Pages - Menu

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

THỰC CHẤT CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở VIỆT NAM

 

Công nghiệp hóa có lịch sử phát triển khoảng 300 năm nay, bắt đầu từ nước Anh vào giữa thế kỷ XVIII, tiếp theo là Pháp vào đầu thế kỷ XIX. Làn sóng công nghiệp thứ hai bắt đầu ở Đức và Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ XIX, tiếp theo là Nhật Bản vào thập niên 70 thế kỷ XIX, Nga và nhiều nước châu Âu khác vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX... Trong quá trình công nghiệp hóa ở các quốc gia dân tộc đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về công nghiệp hóa. Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã tổng kết hiện có 128 khái niệm về công nghiệp hóa. Ở Việt Nam cũng có nhiều cuộc hội thảo và một số công trình khoa học bàn đến khái niệm này, song tựu trung có một số quan điểm chính sau:

Từ điển Bách khoa toàn thư Pháp quan niệm: Công nghiệp hóa là đưa đặc tính công nghiệp cho một hoạt động, trang bị cho một vùng, một nước các loại nhà máy, các loại công nghiệp.

Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) đưa ra định nghĩa: Công nghiệp hóa là một quá trình phát triển kinh tế, trong đó một bộ phận nguồn lực quốc gia ngày càng lớn để xây dựng cơ cấu kinh tế đa ngành với công nghệ hiện đại để chế tạo tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng có khả năng bảo đảm cho nền kinh tế phát triển với nhịp độ cao và bảo đảm đạt tới tiến bộ kinh tế, tiến bộ xã hội.

Các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, đều sử dụng khái niệm công nghiệp hóa trong giáo trình Kinh tế chính trị của Liên Xô: “Công nghiệp hóa là quá trình xây dựng nền đại công nghiệp cơ khí, có khả năng cải tạo cả nông nghiệp. Đó là sự phát triển công nghiệp nặng với ngành trung tâm là chế tạo máy”.

Ở Việt Nam trước Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) có quan điểm cho rằng trong bối cảnh tình hình mới của thế giới sau chiến tranh lạnh, vị trí của Việt Nam trong sự hợp tác kinh tế toàn cầu và khu vực cho phép chúng ta đi ngay vào hiện đại hóa và do vậy không nên bàn lại khái niệm công nghiệp hóa.

 Đây là quan điểm nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn, phủ nhận quy luật phát triển tuần tự của lực lượng sản xuất. Thực ra quan điểm này còn mang tính phiến diện ở chỗ nhiều lĩnh vực mà hiện đại hóa bao quát hoàn toàn không mang bản tính công nghiệp như công nghệ trí tuệ, công nghệ sinh học, giáo dục - đào tạo... cần phải đấu tranh phê phán.

Trong các hội thảo chuẩn bị văn kiện cho cho Hội nghị giữa nhiệm kỳ (khoá VII), Hội nghị Trung ương 7 (khoá VII -1994) và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Đảng ta đã nhận định: Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ, sự phân công và hợp tác kinh tế quốc tế, chúng ta không thể công nghiệp hóa đất nước theo lối cũ, làm xong công nghiệp hóa mới đi vào hiện đại hóa. Mặc dù công nghiệp hóa và hiện đại hóa là hai quá trình, hai khái niệm khác nhau, song trong điều kiện hiện nay sự xâm nhập, đan kết của công nghiệp hóa với hiện đại hóa là không thể tránh khỏi và đó cũng là cơ hội để Việt Nam bứt lên kịp các nước tiên tiến trên thế giới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tiến hành đồng thời công nghiệp hóa và hiện đại hóa cũng là thực hiện tính quy luật của sự phát triển tuần tự và nhảy vọt của lực lượng sản xuất. Do vậy, cần phải gắn kết công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong một khái niệm chung “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Theo cách hiểu chung nhất, công nghiệp hóa là quá trình chuyển một nước có nền kinh tế lạc hậu, nông nghiệp là chủ yếu thành một nước có nền kinh tế công nghiệp.

Ngày nay các nước có lợi thế đi sau có thể rút ngắn thời gian tiến hành công nghiệp hóa bằng cách gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa.

Vậy hiện đại hóa là gì?

Hiện đại hóa là, quá trình áp dụng những phát minh, thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuật - công nghệ vào nền kinh tế.

Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và phát triển những tri thức văn minh nhân loại về công nghiệp hóa đồng thời vận dụng, phát triển sáng tạo vào thực tiễn đất nước (điều kiện cụ thể của Việt Nam), Đảng ta đã đưa ra quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nghị quyết Hội nghị TW 7 khóa VII đã đưa ra khái niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ lao động sản xuất thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra năng suất lao động xã hội cao.

Như vậy, thực chất công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta là tiến hành cách mạng khoa học công nghệ trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân nhằm tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội./.

HDH-H2

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét