Pages - Menu

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

  

Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX nhấn mạnh: “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cơ bản của cách mạng và cũng là lợi ích căn bản của quốc gia”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản này của cách mạng, lợi ích căn bản này của đất nước, trong bối cảnh thế giới ngày nay, chúng ta cần giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Độc lập, tự chủ là khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc. Hội nhập quốc tế là phương thức phát triển đất nước trong thế giới ngày nay. Giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế có mối quan hệ biện chứng; vừa tạo tiền đề cho nhau và phát huy lẫn nhau, vừa thống nhất với nhau trong việc thực hiện mục tiêu cơ bản của cách mạng và lợi ích căn bản nêu trên của đất nước ta, dân tộc ta, trước hết là mục tiêu phát triển và an ninh.

Giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh bên trong là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Song, độc lập, tự chủ không có nghĩa là biệt lập, “đóng cửa” với thế giới, vì điều đó không phù hợp với xu thế khách quan của thời đại, sẽ không thể phát triển và tất yếu làm suy yếu độc lập, tự chủ. Giữ vững độc lập, tự chủ phải đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Có giữ vững độc lập, tự chủ thì mới có thể đẩy mạnh hội nhập quốc tế, vì không giữ được độc lập, tự chủ thì quá trình hội nhập sẽ chuyển hóa thành “hòa tan”, mục tiêu phát triển và an ninh đều không đạt được. Đồng thời, càng hội nhập quốc tế có hiệu quả thì càng có thêm điều kiện và tạo được thế thích hợp để giữ vững độc lập, tự chủ thông qua việc tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tạo lập sự đan xen lợi ích với đối tác, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… Vừa giữ vững độc lập, tự chủ, vừa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế còn là phương thức kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hiệu quả của hội nhập quốc tế được đo bằng mức độ thực hiện các mục tiêu phát triển, an ninh và gia tăng vị thế của đất nước. Để bảo đảm HNQT có hiệu quả, cần độc lập, tự chủ trong việc quyết định chiến lược tổng thể, mức độ, phạm vi, lộ trình và bước đi hội nhập quốc tế trên từng lĩnh vực. Hội nhập quá nhanh, quá rộng trong khi năng lực tự chủ còn yếu thì không thể có hiệu quả.

Độc lập, tự chủ còn là “chiếc neo về bản sắc”. Càng hội nhập sâu rộng càng đòi hỏi khẳng định bản sắc, càng có nhu cầu giữ gìn giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước tăng lên và tất cả các nước đều chịu sự ràng buộc nhất định của các “luật chơi” chung. Tình hình đó dường như cho thấy chủ quyền quốc gia có mặt bị thu hẹp, hay là các nước ít nhiều phải chia sẻ chủ quyền. Trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Không nước nào hy sinh lợi ích quốc gia của mình nhân danh việc phải chấp hành các “luật chơi” chung. Ngược lại, nước nào cũng tìm mọi cách để thực hiện tối đa lợi ích của mình trong bối cảnh có sự ràng buộc nhất định của các “luật chơi” chung và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước. Như vậy, hội nhập quốc tế làm nảy sinh những hoàn cảnh và điều kiện mới mà tất cả các nước, trong đó có nước ta, phải tính đến trong việc thực hiện chủ quyền quốc gia và các lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc. Đây chính là phép biện chứng giữa cái khách quan và cái chủ quan trong tiến trình lịch sử, khi cái chủ quan (các nước) luôn tìm mọi cách thực hiện lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc trong hoàn cảnh và điều kiện khách quan nhất định đã hình thành; đồng thời, việc mỗi nước theo đuổi mục đích nhất định làm thay đổi hoàn cảnh và điều kiện khách quan. Đây cũng là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua câu nói nổi tiếng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người, tức là lấy cái bất biến để ứng phó với cái vạn biến. Càng hội nhập quốc tế sâu rộng thì sự tùy thuộc lẫn nhau giữa nước ta và các nước sẽ gia tăng, và cũng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những ràng buộc bởi các “luật chơi” chung. Đó là cái vạn biến của thời cuộc. Còn cái bất biến đối với chúng ta luôn luôn là chủ quyền quốc gia, là lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, cần hết sức chú ý khai thác các yếu tố “mới” như luật pháp quốc tế, sự đua xen lợi ích giữa các nước (nhất là giữa các nước lớn)… để thực thi chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Đây là nét mới trong phương cách thực hiện chủ quyền trong hội nhập quốc tế.

Hội nhập quốc tế cũng tạo nên những thách thức mới đối với nhiệm vụ giữ vững độc lập, tự chủ. Sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước có thể chuyển hóa thành sự lệ thuộc của nước này vào nước khác. Trường hợp này dễ xảy ra đối với các nước nghèo, nước nhỏ trong mối quan hệ với các nước giàu, nước lớn. Hội nhập quốc tế cũng có thể tác động tới sự phân hóa xã hội của từng nước, khi lợi ích từ việc hội nhập được phân chia khác nhau đối với các nhóm khác nhau trong xã hội, và từ đó góp phần làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội. Hội nhập quốc tế còn có thể làm cho lợi ích nhóm nổi trội hơn, từ đó làm cho quá trình quyết sách thêm phức tạp, nhất là trong trường hợp lợi ích nhóm trong các nước liên kết với các yếu tố nước ngoài. Hội nhập quốc tế không hiệu quả sẽ làm suy giảm độc lập, tự chủ, suy giảm chủ quyền quốc gia.

Để hội nhập có hiệu quả, không thể tuyệt đối hóa độc lập, tự chủ và quan niệm về độc lập, tự chủ theo kiểu nhất thành bất biến. Tuyệt đối hóa hay quan niệm cứng nhắc về độc lập, tự chủ sẽ ngăn cản hội nhập, bỏ lỡ thời cơ hoặc làm giảm hiệu quả của hội nhập và do đó sẽ tác động tiêu cực trở lại tới độc lập, tự chủ. Mặt khác, nếu không chủ động, sáng tạo tìm ra những phương thức mới phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện hình thành từ quá trình hội nhập quốc tế, thì việc bảo đảm độc lập, tự chủ cũng sẽ gặp nhiều thách thức./.

HDH-H2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét