Pages - Menu

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÌ SỰ TRƯỜNG TỒN CỦA DÂN TỘC

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" và đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo vừa có buổi làm việc với Tổ biên tập xây dựng đề án về dự thảo lần 1 của đề án.

Hội thảo quốc gia lần thứ ba về xây dựng Nhà nước pháp quyền

Sau 10 tháng làm việc khẩn trương, hiệu quả, dự thảo lần 1 Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã được hình thành.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tháng 5-2021, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo), gồm 21 thành viên, trong đó có 8 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng, do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng ban chỉ đạo; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo; cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban chỉ đạo là Ban Nội chính Trung ương.

Trên tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, đầu tháng 6-2021, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban chỉ đạo đã tổ chức họp triển khai Quyết định của Bộ Chính trị. Tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quán triệt: "Đây là đề án hết sức quan trọng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, cũng như phải bảo đảm phục vụ điều hành đất nước phát triển tốt nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân...". Tháng 7-2021, Ban chỉ đạo đã tổ chức phiên họp đầu tiên, thống nhất ban hành kế hoạch xây dựng đề án để phân công nhiệm vụ và xác định lộ trình thực hiện, thành lập Tổ biên tập xây dựng đề án để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kiến thức, kinh nghiệm sâu rộng về Nhà nước pháp quyền trong cả nước tham gia xây dựng đề án.

Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, Thường trực Ban chỉ đạo đã tổ chức thành công 3 cuộc hội thảo quốc gia, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành viên Ban chỉ đạo. Các cuộc hội thảo đã được tổ chức trên tinh thần thật thẳng thắn, trách nhiệm, mạnh dạn..., với các đề xuất đột phá có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới, tập hợp được nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, được đúc kết từ nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là nguồn dữ liệu, kiến thức phong phú, có giá trị về cả thực tiễn và lý luận để Tổ biên tập xây dựng dự thảo lần 1 của đề án.

Thực hiện phân công của Ban chỉ đạo, từ tháng 7-2021, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, một số cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan nghiên cứu lý luận ở Trung ương đã khẩn trương xây dựng 27 báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng đề án. Các cơ quan, tổ chức đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận, tọa đàm, cuộc họp lấy ý kiến để huy động sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến trên từng lĩnh vực cụ thể. Đến cuối tháng 3-2022, Tổ biên tập xây dựng đề án đã tập hợp được hơn 4.000 trang tài liệu từ kết quả của 3 cuộc hội thảo quốc gia, 27 báo cáo chuyên đề nhánh.

Kết quả nghiên cứu lý luận, thực tiễn và tổng hợp nội dung của các báo cáo chuyên đề, các cuộc hội thảo quốc gia đã giúp Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng đề án đúc rút được những luận điểm rất quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng đề án. Từ đó hình thành nên quan điểm: "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng XHCN, bảo đảm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân". Khẳng định xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại, là chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng, là nguyện vọng, sự lựa chọn của nhân dân, là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Sau hơn 10 tháng nỗ lực, cố gắng làm việc, quán triệt yêu cầu xuyên suốt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là đối với một đề án xây dựng nghị quyết của Đảng phải viết sao cho "nhân dân dễ hiểu, được Đảng chấp nhận, thế giới công nhận, dễ vận dụng và dễ triển khai", Tổ biên tập xây dựng đề án cùng Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng và các chuyên gia, nhà khoa học hình thành nên dự thảo lần 1 để trình Ban chỉ đạo theo đúng kế hoạch; nội dung dự thảo đề án bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước, Hiến pháp năm 2013, các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đề xuất nhiều điểm mới, có tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian tới./.

LQT-H8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét