Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc và thành công tốt đẹp. Nghị quyết Đại
hội XIII đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta triển khai và đi vào cuộc
sống, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Tuy nhiên, các thế lực
thù địch không công nhận sự thành công của Đại hội XIII, thường xuyên có những
thủ đoạn xuyên tạc, chống phá. Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động
tiếp tục với chiêu trò mới là xuyên tạc vấn đề “khơi dậy khát vọng phát triển đất
nước phồn vinh, hạnh phúc” mà Đảng ta đã xác định trong các Văn kiện Đại hội
XIII. Bọn chúng rêu rao, xuyên tạc rằng, đó là quan điểm duy tâm chủ quan, một
khẩu hiệu trống rỗng, phi thực tế, phản khoa học,… Đây là thủ đoạn mà các thế lực
thù địch, phản động, chống phá nhằm thực hiện mưu đồ xuyên tạc, bóp méo đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng ta. Bọn chúng lý sự rằng, “khát vọng” là yếu tố
tinh thần, là mặt tinh thần của đời sống xã hội. Việc Đảng ta nhiều lần đề cập
và nhấn mạnh đến thành tố “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII, bọn chúng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã
tuyệt đối hóa yếu tố tinh thần và lấy nó làm cơ sở, nền tảng cho sự phát triển
kinh tế – xã hội đất nước, nên rõ ràng là một quan điểm duy tâm chủ quan; đi
ngược lại lý luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử, trái với chủ nghĩa Mác –
Lê-nin.
Các thế lực thù địch, phản động chỉ
biết xuyên tạc, bóp méo sự thật, chứ bọn chúng không hề biết và nhận thức đúng
đắn về vai trò, sức mạnh to lớn của tinh thần con người trong tính độc lập
tương đối của ý thức theo lý luận triết học Mác – Lênin. Ý thức có tính độc lập
tương đối với vật chất, có tính năng động, sáng tạo nên có thể tác động trở lại
vật chất, góp phần cải biến thế giới khách quan thông qua hoạt động thực tiễn của
con người. Như V.I. Lê-nin đã từng nói: “Ý thức con người không phải chỉ phản
ánh thế giới khách quan, mà còn tạo ra thế giới khách quan”. Điều đó cho thấy,
ý thức, tư tưởng hay tinh thần của con người, trong đó có các khát vọng chính
đáng, hợp lý, hoàn toàn không phải là sản phẩm tiêu cực, thụ động, mà luôn chứa
đựng sức mạnh tiềm tàng rất to lớn. Và để hiện thực hóa sức mạnh ấy, để biến nó
thành sức mạnh vật chất, đòi hỏi phải biết thường xuyên khơi dậy, bồi đắp và
chuyển hóa nó thành các hành động cụ thể, các phong trào xã hội thiết thực. Chủ
tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý… Bổn
phận của chúng ta là… phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo,
làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc
yêu nước, công việc kháng chiến”. Thực tiễn xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam
qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, không ngừng được đắp bồi và phát triển,
tinh thần yêu nước cùng với khát vọng phát triển đất nước là những giá trị tiêu
biểu, tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Chính khát vọng cháy bỏng
phải giành, bảo vệ cho được độc lập, tự do, thống nhất đất nước đã tạo nên sức
mạnh phi thường để dân tộc ta trường tồn và phát triển.
Vận dụng lý luận phù hợp với thực
tiễn của đất nước trong tình hình mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã rất
đúng, rất trúng khi xác định một cách mạch lạc, đầy sức thuyết phục về khát vọng
phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Văn kiện Đại hội XIII hoàn toàn không
tuyệt đối hóa vai trò động lực của khát vọng phát triển đất nước, mà xác định rất
rõ đây là một trong những động lực để tạo thành “hợp lực” cho đổi mới, phát triển
và hội nhập; là động lực tinh thần chứ không phải động lực vật chất; là động lực
thúc đẩy chứ không thể thay thế vai trò cơ sở, nền tảng quyết định của yếu tố
kinh tế, vật chất. Mặt khác, Văn kiện Đại hội XIII đã được tổ chức lấy ý kiến rộng
rãi trong nhân dân và các tổ chức chính trị – xã hội, trong đội ngũ cán bộ, đảng
viên; được góp ý, chỉnh lý, sửa chữa nhiều lần; được nhiều nhà khoa học, nhà lý
luận nghiên cứu, biên soạn một cách cẩn trọng, nghiêm túc, cân nhắc từng từ, từng
câu, từng chữ.
Như vậy, trước những luận điệu cho
rằng quan điểm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”
trong Văn kiện Đại hội XIII là duy tâm chủ quan, mỗi chúng ta cần có sự hiểu biết
và tỉnh táo, khách quan đều thấy rõ đó chỉ là một sự non kém về kiến thức triết
học và tri thức lịch sử,… hoặc là những ý đồ chính trị hết sức tinh vi và thâm
độc, một dạng của thuật ngụy biện và chủ nghĩa chiết trung, vốn không được bất
kỳ khoa học nào đánh giá cao. Đảng ta xác định “khát vọng phát triển đất nước
phồn vinh, hạnh phúc” là bước đột phá trong tư duy của Đảng về sức mạnh nội
sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới./.
Tia chớp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét