Pages - Menu

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC TRONG ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN NỀN GIÁO DỤC HIỆN NAY

 

  Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng con người mới, xã hội mới. Người khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang,... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Giáo dục không chỉ đảm nhiệm việc truyền dạy tri thức, học vấn cho con người, mà sâu sắc hơn, còn đào tạo ra những con người phát triển toàn diện, “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có tri thức, vừa có lý tưởng, đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ... Đó là quá trình rèn “đức”, luyện “tài”, không ngừng vươn lên của mỗi con người, để phát triển toàn diện và hoàn thiện bản thân, để được cống hiến và khẳng định giá trị làm người của bản thân. Đó là quá trình đi tới sự giải phóng triệt để, con người thực sự làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội.

Trải qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có sự đóng góp của ngành giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, đòi hỏi nền giáo dục phải tiếp tục có sự thích ứng kịp thời, nhất là phải đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng và trình độ ngày càng cao của người dân, nhanh chóng góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng.

 Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống, chưa ổn định. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao. Hệ thống giáo dục và đào tạo chưa bảo đảm tính đồng bộ và liên thông giữa các trình độ, các phương thức giáo dục và đào tạo. Nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trên một số mặt vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu và chính sách đãi ngộ. Quản lý nhà nước và quản lý - quản trị nhà trường còn nhiều hạn chế.

Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các cơ quan, các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo cần quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh về phát huy cao nhất mọi năng lực, phẩm chất vốn có của con người. Trong điều kiện hiện nay, để góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết trong đổi mới giáo dục, cần nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, phải nhận thức đúng vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, ở nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của giáo dục, vì vậy, “việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” còn chậm và lúng túng. Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội”. Do đó, “giáo dục và đào tạo chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, thành động lực phát triển. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu”. Cần hiểu giáo dục và đào tạo theo nghĩa rộng, bao hàm cả giáo dục văn hóa, gắn liền với phát triển văn hóa. “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Theo nghĩa đó, giáo dục góp phần quan trọng vào xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng nền tảng cho phát triển văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước, bởi lẽ, giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, và chỉ khi con người Việt Nam phát triển toàn diện thì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mới nhanh chóng trở thành hiện thực.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục.

Đổi mới nội dung giáo dục là một phần cốt yếu trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục và phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trên cơ sở mục tiêu đổi mới giáo dục tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng cấp học, tiếp tục chuẩn hóa và đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục các cấp học theo hướng hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành, nghề. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học, tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Thực hiện tốt hơn phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Chế định đúng và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ đại học. Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.

Thứ ba, đẩy mạnh giáo dục toàn diện.

Nói đến giáo dục toàn diện là nói đến giáo dục nhiều mặt, gồm cả trí, đức, thể, mỹ. Cần thay đổi quan niệm cũ về lao động trí óc và lao động chân tay vốn ăn sâu vào tâm lý của một bộ phận nhân dân. Tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục (tháng 6-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giáo dục bây giờ không phải như giáo dục thời trước. Trước kia thì “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”, nghĩa là tất cả mọi tầng lớp ở dưới thấp cả, chỉ có người đọc sách, người trí thức, mới là cao hơn hết. Đó là giáo dục của phong kiến”. Đến bây giờ, “Người lao động trí óc, mà không liên hệ với lao động chân tay thì mới là trí thức một nửa. Còn người lao động chân tay mà văn hóa kém, không biết lao động trí óc thì cũng là người không hoàn toàn, cũng chỉ được một nửa... Người trí thức phải biết làm lao động chân tay. Người công nhân, nông dân phải có trình độ văn hóa”.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã đề ra 7 quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm thực hiện mục tiêu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc”. Để thực hiện mục tiêu trên, cần chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam. Đó là nội dung cốt lõi của giáo dục toàn diện cần được quán triệt và hiện thực hóa trong thực tiễn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta trong giai đoạn mới./.

VTK-H1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét