Pages - Menu

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

 

Lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) luôn cần được bổ sung để hoàn thiện, và luôn phải tiếp tục bổ sung, bởi lý luận soi sáng thực tiễn nhưng mọi lý luận đều phải xuất phát từ thực tiễn, nếu không sẽ trở thành giáo điều, lạc hậu.

Sau sự kiện phá dỡ Bức tường Berlin với tính chất của một biểu tượng, rồi sự sụp đổ của Liên Xô - nhiều người đã cho rằng đó là sự sụp đổ của lý tưởng XHCN - thế giới dường như lại hướng tới những giá trị của chủ nghĩa tư bản (CNTB) mà có vẻ không có sự thay thế khả dĩ nào khác. Chúng ta chưa đi đến cuối lịch sử loài người, nhưng CNTB dường như đã trở thành điều cuối cùng ở lại. CNXH và những người cánh tả dường như vẫn đang bị sốc, ám ảnh nên chưa sẵn sàng giương cao trở lại ngọn cờ của mình. Kinh tế thị trường với các thành phần kinh tế TBCN hiện diện ở nhiều nước XHCN khiến nhiều người cảm thấy CNTB đã giành chiến thắng.

Tuy nhiên, cái gọi là toàn cầu hoá của CNTB đã không mang lại sự hoàn thiện cho một mô hình xã hội mơ ước. Nếu coi hiện thực trên thế giới ngày nay là thành công thì chúng ta đã rất sai, với kết quả thật thảm hại: với tất cả sự giàu có tích lũy, thì nạn đói vẫn tiếp tục là yếu tố tử vong chính trong dân số hành tinh này. Để 15% nhân loại được sống một cách thoải mái theo ý thích của họ, 85% còn lại phải chịu đựng những khó khăn cùng cực: nghèo đói, bệnh tật, thiếu hiểu biết, thiếu các dịch vụ tối thiểu, chiến tranh và bạo lực với các biểu hiện khác nhau ở mọi nơi (phân biệt chủng tộc, gia trưởng, định kiến). Vậy đâu là thành công của hệ thống TBCN?

Ngược dòng lịch sử, thì những bê bối của Vatican với Toà án dị giáo và “7 núi tội của Kito với nhân loại” đã không khiến các Kitô hữu từ bỏ các giáo lý trong tôn giáo của họ. So sánh dù khập khiễng, nhưng như vậy thì sự thất bại của CNXH ở Đông Âu và Liên Xô cũng không thể gây ra sự từ bỏ lý tưởng XHCN khỏi chân trời lịch sử của loài người. Cho rằng chủ nghĩa xã hội thất bại là một quan niệm rất sai lầm, trong mọi trường hợp, bởi đó là thất bại của một mô hình chứ không phải của bản thân CNXH, nó đã không tiến triển được như kỳ vọng, nhưng rõ ràng ở tất cả những nơi CNXH từng tồn tại, nó đã giải quyết được nhiều vấn đề hơn là những kết quả mà hệ thống TBCN đạt được. Trong XHCN không có ai chết vì đói, không có người mù chữ, không ai không có nhà ở và không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Hơn nữa, các nước XHCN không bao giờ là người phát động các cuộc chiến tranh, đảo chính hay can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Tuy hiện tại CNXH chưa có nhiều thành tựu ở mức độ lý tưởng, nhưng giá trị tư tưởng mà CNXH mang lại vẫn là nền tảng cho hoà bình của nhân loại, trong khi đó mọi diễn văn hùng biện về chiến thắng của CNTB vẫn tự mâu thuẫn với chính nó, bởi ngoài chủ nghĩa tiêu dùng tham lam, các nhóm người quay cuồng trong cuộc sống văn hoá nghèo nàn và rẻ mạt với những giá trị cá nhân chủ nghĩa được đề cao thì nó chẳng có gì khác cả!

Bởi vậy, ngay trong thời điểm cam go của cuộc chiến ai thắng ai này, hãy tiếp tục là một người XHCN, tiếp tục nắm lấy hệ tư tưởng XHCH, để hy vọng và đấu tranh cho một thế giới có nhiều công lý hơn, không phải là những đức tin mơ hồ, niềm tin giáo điều, mù quáng, không có kết quả. Tôn giáo có thể tập hợp được một số người bởi những ảo ảnh thuần túy trong niềm tin chủ quan, mê hoặc, phi logic chỉ vì những cảm nhận cá nhân, như các nhà thần học từ thời trung cổ đã nói, rằng “đức tin không cần phải được chứng minh”!!! Là một người XHCN, thì cùng với phân tích khoa học, bạn cũng sẽ tự hình thành một niềm tin cho bản thân.

Tuy nhiên, để có được một niềm tin vững chắc vào lý tưởng XHCN thì chúng ta cần những điều lớn hơn như vậy rất nhiều, trở thành một người XHCN là một quyết định quan trọng, một quyết định mà ngay cả cuộc sống của bản thân cũng có thể phải hy sinh, nhưng chính điều đó sẽ nuôi dưỡng cho chúng ta một nhân cách cao cả, một nền tảng đạo đức vững chắc, và tư duy khoa học sâu sắc.

Ai tạo ra của cải cho xã hội? Đó chính là giai cấp công nhân và những người vô sản, không thể nghi ngờ điều đó. Nhưng đại đa số của cải lại bị chiếm đoạt bởi tầng lớp sở hữu tư liệu sản xuất (các chủ ngân hàng tư nhân, các nhà tài phiệt công nghiệp, các địa chủ), đó cũng là một sự thật không thể bác bỏ, điều đó không phải là lý thuyết hay chỉ là vấn đề thuộc về niềm tin. Bởi vậy, lựa chọn con đường CNXH là để giải quyết các vấn đề với một chiều sâu khoa học (chủ nghĩa duy vật lịch sử) trong khi vẫn tự bổ sung thêm khả năng nhạy cảm xã hội, quan tâm và tôn trọng phẩm giá con người, niềm tin vững chắc vào công lý, trong đó điều quan trọng nhất đối với một con người đúng nghĩa là “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, ước mơ của cách mạng Pháp mà ngay từ tác phẩm “Ba người lính ngự lâm” đã đề cập đến một cách rất đẹp đẽ.

Tiếp tục lựa chọn con đường CNXH không chỉ là trách nhiệm hay chỉ vì tình cảm tốt đẹp đơn thuần, mà phải trở thành một tình yêu vô điều kiện, trong khi tình yêu đơn thuần dành cho tình yêu không thể tồn tại một cách vô điều kiện. Bởi tình yêu đối với CNXH là cả một nền văn hoá, chúng ta phải tạo ra một nền văn hóa dựa trên các giá trị của nó, đó mới chính là CNXH, để có được CNXH!

Ngay cả khi chúng ta không thể yêu tất cả những người khác một cách vô điều kiện, thì chúng ta vẫn có thể dành cho CNXH tình yêu vô điều kiện và tôn trọng điều đó. Bởi bất công, dưới bất kỳ hình thức nào của nó (bóc lột kinh tế, phụ thuộc giới tính, phân biệt sắc tộc) đều là những biểu hiện thiếu tôn trọng mà CNXH luôn đấu tranh để loại bỏ.

Những người lựa chọn CNTB để chống lại CNXH, là những người mong muốn một xã hội bất công dựa trên sự bóc lột mà họ là những người có quyền bóc lột, áp bức các tầng lớp khác. Lịch sử đã cho thấy mong muốn đó chỉ có thể đưa nhân loại đến những cuộc tàn sát đồng loại. Ham muốn quyền lực, tìm kiếm quyền lực tối cao - cám dỗ đó là yếu tố tự phát của bản năng tự nhiên, là phần con trong mỗi con người chúng ta, bản năng đó chưa bao giờ cung cấp cho con người một lối thoát hay sự giải phóng thật sự. Ham muốn đó chỉ có thể dẫn chúng ta đến chỗ quay cuồng với giá trị của những chiếc siêu xe, những smartphone thời thượng, những chai rượu đắt tiền hoặc trở thành những “ngôi sao, thần tượng” nhạt nhẽo, tầm thường.

Chỉ có những hành động mang tính cách mạng của CNXH nhằm cải tạo phần bản năng đó, thay đổi thế giới đó, thực trạng đó, ý thức đó mới có thể thực sự giải phóng con người. Nghĩa là, nếu bạn muốn trở thành một con người XHCN, nhiều khi bạn sẽ phải đi ngược lại dòng chảy thông thường theo bản năng vốn có của xã hội loài người chúng ta.

Chủ nghĩa tư bản, hình thái xã hội chỉ dựa trên lợi ích cá nhân, quên đi mọi sự tôn trọng của con người dành cho con người và thế giới tự nhiên. Với động cơ cuối cùng của cuộc sống chỉ là "lợi nhuận", đem đến một cuộc sống nghèo nàn về giá trị đích thực của con người, nên CNTB chính là một quả bom hẹn giờ có thể dẫn tới sự tự huỷ diệt của loài người. Nhân danh những giá trị của nó, CNTB sẵn sàng hy sinh tất cả chỉ để tìm kiếm lợi nhuận, từ việc gây ra các thảm họa môi trường đến việc diệt chủng, thậm chí tự huỷ diệt chính nó. Mâu thuẫn tự thân được tạo ra trong CNTB quá sâu đến mức nó không thể quay trở lại và không thể tự điều chỉnh, tự quản lý được. Tất cả góp phần tạo ra một quả bom hẹn giờ sẽ phát nổ ở đâu đó. Thậm chí tệ hơn, nhân danh việc bảo vệ lợi ích của một số ít người, những cuộc chiến tranh chết chóc tạo ra nguy cơ rất cao đối với cả hành tinh chúng ta. Nếu tất cả năng lượng hạt nhân chứa trong các vũ khí nguyên tử có sẵn hiện nay được kích hoạt, sẽ có một vụ nổ hoành tráng có thể phá huỷ cả Hệ mặt trời..

Những vũ khí hoành tráng đó không hề giúp ngăn chặn được việc sau mỗi 7 giây lại có 1 người chết vì đói trên thế giới này, nghèo đói và chiến tranh là nguyên nhân chính gây ra cái chết của loài người chúng ta. Buồn vì điều đó chăng? Đừng, vì chúng ta không xứng đáng được buồn khi chưa hiểu rằng nghèo khó và chiến tranh đều không do ai khác ngoài CNTB gây ra. CNXH đã không bao giờ bắt đầu một cuộc chiến diệt chủng vì lợi nhuận cho một nhóm người, còn CNTB đã gây ra cái chết của bao nhiêu con người?

Chúng ta có thể nhìn thấy trong nhiều trường hợp, các mô hình thí điểm XHCN vẫn còn rất nhiều lỗi lầm: tả khuynh và hữu khuynh, sự lạm dụng quyền lực, thiếu cởi mở, gia đình trị, điều hành kém hiệu quả, quan liêu, sùng bái cá nhân, cùng vô số những lúng túng trong sự tìm tòi một con đường phù hợp. Cánh tả thế giới hiện nay bàn luận khá nhiều về điều này trong tự phê bình với những bài học kinh nghiệm này. Cánh hữu thì dựa vào đó để thổi phồng, cho rằng CNXH đã hoàn toàn thất bại. Nhưng sự thật về bóc lột, bất công, cướp đoạt, chủ nghĩa tiêu dùng tham lam vô độ của CNTB vẫn hiển hiện thì sao?

Mặt khác, sự lạm dụng quyền lực không phải là một “phát minh” của CNXH, mà nó là bản năng thú tính còn sót lại của con người, ở bất kỳ chế độ xã hội nào. Trong chế độ XHCN thì đó là biểu hiện suy thoái, tiến hoá ngược của những ai thiếu rèn luyện, bị cám dỗ bởi quyền lực, bị tư sản hoá mà xa rời giai cấp mình đại diện, chứ nó không phải là bản chất của CNXH mà nhân loại hướng đến. Bởi vậy, CNXH và CNCS vẫn là lối thoát duy nhất, là hy vọng cuối cùng cho loài người ở cuối con đường, khi nó tự khắc phục được những điểm yếu và lỗi lầm của nó. Trong khi đó, “lối thoát” của CNTB có gì khác hơn là những cuộc chiến tranh? Cho đến nay, ngành công nghiệp có lợi nhuận cao nhất của CNTB vẫn là sản xuất vũ khí, ngành công nghiệp chết chóc. Đó có phải là thành công?

Các mô hình xã hội dựa trên sự bóc lột của giai cấp tư hữu không thể đem đến sự giải phóng con người, và do đó chắc chắn không thể đem lại sự công bằng giữa những con người với nhau. Với chân trời XHCN, chúng ta hiểu biết về chính những điều chưa hoàn hảo của CNXH và những sai lầm mà con người mắc phải, để chúng ta đối mặt với những điều đó, ít nhất cũng là với hy vọng đem lại chân lý, vượt qua sự nghèo nàn rẻ rúng của chủ nghĩa cá nhân.

Cuộc sống của chúng ta sẽ là rất không xứng đáng nếu nó chỉ được đo bằng số tiền chúng ta có trong ngân hàng, bằng chiếc xe chúng ta sử dụng hoặc bằng quần áo chúng ta mặc. Bởi ngay cả khi không có lý do để hy vọng, chúng ta vẫn luôn có lý do cho phẩm giá của mình, và giá trị cao nhất của CNXH, chính là phẩm giá con người.

Nhưng, điều gì đã xảy ra trong xã hội loài người chúng ta sau nhiều thế kỷ tiến hoá khỏi sự u mê lạc hậu? CNTB được hình thành từ trong đêm dài trung cổ tối tăm, đem lại những tiến bộ nhất định, và CNXH được xây dựng lên trong lòng CNTB để mở ra một bình minh mới, rực rỡ hơn. Vậy nhưng bây giờ nó đang khủng hoảng, có một sự thụt lùi đáng lo ngại trong việc thực hiện lý tưởng đấu tranh vì tự do cho con người, để rồi CNTB hiện đại với những điều chỉnh nhất định bằng cách vận dụng chính các giá trị của CNXH lại có thể hả hê trước sự thoái trào của CNXH.

Cuộc chiến đấu cho một thế giới tiến bộ hơn, công bằng hơn trong hơn hai trăm năm qua, từ giữa thế kỷ thứ mười tám với các cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản đến nay, dường như đã bị dập tắt. Các phong trào tranh đấu vì hoà bình, vì quyền của người lao động đã trở nên rời rạc, yếu ớt, thậm chí lặng lẽ biến mất trong cuộc sống của quần chúng nhân dân. Tư tưởng XHCN về cách mạng cải biến thế giới được hưởng ứng mạnh mẽ cách đây nửa thế kỷ, truyền cảm hứng cho các cuộc đấu tranh anh hùng ở tất cả các nơi trên thế giới, hiện đang có một sự thoái trào đáng xấu hổ. Nó không bị dập tắt, nhưng chìm khuất trong những mơ hồ giữa phồn hoa giả tạo với sự đói nghèo thực tế.

Có phải chúng ta đang rút lui, đầu hàng? Chắc chắn là không, bởi những điều đã thúc giục, khuyến khích chúng ta: bất công xã hội, mâu thuẫn giai cấp, cùng với tất cả những điều tà ác khác trong đời sống xã hội vẫn đang hiển hiện, chưa được khắc phục và không hề biến mất. Nghĩa là, loài người chưa dập tắt được nguyên nhân của những bạo ngược bất công, nên hậu quả của nó vẫn đang tồn tại. Nói cách khác là: khi sự bóc lột, bất công vẫn còn, thì động lực và mục tiêu đấu tranh vẫn còn. Chỉ có điều rằng, động lực đó đã không còn được khai thác, khi những tiếng thét phẫn nộ của nhân loại bị áp bức bị chìm lấp, bưng bít sau bức màn hào nhoáng giả tạo và sự thao túng của truyền thông do các thế lực tư bản nắm giữ. Nó không biến mất, nhưng nó tắc nghẹn và gần như không được lắng nghe.

Chuyện gì đang xảy ra vậy? Hệ thống tư bản, với nhiều thế kỷ kinh nghiệm (từ thế kỷ 13, với những tích luỹ sơ khai ở Bắc Âu, cho đến sự bành trướng tài chính và đế quốc toàn cầu hiện nay), đã tích lũy để chiếm hữu hầu hết tài sản của thế giới, với quyền lực gần như tuyệt đối và độc tài nắm giữ kiến thức của nhân loại. Để tự bảo tồn, không sa vào cơn giãy chết, CNTB đã phát triển các công nghệ kiểm soát xã hội một cách tinh vi nhất, vượt lên mọi hình thức thống trị về tư tưởng - văn hoá từng được biết đến trong lịch sử loài người. Các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại có sức mạnh thâm nhập và thao túng lớn đến mức nó không cho phép có thuốc giải độc. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản đang đầu độc ngay chính bản thân nó bằng những kỹ thuật bẩn thỉu và kinh tởm nhất.

Trong thế giới của tư bản không có chỗ cho đạo đức, cho những day dứt dằn vặt mang tính nhân văn, cho sự thật. Như bộ trưởng tuyên truyền của Đức Quốc xã Joseph Goebbels đã thẳng thừng tuyên bố: “Một lời nói dối lặp đi lặp lại hàng ngàn lần sẽ biến thành sự thật", và giới tinh hoa tư sản ngày nay đã biến phương châm này trở thành cốt lõi của sự thao túng đa số quần chúng nhân dân. Trong xã hội tư bản, chỉ có lợi nhuận là được coi trọng, nó biến thành một bộ luật bất thành văn, lạnh lùng và không bao giờ khoan nhượng. Để thực hiện điều đó, nó lừa dối trong mọi thông tin: hoạt động tẩy não được biến thành “đời sống tâm linh, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận”, vũ khí giết người được mô tả là “bom thông minh, đạn biết tránh người tốt”, thủ thuật cướp đoạt được gọi là “chiến lược kinh doanh” một cách tinh vi, những tên sát nhân và lạm dụng tình dục được biến thành “thần tượng của giới trẻ”, vv và vv... Mọi điều đều được diễn tả một cách thăng hoa, miễn là có thể biến nhân loại trở thành một “bầy người” có thể dẫn dắt dễ dàng.

Trong khi đó, CNXH với các nguyên tắc nền tảng của mình, không cho phép xã hội đi theo cách đó, mà nó lấy nhân phẩm làm quy tắc trung tâm. Còn với CNTB, điều duy nhất được coi là giá trị chỉ là sự tích lũy tư bản, kể cả việc gây chiến tranh, gian lận tài chính, buôn bán ma tuý và buôn bán người mà có thể đem lại lợi nhuận thì đều được hoan nghênh. CNXH không thể chấp nhận những điều này, nhưng trong cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng, CNXH đến nay vẫn chưa giành được chiến thắng, điều này đặt ra một vấn đề đạo đức rất lớn: làm thế nào để CNXH có thể phù hợp để tiếp quản và quản lý sự hoành tráng mà CNTB đã tạo ra? Khi mà những lời nói dối đã trở thành “chân lý”, bởi nhân loại hầu như đã bị trói buộc và tẩy não toàn bộ suốt một quá trình rất dài?

Thế giới ngày nay đã bị ngành công nghiệp văn hóa tư tưởng khổng lồ do tư bản nắm giữ thao túng từng ngày, từng phút, từng giây. Thông điệp ý thức hệ tư sản tràn ngập tất cả mọi thứ: phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, không gian Internet, cuộc sống hàng ngày với sự quản lý của thiểu số cánh hữu mang tư tưởng tân tự do, phát xít mới, tôn giáo bảo thủ và cả các tà phái, ..., tất cả những thứ đó được tập hợp thành cơ chế kiểm soát, thao túng xã hội một cách rất hiệu quả!

Thực tế này - có thể bị cho là bi quan, nhưng nó là sự thật - chính là điều mấu chốt đặt ra cho những người XHCN, cần phải quyết liệt hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để cải tổ chính mình, tiếp tục giác ngộ chính mình, để có thể trả lời câu hỏi đơn giản mà Lenin đã đặt ra từ năm 1902: “Chúng ta phải làm gì?”. Điều đó có nghĩa là: làm thế nào để CNXH có thể tiếp tục tiến lên, trước những tiến bộ của CNTB, khi mà họ biết vận dụng chính những lý luận, phương pháp của CNXH để làm mới mình, tránh khỏi nguy cơ tự diệt vong. Vậy những người XHCN phải làm sao để giành chiến thắng?

Câu trả lời ở đây là rất khó, chắc chắn những người ở tầng lớp chúng ta không ai có thể trả lời ngay lúc này, cũng không có hướng dẫn cụ thể nào có thể khẳng định là sẽ đem đến hợp lý và thành công. Nhưng chúng ta có niềm tin, và có tình yêu vô điều kiện dành cho CNXH. Với điều đó, chúng ta có thể xây dựng các phương án khác nhau cho mình. Với những người làm công tác tư tưởng văn hoá thì rõ ràng là các phương pháp cũ sẽ phải được đánh giá lại, xem xét lại và liên tục đổi mới, không phải là chỉ làm cho “có phong cách mới” mà phải nghiên cứu sâu về thực tiễn xã hội mà chúng ta đang sống. Từ những điều cụ thể như tại sao giới trẻ lại lệch chuẩn, tại sao quần chúng không đọc sách và nghiên cứu mà chỉ chăm chú theo dõi MXH? Đến những việc vĩ mô như: Tại sao các nhân vật dân tuý lại được quần chúng lắng nghe và tung hô? Tại sao các ứng cử viên cực hữu trên thế giới lại giành chiến thắng trong bầu cử dù họ mang tư tưởng tân phát xít, siêu bảo thủ, phân biệt chủng tộc? Tại sao tổ chức công đoàn lao động mất vai trò của mình? Tại sao thuật ngữ "đấu tranh giai cấp" không còn được quan tâm và nhiều người tránh né?

Rõ ràng là, cuộc đấu tranh vẫn đang ở phía trước, và các phương pháp đấu tranh của những người XHCN phải được điều chỉnh, suy nghĩ lại để đổi mới thật sự, đổi mới hay là chết! Đơn giản như việc nếu chúng ta phê phán tuổi trẻ rằng “Thanh niên ngày nay không còn mấy ai nghĩ đến việc lên rừng để chịu đựng kham khổ mà cống hiến, lên núi để thấy mình cao hơn” thì họ sẽ hỏi lại rằng “Có còn khu rừng nào? Núi nào đáng để leo lên?”. Vâng, nếu chúng ta không giữ rừng cho họ, không là núi cao cho họ ngưỡng mộ và hướng tới thì họ sẽ chẳng biết làm gì và sẽ tiêu thụ nốt tất cả những gì còn lại của chúng ta mà chẳng làm nên gì cả!

Việc xem xét lại để đổi mới phương pháp hoạt động chính trị và công tác tư tưởng văn hoá hiện nay của CNXH là hết sức cấp bách. Toàn cầu hoá, hiện đại hoá, lấy kinh tế là trung tâm không thể mang ý nghĩa là việc chúng ta từ bỏ lý tưởng của mình, theo bất cứ cách nào!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét