Trong hàng triệu bức
điện mật xuyên suốt từ thời chiến đến thời bình, phần lớn các bức điện nhằm duy
trì thông tin liên lạc, chỉ đạo, chỉ huy của lãnh đạo. Nhưng cũng có những bức
điện mật là lời chào, lời từ biệt gửi tới đồng đội; phản ánh sự khốc liệt của
những năm tháng chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Một trong số đó là bức điện mật cuối
cùng của chiến sĩ cơ yếu đồn Pha Long, với những lời từ biệt đồng đội:“...Chúng
tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.
Trong lịch sử đấu
tranh cách mạng, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta, Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã
dành sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đất nước Việt
Nam được thống nhất, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kích
động tâm lý thù hằn dân tộc, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai… gây nên
tình hình căng thẳng, phức tạp giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc tiến công của
quân Trung Quốc vào biên giới phía Bắc Việt Nam (tháng 2/1979).
Trước tình hình đó,
Đảng, Nhà nước Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết tình hình nói trên bằng
giải pháp hòa bình, đồng thời khẩn trương tăng cường lực lượng, đẩy mạnh xây dựng
thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước.
Trong những ngày cuối
năm 1978 đầu năm 1979, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, phụ trách cơ yếu các
đơn vị đã nhanh chóng rà soát, bổ sung tiếp vào kế hoạch bảo đảm liên lạc qua kỹ
thuật mật mã trong chiến đấu. Các đơn vị đã cử cán bộ cơ yếu xuống các đồn biên
phòng kiểm tra, giúp đỡ cơ yếu đồn thực hiện kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu
theo phương án đã quy định của cấp trên. Các quy ước liên lạc trong tình huống
khẩn cấp đã được các đồn thực tập liên lạc thử về tỉnh và vượt cấp về Bộ Tư lệnh.
Ngày 17/2/1979,
hàng chục vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới Trung Quốc - Việt Nam,
tiến công nhiều mục tiêu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nhằm nhanh chóng
đánh chiếm một số thị xã, đường tiếp tế của Việt Nam từ phía sau lên. Hướng tiến
công chủ yếu là Lạng Sơn, Cao Bằng, hướng quan trọng là Lào Cai, hướng phối hợp
là Phong Thổ, Lai Châu, hướng nghi binh để thu hút lực lượng của Việt Nam là Hà
Tuyên và Quảng Ninh.
Cách đánh chủ yếu của
Trung Quốc là sử dụng lực lượng áp đảo bất ngờ tiến công đồng loạt, tập trung
vào hướng chính diện kết hợp với vu hồi, thọc sâu, bao vây, chia cắt lực lượng
ta, đặc biệt là sử dụng pháo binh gây sát thương lớn cho bộ đội và dân thường
Việt Nam.
Tại Lào Cai, Trung
Quốc dùng 2 trung đoàn bộ binh bất ngờ tấn công đồn Pha Long, nhằm triển khai ý
đồ chiến thuật cắt rời mảnh đất hình tam giác này ra khỏi thế trận liên hoàn
toàn tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Đồn Pha Long rơi
vào thế cô lập, bị bao vây. Với tinh thần cách mạng, các chiến sĩ đã chiến đấu
phòng ngự trong suốt 4 ngày đêm chống trả số lính thiện chiến, có sự yểm trợ của
pháo binh và đông gấp nhiều lần bên ta. 9 giờ ngày 18/2/1979 địch tập trung lực
lượng lớn tiếp tục áp sát đồn, kêu gọi chiến sĩ ta đầu hàng. Cán bộ chiến sĩ đồn
Pha Long vẫn bình tĩnh ngoan cường nổ súng vào đầu quân xâm lược. Những lúc ác
liệt đó, chiến sĩ Nguyễn Duy Mạc, nhân viên Cơ yếu Đồn Biên phòng Pha Long
(Hoàng Liên Sơn) vẫn liên tục một tiếng, rồi ba mươi phút một lần mã điện báo
cáo về Tỉnh và Bộ Tư lệnh. Quyết tâm chiến đấu của cán bộ chiến sĩ đồn Pha Long
đã được chiến sĩ Mạc chuyển đi ngay trưa 18/2/1979: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch
đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều. Nhưng anh em chúng
tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Dù còn một người cũng chiến
đấu”.
11 giờ 20 ngày
18/2/1979, bộ phận cơ yếu tỉnh bộ Công an vũ trang Hoàng Liên Sơn đã cấp tốc
chuyền ngay mệnh lệnh chiến đấu của Ban chỉ huy Tỉnh cho đồn Pha Long và đại đội
3 cơ sở biên phòng: “Đại đội 3 chi viện ngay cho đồn Pha Long để cùng phối hợp
chiến đấu. Các đồng chí hãy nêu cao khí phách anh hùng dù hy sinh cũng phải chiến
đấu đến cùng, kiên quyết không đầu hàng địch, không để địch bắt sống”.
Tiếp đó, Phòng Cơ yếu
cũng mã ngay chỉ thị khẩn cấp của Bộ Tư lệnh cho Trung đoàn 16 cơ động biên
phòng: “Điều ngay tiểu đoàn một ở Mường Khương triển khai cùng tác chiến với đồn
Pha Long. Cho một đại đội khác tìm đường từ Xi Ma Cai lên Pha Long cùng chiến đấu.
Nhận chỉ thị này thực hiện ngay không được chậm”. Thời điểm ấy, Đồn trưởng Pha
Long đi công tác xa, việc chỉ huy do thượng úy Trần Ngọc, Chính trị viên kiêm
Bí thư Chi bộ Đồn. Mặc dù, trước đó đã được chi viện tăng cường, nhưng do bị
vây đánh suốt mấy ngày liền, lương thực, đạn dược cạn dần, thương vong ngày
càng cao...
Đến sáng 19/2/1979,
quân Trung Quốc đông gấp nhiều lần. Trước nguy cơ Đồn bị rơi vào tay địch,
Phòng Cơ yếu đã điện chỉ đạo cho cơ yếu đồn Pha Long: “Tình hình không bảo đảm
an toàn tài liệu thì báo cáo Ban chỉ huy đồn tìm cách bảo vệ hoặc xử lý ngay”.
11 giờ ngày 19/2/1979, Cơ yếu đồn Pha Long đã mã bức điện cuối cùng của Ban Chỉ
huy Đồn báo cáo Bộ Tư lệnh và Ban chỉ huy tỉnh: “Một Sư đoàn địch đang vây hãm
đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”. Chiến tranh
đã qua đi nhưng kí ức về một thời bom đạn vẫn còn đó. Càng thấm thía, biết ơn
sâu sắc đối với lớp lớp thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu trong sự
nghiệp giải phóng dân tộc...
NTH-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét