47) có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh trên mặt
trận tư tưởng hiên nay.
Tăng cường, đẩy
mạnh hoạt động của “Lực lượng 47” ở các học viện, nhà trường trong toàn quân
tích cực viết, đăng tải, bình luận, chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại
chúng và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Instagram,
Twitter... Qua đó mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đấu tranh chống “Diễn
biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và đấu tranh trên không gian mạng
trong Quân đội.
Lực lượng 47 ở
các học viện, nhà trường trong quân đội đã thường xuyên bám sát hoạt động mạng
xã hội để nhận diện, đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu xuyên tạc, tiêu cực,
sai trái của các thế lực thù địch; tích cực tuyên truyền về đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước và chia sẻ nhiều tin, bài
thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc.
“Lực lượng 47”
là những cán bộ, giảng viên, học viên bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ học tập,
công tác chuyên môn, nghiệp vụ, còn tham gia viết tin, bài, bình luận, chia sẻ
thông tin tích cực, tuyên truyền quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời tích cực và chủ động phản bác
các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị
đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên không gian mạng.
Trong thực hiện
chiến lược “Diễn biến hòa bình”, một trong những thủ đoạn tinh vi mà các thế lực
thù địch, các phần tử cơ hội sử dụng đó là triệt để lợi dụng các trang mạng xã
hội để tuyên truyền, nói xấu chế độ, xuyên tạc quan điểm, đường lối lãnh đạo của
Đảng, Nhà nước ta; kích động, lôi kéo các phần tử chống phá cách mạng; bôi nhọ
nhân sự cấp cao và chia rẽ đoàn kết nội bộ nhằm làm giảm sút niềm tin của Nhân
dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tế cho thấy không ít những
thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là giới trẻ,
đối tượng thường xuyên tiếp cận với mạng xã hội.
Các học viện,
nhà trường trong toàn quân xác định tiếp tục tổ chức thực hiện toàn diện, đồng
bộ, hiệu quả công tác đấu tranh trên không gian mạng, Tập trung thực hiện có hiệu
quả nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ
Chính trị "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
Thời gian qua,
các bài đấu tranh của “Lực lượng 47” tại các học viện, nhà trường trong toàn
quân đã thường xuyên được đổi mới về nội dung, đa dạng hóa về hình thức, góp phần
nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về bản chất cách
mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Tuy nhiên, vẫn còn những hạn
chế nhất định như: Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức chất
lượng, hiệu quả của các bài viết của lực lượng này; nội dung và hình thức, biện
pháp đấu tranh chưa phong phú, đa dạng, hiệu quả chưa cao; số lượng bài viết có
tính chiến đấu, sâu sắc, thuyết phục chưa nhiều... Để nâng cao chất lượng, hiệu
quả các bài đấu tranh của “Lực lượng 47” trên internet và mạng xã hội, cần tập
trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nắm
chắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật
Nhà nước trong viết bài đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên
internet, mạng xã hội.
Các bài đấu
tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội
(không gian mạng) thực chất là cuộc đấu tranh ý thức hệ nhằm bảo vệ chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội
và sự nghiệp cách mạng... Việc nắm chắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm,
chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, các quy định của quân đội
là cơ sở củng cố và phát triển thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cơ sở
pháp lý vững chắc nhất để viết bài phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
trên không gian mạng. Vì vậy, cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, định
hướng của Đảng, Nhà nước về chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm bảo
vệ an ninh quốc gia; đặc biệt là Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của QUTW về tăng
cường đấu tranh trên mặt trận tư tưởng hiện nay.
Hai là, phát
huy vai trò trách nhiệm, tính tích cực, chủ động của “Lực lượng 47” trong tiếp
cận thông tin có định hướng để viết bài đấu tranh trên không gian mạng.
Trong thời đại
bùng nổ thông tin thì việc làm chủ thông tin có vai trò hết sức quan trọng
trong định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực, tránh việc bị lợi dụng, tạo
cớ, xuyên tạc; không để rơi vào thế “bị động”, “chống đỡ” mà phải “chủ động”
trong định hướng thông tin. Yêu cầu đặt ra đối với các bài đấu tranh của “Lực
lượng 47” là phải nhạy bén, kịp thời, nắm chắc bản chất, diễn biến của sự kiện.
Thực tiễn vừa qua, nhiều sự việc đã bị kẻ xấu xuyên tạc, bóp méo sự thật thông
qua các thủ đoạn cắt, dán, dàn dựng Video, biên tập làm mới thông tin cũ, bịa đặt
thông tin mới...,nhưng các bài đấu tranh, ngăn chặn của “Lực lượng 47” chưa nhạy
bén, kịp thời, gây bức trong dư luận. Việc cung cấp, tiếp nhận và cập nhật các
thông tin chính thống, có định hướng được thực hiện thông qua tài liệu thông
báo chính trị nội bộ; các buổi nói chuyện chuyên đề, thông báo thời sự; tổ chức
các lớp học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng... Bên cạnh đó, cần phát huy cao độ
tính tích cực, nhạy bén, chủ động của “Lực lượng 47” trong tiếp nhận, khai
thác, sử dụng thông tin để nâng cao hiệu quả, hiệu suất các bài đấu tranh vạch
trần, “bẻ gãy” các quan điểm sai trái trên không gian mạng.
Ba là, nắm
chắc đặc điểm, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không
gian mạng để tổ chức viết bài đấu tranh hiệu quả.
Để bài đấu
tranh đạt hiệu quả thì phải hiểu và nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của kẻ
thù. Hoạt động đấu tranh chống các quan điểm sai trái internet và mạng xã hội
diễn ra rất phức tạp, khó lường, dưới nhiều sắc thái và cấp độ khác nhau. Các
thế lực thù địch sử dụng không gian mạng làm phương tiện tuyên truyền thông qua
các hình thức: lập và sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử (E-mail), trang
mạng xã hội như Facebook, Zalo; các dịch vụ hội thoại (chat), điện thoại
(VoIP), diễn đàn (Forum), Twitter, Youtube, MySpace. Đặc biệt, chúng sử dụng kỹ
thuật sao chép, cắt dán hình ảnh để tạo dựng sự kiện “giả như thật”; mở diễn
đàn với nhiều tên gọi khác nhau, như: “chống tham nhũng”, “liêm chính”, “cứu quốc”,
“hội những người Việt Nam yêu nước”, “hãy vì tự do, dân chủ”... để đăng tải các
bài viết, bình luận mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây nhiễu loạn
thông tin nhằm kích động, lôi kéo, gây sự chú ý của dư luận.
Theo đó, các
bài đấu tranh của “Lực lượng 47” phải thể hiện được sự sắc bén trong nắm bắt,
hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Tập trung tuyên truyền cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nâng cao cảnh giác, tuyệt
đối không được truy cập những trang mạng, blog... các diễn đàn có nội dung phản
động, độc hại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng và hành động.
Các lực lượng đấu tranh của các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, phản ứng
kịp thời bằng những bài viết, bình luận, chia sẻ nội dung có tính đấu tranh,
tuyên truyền tốt để phản bác làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của địch.
Bốn là, chủ
động bồi dưỡng, xây dựng “Lực lượng 47” với trình độ nghiên cứu lý luận giỏi,
nhạy bén trong viết bài đấu tranh chống các quan điểm sai trai của các thế lực
thù địch trên không gian mạng.
“Lực lượng 47”
với lý luận giỏi, có trình độ cao là cốt “vật chất” và là yêu cầu cơ bản trong
nâng cao chất lượng các bài đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai
trái, thù địch trên internet và mạng xã hội hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số
bài đấu tranh, nhiều ấn phẩm, công trình của “Lực lượng 47” chưa có điểm nhấn
thể hiện tính sáng tạo, còn nặng về “tổ hợp” lý luận, thiếu thực tiễn
nên sức thuyết phục chưa cao. Thực tế cho thấy, chỉ khi “Lực lượng 47” được
xây dựng, bồi dưỡng vững mạnh cả về phẩm chất chính trị, cả về trình độ lý luận,
thực sự xứng tầm thì các bài đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai
trái, thù địch mới có sự “đột phá” mạnh mẽ. Do đó, cần tập trung bồi dưỡng cho
“Lực lượng 47” về phương pháp khoa học trong nghiên cứu lý luận chính trị, tư
tưởng Hồ Chí Minh, phương pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch;
khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn. Củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò
chủ động, tích cực của “Lực lượng 47” trong đấu tranh với các thông tin xấu độc
của kẻ thù. Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ khai thác, sử dụng thành
thạo các phương tiện, kỹ thuật để chủ động nhận diện và đấu tranh với các quan
điểm sai trái, phản động trên internet và mạng xã hội. Cần phát huy cao độ vai
trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy, cơ quan chính trị ở các học viện nhà trường trong bồi dưỡng,
nâng cao trình độ cho “Lực lượng 47”. Tăng cường quản lý đội ngũ phóng viên, cộng
tác viên, biên tập viên, báo cáo viên. Chủ động “phủ xanh” thông tin, không để
“khoảng trống” thông tin trên không gian mạng. Hướng dẫn và quản lý tốt hoạt động
sử dụng mạng internet và mạng xã hội; quy định rõ việc cung cấp, khai thác, sử
dụng thông tin, tránh để lộ, lọt thông tin.
Tóm lại, lực lượng
47 ở các học viện, nhà trường quân đội trong đấu tranh trên không gian mạng có
vị trí, vai trò quan trọng, nội dung và yêu cầu thực hiện khác nhau, song có mối
quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Trong chỉ đạo tổ chức đấu tranh, cấp ủy, tổ
chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, khoa, đơn vị và “Lực lượng 47” cần có sự
vận dụng linh hoạt trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, có biện pháp nhận định,
đánh giá tình hình, tổ chức viết bài đấu tranh hiệu quả nhất, đảm bảo sự kịp thời
trong nhận diện và phản bác quan điểm, tư tưởng, thông tin sai trái, làm thất bại
hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội của các thế lực thù địch trên
không gian mạng./.
NTP-H2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét