Pages - Menu

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC

 

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được Văn kiện Đại hội XIII thể chế hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình, kế hoạch cụ thể, với lộ trình và bước đi phù hợp với điều kiện thực tế. Đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu chiến lược, cao đẹp, xuyên suốt và lâu dài của Đảng, của cả dân tộc ta. Để hiện thực hóa mục tiêu đó không phải ngày một ngày hai hoặc trong một thời gian ngắn, mà phải theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Cụ thể, Đảng ta xác định theo lộ trình, đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việc triển khai thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, kế thừa và bổ sung phù hợp với tình hình và điều kiện của đất nước trong từng thời kỳ. Chú trọng việc nghiên cứu, phân tích, dự báo thời cơ, thách thức, khó khăn tác động, đồng thời tích cực tham khảo kinh nghiệm của các nước. Có thể nói, việc thể chế hóa, cụ thể hóa “khát vọng phát triển đất nước” thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình thực hiện mang tính tổng thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta cũng như những diễn biến của tình hình thế giới,… là một trong những phương cách khả thi nhất để góp phần hiện thực hóa khát vọng này. Từ đó góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước đã được xác định.

Một trong những giải pháp cơ bản nhằm hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là tăng cường tuyên truyền, giác ngộ, truyền cảm hứng về khát vọng phát triển đất nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, với sự sinh động, phong phú, thiết thực và hiệu quả bằng các hình thức, phương pháp khác nhau. Thường xuyên tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trách nhiệm công dân và nghĩa đồng bào của quần chúng nhân dân. Làm cho khát vọng phát triển đất nước trở thành niềm vinh dự, tự hào, phương châm, lẽ sống và hành động, là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cần chủ động tạo lập các yếu tố, điều kiện và môi trường xã hội thuận lợi làm cơ sở, động lực để khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ở mỗi con người Việt Nam. Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tốt tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống, quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của người dân; giải quyết tốt vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động.

Cùng với đó, chúng ta cần thực hành triệt để dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực chất quyền làm chủ của nhân dân, coi trọng ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước. Đảng ta đã cụ thể hóa phương thức biểu hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trên tất cả các lĩnh vực một cách rõ ràng, gắn với yêu cầu về hành động, việc làm thiết thực của mỗi người dân Việt Nam. Trong đó, từ góc độ kinh tế, khát vọng phát triển đất nước được thể hiện chủ yếu ở tinh thần vươn lên xóa bỏ cái “biệt danh” nước nghèo, chậm phát triển. Từ góc độ chính trị – xã hội, một mặt, khát vọng phát triển đất nước là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần lạc quan về tương lai tươi sáng của đất nước, tiền đồ tốt đẹp của dân tộc; khắc phục triệt để tâm lý tự ti, nhược tiểu. Từ góc độ khoa học và tri thức, đã như một chân lý – muốn đi xa, hành trang phải đầy đủ, vì vậy, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước rất cần những con người có tri thức, đủ năng lực và trình độ để thực hiện khát vọng đó.

Như vậy, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng ta đã khẳng định tính đúng đắn, khoa học và cách mạng và phù hợp với nguyện vọng của toàn Đảng và toàn dân ta. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay, góp sức để hiện thực hóa mục tiêu đó thành hiện thực, góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh./.

Tia chớp

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét