Hiện nay, hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là
nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tình hình khu vực, thế giới
vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó dự báo; tình trạng xâm phạm chủ quyền,
tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ,
khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng và những thách thức an ninh phi
truyền thống đang đe dọa toàn cầu. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực
đoan, cường quyền, áp đặt, thực dụng, bảo hộ đang nổi lên trong quan hệ quốc tế.
Nhiều nước, nhất là các nước lớn chủ động điều chỉnh chiến lược theo hướng đặt
lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, làm cho quan hệ quốc tế ngày càng phức
tạp.
Để tiếp tục
khẳng định quan điểm, đường lối, chính sách quốc phòng nhất quán, góp phần tăng
cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế
giới, năm 2019, Bộ Quốc phòng đã công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam; trong
đó, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương “không tham gia liên minh quân sự”. Đây là chủ
trương đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại và bản chất, truyền thống dựng nước,
giữ nước của dân tộc; điều đó được thể hiện ở một số quan điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, thực
hiện nhất quán đường lối, chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, tự cường.
Việt Nam chủ
trương xây dựng sức mạnh quốc phòng tổng hợp bằng chính nguồn lực của đất nước
và trí tuệ con người Việt Nam, không lệ thuộc vào bên ngoài. Việc củng cố, tăng
cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm huy động sức mạnh tổng
hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang
nhân dân làm nòng cốt. Với đường lối quốc phòng toàn dân, công tác quốc phòng đều
hướng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi của nhân dân, được đông đảo
nhân dân tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đấu tranh ngăn chặn,
đẩy lùi nguy cơ bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang và chiến tranh xâm lược. Đồng
thời, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng chuyển tiềm lực quốc phòng thành thực
lực quốc phòng, xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng và đánh thắng
mọi hình thái chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thực tiễn hơn
35 năm đổi mới cho thấy, với việc thực hiện đường lối quốc phòng đúng đắn,
chúng ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ
của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng và
phát triển đất nước. Với những cuộc xung đột, nội chiến đẫm máu xảy ra gần đây ở
một số nước trên thế giới, như: nội chiến ở Syria, Ucraina, leo thang quân sự ở
Iraq,… đã chỉ ra một trong những nguyên nhân, ngòi nổ chính là do sự thiếu nhất
quán trong chính sách đối nội, đối ngoại và không tôn trọng nguyên tắc độc lập,
tự chủ, trông chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài. Và đằng sau sự giúp đỡ đó, bao giờ
cũng có những mưu đồ, toan tính về lợi ích chiến lược của các cường quốc. Vì thế,
hòa bình đâu chưa thấy, nhưng sự chia cắt, tàn phá, nội chiến, làm nghèo đất nước
đã hiện hữu, khó bề khắc phục. Điều này càng củng cố, khẳng định quan điểm của
Việt Nam khi không đứng về bên nào, chỉ đứng về hòa bình, lẽ phải, tôn trọng luật
pháp quốc tế là hoàn toàn phù hợp, đúng đắn.
Thứ hai, tính
chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ.
Trong lịch sử
dựng nước và giữ nước, dân tộc ta nhiều lần bị các thế lực phong kiến phương Bắc,
chủ nghĩa thực dân, đế quốc đô hộ, xâm lược. Song, nhân dân ta luôn đoàn kết,
nhất tề đứng lên đấu tranh với mục đích cao nhất là giành lại độc lập, tự do
cho dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước. Hiện nay, tình hình thế giới, khu
vực diễn biến phức tạp, khó dự báo, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá
cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực với âm mưu, thủ đoạn rất tinh vi, xảo
quyệt. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước ta đã, đang tiến hành nhiều biện pháp
để tạo lập, phát huy cao nhất mọi nguồn lực của đất nước; tận dụng có hiệu quả
môi trường quốc tế thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với quan điểm
kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách quốc phòng là hòa bình và tự vệ; không
xâm lược hoặc đe dọa xâm lược bất kỳ quốc gia nào, không sử dụng vũ lực hoặc đe
dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, mọi hoạt động xây dựng, củng cố quốc
phòng, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quân sự, hiện đại hóa quân đội đều nhằm
duy trì sức mạnh cần thiết, đủ sức để tự vệ, giữ vững hòa bình, ổn định đất nước,
ngoài ra không có mục đích nào khác. Kể cả trong trường hợp buộc phải tiến hành
một cuộc chiến tranh để tự vệ thì cái đích cũng là vì hòa bình, độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện mục
đích cao cả đó, chủ trương của Đảng là “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo
vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới
và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc”; “Giải quyết những bất đồng,
tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”1. Điều
đó khẳng định, chính sách quốc phòng của Việt Nam là chính sách quốc phòng vì
hòa bình và tự vệ, thể hiện rõ bản chất cách mạng, tiến bộ, chính nghĩa và thiện
chí cùng nhau chung sống hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng của Đảng,
Nhà nước và Nhân dân ta. Đồng thời, góp phần thống nhất nhận thức, tạo sự đồng
thuận về nghĩa vụ, trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng,
đấu tranh quốc phòng, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa. Với việc minh bạch hóa trong thực thi đường lối, chính sách quốc
phòng cũng là để xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược giữa các nước với Việt
Nam, làm cơ sở mở rộng, nâng cao hiệu quả các mối quan hệ, hợp tác, tạo môi trường
quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ba là, tăng
cường hội nhập quốc tế, hợp tác quốc phòng vì hòa bình và phát triển.
Những năm
qua, Đảng, Nhà nước ta thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại nói chung, đối
ngoại quốc phòng nói riêng độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng
phát triển. Với quan điểm đó, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và
thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động hội nhập, mở rộng hợp
tác quốc tế, tăng cường đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực,
chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Nhờ đó, vị thế nước ta trên trường quốc tế được tăng cường; việc kết hợp sức mạnh
dân tộc với sức mạnh thời đại được phát huy; lòng tin chiến lược, môi trường
hòa bình không ngừng tạo lập, củng cố, tạo điều kiện thuận lợi bảo vệ vững chắc
độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định để phát triển đất nước đúng như Sách trắng Quốc phòng Việt Nam
2019 đã khẳng định: “đẩy mạnh hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực
nhằm đối phó với các thách thức an ninh chung”2.
Với đường lối
đúng đắn đó, đến cuối năm 2019, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với
trên 80 nước và tổ chức quốc tế; đặt Văn phòng Tùy viên quốc phòng tại Liên hợp
quốc và 37 nước; có 49 nước đặt Văn phòng Tùy viên quốc phòng, quân sự tại Việt
Nam. Việt Nam tích cực tham gia vào các vấn đề chung của thế giới, như: đăng
cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các
nước ASEAN, tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa
Trung Phi và Nam Xu-đăng,… được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Những cơ sở
nêu trên đã khẳng định, chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta là hoàn
toàn đúng đắn, phù hợp, bảo đảm vừa giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường, vừa bảo
đảm được thế “cân bằng động” trong quan hệ quốc tế, không để rơi vào vòng xoáy
của sự cạnh tranh, giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, nhất là không để bị rơi
vào thế phải đi với nước này để chống nước khác, tác động tiêu cực đến các mối
quan hệ và hội nhập quốc tế; đồng thời, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng
quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
=TXD-H2=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét