Pages - Menu

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

CƠ SỞ KHẲNG ĐỊNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA LÀ NHIỆM VỤ TRUNG TÂM CỦA THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

  

Trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một tất yếu khách quan, là nhiệm vụ kinh tế cơ bản trung tâm xuyên suốt của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Vậy tại sao công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta lại là nhiệm vụ trung tâm trong thời kỳ quá độ?

Ta thấy, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu cơ sở vật chất kỹ thuật thấp kém, trình độ lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa mới được thiết lập chưa hoàn thiện. Do đó, có thể khẳng định: Cái thiếu nhất của nước ta là thiếu lực lượng sản xuất phát triển, một cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy nước ta cần thiết phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân. Đây chính là con đường tạo ra lực lượng sản xuất mới nhằm khai thác và vận dụng triệt để nguồn nhân lực dồi dào của đất nước. Mỗi bước đi trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là mỗi bước tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng là một bước củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, làm cho nền sản xuất xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay là nhiệm vụ trung tâm xuất phát từ các lý do sau:

Một là, xuất phát từ yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội thông qua con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

 Cơ sở vật chất kỹ thuật là toàn bộ hệ thống yếu tố vật chất lực lượng sản xuất xã hội phù hợp với trình độ kỹ thuật công nghệ tương ứng mà lực lượng sản xuất xã hội sử dụng để sản xuất ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Mỗi phương thức sản xuất đều phải có một cơ sở vật chất kỹ thuật nhất định tương ứng.

Đặc trưng của cơ sở vật chất kỹ thuật của các phương thức trước tư bản chủ nghĩa: Từ sản xuất bằng săn bắt hái lượm, trồng trọt chăn nuôi (phương thức sản xuất cộng sản nguyên thủy) cơ sở vật chất kỹ thuật còn rất thô sơ; phương thức sản xuất Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến trình độ khoa học kỹ thuật lạc hậu, lao động thủ công là chính, năng suất lao động thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn.

Cơ sở vật chất kỹ thuật của tư bản chủ nghĩa được tạo ra từ nền sản xuất lớn, đại công nghiệp cơ khí và hiện nay là kinh tế tri thức, trình độ chuyên môn hóa cao, năng suất lao động vượt trội.

Cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp lớn, hiện đại có cơ cấu kinh tế hợp lí, trình độ xã hội hóa cao dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ tiên tiến, được hình thành có kế hoạch trên toàn bộ nền kinh tế quốc dân, dưới sự thống trị của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa:

Về kinh tế kinh tế: chính là nền sản xuất lớn có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại tạo ra năng xuất lao động cao:

Do yêu cầu phải thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất lao động cái bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội chiến thắng các xã hội trước đó và để nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội. C.Mác viết: Phân tích cho đến cùng, năng suất lao động là cái cơ bản nhất, quyết định nhất, sở dĩ tư bản chủ nghĩa chiến thắng được chế độ phong kiến vì tư bản chủ nghĩa tạo ra một năng suất lao động cao hơn chế độ phong kiến, do đó chủ nghĩa xã hội muốn chiến thắng được tư bản chủ nghĩa thì chủ nghĩa xã hội phải tạo ra năng suất lao động cao hơn nhiều so với tư bản chủ nghĩa, đó là điều chính yếu.

Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay trên thế giới, đang diễn ra xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc dân, tất cả các nước đều đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật phát triển công nghệ sản xuất để tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, trên thị trường quốc tế và làm chủ thị trường trong nước. Nếu chúng ta không phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại thì chúng ta không thể nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm thì sẽ không thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác trên thị trường quốc tế, thậm chí cả thị trường trong nước.

Về kinh tế xã hội: Phải được phát triển toàn diện với một cơ cấu kinh tế hợp lý và hiện đại, hình thành có kế hoạch trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân

Lênin chỉ ra: Con đường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội có hai con đường: Các nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội từ chế độ tư bản chủ nghĩa thì chỉ cần tiến hành cuộc cách mạng vô sản để thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa bằng chế độ xã hội chủ nghĩa. Còn đối với các nước có nền kinh tế lạc hậu chưa qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.

Xuất phát từ thực trạng của nền kinh tế Việt Nam là một nước có xuất phát điểm từ một nền nông nghiệp lạc hậu vừa trải qua sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Chúng ta chọn con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa thì tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tất yếu khách quan. Tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ giúp chúng ta thoát khỏi nguy cơ tụt hậu về kinh tế cũng như về khoa học kỹ thuật công nghiệp so với các nước đi trước, rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với các nước khác.

Tóm lại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chiến lược kinh tế mang tính khách quan đối với tất cả các nước khi chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, đặc biệt là đối với một nước như nước ta hiện nay thì càng giữ vai trò quan trọng hàng đầu.

Hai là, xuất phát từ tác dụng nhiều mặt của công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

Về kinh tế: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình tạo ra chỗ dựa vật chất vững chắc cho quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phát triển. Nhờ mỗi bước tiến lên của lực lượng sản xuất do công nghiệp hóa, hiện đại hóa mang lại mà quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từng bước được hình và củng cố, hoàn thiện và mở rộng, cơ sở bảo đảm vững chắc cho định hướng xã hội chủ nghĩa toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thúc đẩy sự phân công lao động xã hội phát triển, thúc đẩy quy hoạch vùng lãnh thổ hợp lý theo hướng chuyên canh tập trung làm cho quan hệ kinh tế giữa các vùng, các miền trở nên thống nhất.

Về chính trị: Cùng với sự phát triển của công nghiệp, khoa học công nghệ, giai cấp công nhân sẽ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trên cơ sở đó vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, thông qua đảng cộng sản sẽ được tăng cường. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng tạo ra cơ sở vật chất để tăng cường liên minh công - nông - trí, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tinh thần của toàn xã hội.

Thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân là nhân tố quyết định thắng lợi của con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Về văn hóa - xã hội: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để làm biến đổi về chất lượng sản xuất nhờ đó mà hình thành hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, con người mới xã hội chủ nghĩa, hình thành một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa - nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Về lĩnh vực quốc phòng an ninh: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo điều kiện vật chất để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, vững mạnh trên cơ sở đó thực hiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa không những có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng phát triển cao mà còn bảo đảm thực hiện sự kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng an ninh, đối phó có hiệu quả với âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch./.

HDH-H2

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét