Pages - Menu

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

Nhận thức về đảng cầm quyền và thực tiễn cầm quyền của Đảng ta

  

Bàn về nội dung, phương thức và năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới, tưởng chừng như cũ mà lại rất mới, có tính thời sự nóng hổi. Nói tưởng chừng như cũ là vì khái niệm về Đảng cầm quyền đã có từ lâu, không chỉ ở các nước trên thế giới, mà cả ở nước ta, nếu tính từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945. Nói rất mới là vì sau hơn 70 năm ở vị thế Đảng cầm quyền, trước mắt chúng ta, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thật sự sáng tỏ, xử lý còn lúng túng trong lý luận về đảng cầm quyền và cả trong hoạt động thực tiễn cầm quyền của Đảng.

Nhận thức về đảng cầm quyền

Theo Đại tự điển Tiếng Việt, cầm quyền có nghĩa là nắm giữ chính quyền. Như vậy, đảng cầm quyền đồng nghĩa với đảng nắm giữ chính quyền. Ở các quốc gia theo thể chế đa đảng, các đảng chính trị với những xu hướng khác nhau, có thể cạnh tranh nhau để nắm giữ chính quyền thông qua bầu cử dân chủ. Đảng nào giành được đa số phiếu của cử tri và đa số đại biểu trong nghị viện thì đảng đó có quyền đứng ra thành lập chính phủ và trở thành đảng cầm quyền. Giành được đa số phiếu tuyệt đối thì tự mình thành lập chính phủ; nếu là đa số tương đối thì có thể liên minh với một vài đảng hay tổ chức chính trị khác để có được đa số theo thể chế đảng liên minh.

Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam, về mặt lý thuyết, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, đã trở thành đảng cầm quyền. Nhưng do những biến động của tình hình phức tạp mà sự cầm quyền đó ở một số thời kỳ là không trọn vẹn, nhận thức của chúng ta về đảng cầm quyền cũng chưa thật sáng tỏ. Đại thể như sau:

Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến ngày Toàn quốc kháng chiến (1945 - 1946), trong khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn hiện hữu như một nhà nước độc lập, tự do thật sự, thì Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố tự giải tán (sự thật là rút vào bí mật), cho nên, mặc dù Đảng vẫn giữ vai trò lãnh đạo, nhưng về mặt công khai, không có được chính danh của đảng cầm quyền.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, do vùng chiếm đóng của địch mở rộng, vùng tự do của ta bị thu hẹp, quyền lực nhà nước của ta cũng chỉ thể hiện chủ yếu ở các vùng tự do. Năm 1951, vào lúc kháng chiến bước vào giai đoạn chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công, Đảng ta ra công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam. Đảng đề ra Chính cương với mục tiêu cơ bản là “hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Mục tiêu “trước mắt là lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn”. Qua bản Chính cương và thực tiễn lãnh đạo kháng chiến, Đảng ta đã công khai xác lập vị thế lãnh đạo và cầm quyền của mình. Dẫu sao, tính chất cầm quyền của Đảng ở thời kỳ này cũng chưa thật sự rõ nét.

Trong các thời kỳ tiếp theo - thời kỳ miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955 - 1975) và nhất là thời kỳ sau khi nước nhà thống nhất, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội (từ năm 1975 đến nay), từ làm chủ hoàn toàn nửa nước đến làm chủ toàn bộ đất nước, có thể nói vai trò và vị thế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được xác lập vững chắc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, Đảng vẫn phải thường xuyên đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức. Bởi trong hoạt động lãnh đạo của mình, Đảng không chỉ có thành công mà còn có cả thất bại, dù chỉ là tạm thời hay cục bộ. Đảng ta rút ra bài học lớn: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Nói phương thức lãnh đạo của Đảng phải vận dụng linh hoạt cho từng đối tượng, không máy móc áp đặt phương thức lãnh đạo đối tượng này cho đối tượng khác, không có nghĩa là không có những nguyên tắc cơ bản mà cả 5 loại phương thức lãnh đạo đều phải tuân thủ. Theo Cương lĩnh của Đảng, đó là: Một, Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Hai, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Ba, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bốn, Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Năm, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Tuy không trực tiếp đề cập phương thức cầm quyền, nhưng trong đổi mới phương thức lãnh đạo nói chung, Đảng đặc điệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đó là: Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng các chủ trương, chính sách lớn, lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực, lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; các tổ chức của Đảng và đảng viên phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật./.

CĐT-H4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét