Pages - Menu

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN TRONG XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

Hệ thống chính trị Việt Nam về mặt thiết chế bao gồm Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam).Nhà nước gồm có quốc hội, chủ tịch nước, chính phủ, tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân.

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, Nhà nước là trung tâm của hệ thống chính trị. Đảng cộng sản Việt Nam là hạt nhân của hệ thống chính trị, lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Hệ thống chính trị Việt Nam tỏ rõ ưu việt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau chiến tranh, đất nước trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, nhưng Việt Nam vẫn đứng vững, vượt qua khủng hoảng, thử thách, đưa đất nước phát triển lên một bước mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên trước những thay đổi của bối cảnh, môi trường xã hội trong và ngoài nước, từ thực trạng hoạt động trên thực tế, hệ thống chính trị Việt nam cần được đổi mới để thích ứng và đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Cụ thể:

Đối với Đảng: vai trò lãnh đạo của Đảng cần được thể hiện tập trung hơn trong việc định hướng mô hình hệ thống chính trị Việt Nam. Trong đó xác định rõ mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của đảng với Nhà nước pháp quyền. Một vấn đề khác cần có sự ưu tiên của Đảng trong việc định hình rõ cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng và Nhà nước trong mô hình hệ thống chính trị Việt Nam; làm thế nào để phòng, chống sự suy thoái, tham nhũng của cán bộ, đảng viên của Đảng trong tình hình hiện nay.

Đối với nhà nước, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiến tới xác định rõ phạm vi thẩm quyền giữa lập pháp và hành pháp; xây dựng cơ chế, hiện thực hóa vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Đối với Quốc hội, để đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và tiếp tụcxây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một đòi hỏi cấp thiết là phải nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Trong thời gian tới Quốc hội cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng hoạt động chuyên nghiệp. Theo đó, cần phải tăng mạnh tỉ lệ đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng đại biểu quốc hội. Đại biểu quốc hội phải hoạt động chuyên nghiệp mới đủ thời gian và công sức hoàn thành trách nhiệm đại biểu của mình, phải có các kỹ năng và chuyên môn trong hoạt động nghị trường để nâng cao chất lượng hoạt động. Tổ chức lại các ủy ban của quốc hội theo hướng chuyên sâu, lĩnh vực nhằm tăng khả năng thẩm định, thông qua các luật, dự án chính sách quan trọng của quốc gia. Chất lượng hoạt động của các ủy ban chuyên môn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng của hệ thống luật pháp, chính sách được thông qua ở Quốc hội.

Đối với Chính phủ, cần phải đổi mới theo hướng xây dựng một chính phủ hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân và xã hội trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Theo đó các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là:

Đẩy mạnh và kiên quyết thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh. Đây là cơ chế bất hợp lý gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và lợi ích của nhân dân. Tuy cơ chế này đã được nhận diện và đặt ra giải quyết trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, nhưng trên thực tế các bộ, chính quyền địa phương đều muốn giữ doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. 

Định rõ quyền và trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan trực thuộc chính phủ và chính quyền địa phương. Định rõ quyền hạn và trách nhiệm của những người đứng đầu không chỉ khắc những bất cập, hạn chế của cơ chế ra quyết định tập thể trong tổ chức, điều hành, quản lý và chịu trách nhiệm mà còn đáp ứng kịp thời xu hướng thay đổi nhanh, năng động của đời sống xã hội hiện nay.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thạo việc, ngăn chặn và xử lý tình trạng cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiều dân. Cần có các biện pháp tạo động lực cho đội ngũ công chức trong việc nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp và đạo đức công vụ.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Các thủ tục hành chính đã được giảm tải nhờ cải cách hành chính trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, chưa giảm được thời gian đi lại, chờ đợi của công dân.

Đối với hệ thống tòa án và viện kiểm sát: Tiến hành xây dựng các yếu tố và điều kiện đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập của tòa án. Xét xử độc lập của tòa án là nguyên tắc hiến định, nhưng nếu trong thực tế không tạo ra các điều kiện đảm bảo thì các quan tòa vẫn có khả năng bị chi phối bởi lợi ích và các quyền lực lớn trong xã hội.

Tích cực chuẩn bị điều kiện để thành lập tòa án khu vực, làm tăng thêm sự hợp lý, hiệu quả và tính độc lập xét xử của tòa án. Sắp xếp, đổi mới cơ quan kiểm sát theo hướng tập trung vào việc thực hiện chức năng công tố. Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa bằng việc xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ luật sư, hiệp hội chuyên môn.

Đối với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng tới đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của hội, đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên. Khắc phục tình trạng hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động, giảm bớt những cấp, vị trí trung gian, tạo cho bộ máy tổ chức gọn nhẹ, năng động, thiết thực. Nâng cao tính độc lập của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội phải hướng đến dần tự chủ về kinh phí, chủ động về nội dung và phương thức hoạt động của mình. Nâng cao tính hiệu quả của việc giám sát, phản biện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự hiệu quả và thiết thực của việc giám sát và phản biện đường lối, chính sách của đảng và nhà nước xuất phát từ chính lợi ích, lĩnh vực hoạt động mang tính chuyên môn có liên quan của các tổ chức, hiệp hội và sự kết nối, huy động của Mặt trận tổ quốc, chứ không phải là sự tham gia mang tính phong trào, dàn trải ở tất cả các vấn đề, lĩnh vực./.

NDH-H2

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét