(Phần I: Sự cần thiết nghiên cứu luận điểm “bỏ qua chủ nghĩa tư bản” của C.Mác và Ph.Ăngghen)
Năm 1917, lần đầu tiên trên thế giới cách mạng XHCN
được tiến hành thắng lợi trước hết tại Nga, rồi sau đó hàng loạt các nước khác
lần lượt giành được độc lập và cùng với nước Nga vững bước trên con đường xây
dựng CNXH. Từ năm 1945 đến những năm 80 của thế kỷ XX, cách mạng XHCN hiện thực
đã trở thành một hệ thống quốc tế lớn mạnh. Lúc này, Liên Xô đã trở thành một
trong hai siêu cường thế giới, còn tại một số nước Đông Âu, Đông á, Mỹ la tinh,
Châu Phi vốn có nền kinh tế - kỹ thuật phát triển không cao, công cuộc xây dựng
CNXH cũng đạt được nhiều thắng lợi một phần nhờ sự ủng hộ quan trọng của Liên
Xô và phe XHCN. Đây chính là điều kiện khách quan cần thiết mà Lênin đã chỉ ra,
để các dân tộc lạc hậu có thể đi thẳng lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển
TBCN.
Sau những năm 1989 – 1991 đến nay, tuy lâm vào thoái
trào, CNXH thế giới vẫn tiếp tục tồn tại. Nhưng trong hơn một thập niên qua,
CNXH hiện thực với quy mô quốc gia dân tộc chỉ hiện diện ở một số ít nước đang
đi theo con đường phát triển quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, mà Việt Nam là
một điển hình. Các nước XHCN này tuy đã đạt được nhiều thành tựu to lớn sau
khoảng hơn nửa thế kỷ xây dựng xã hội mới, nhưng nhìn chung vẫn còn kém về thực
lực kinh tế – kỹ thuật, khoa học – công nghệ so với các nước TBCN. Thế và lực
của các nước XHCN không còn giữ được thế cân bằng chiến lược như đã từng có
trước đây đối với CNTB.
Trước tình hình ấy, đã xuất hiện một số quan điểm phủ
nhận lý luận và thực tiễn về con đường quá độ bỏ qua chế độ TBCN. Họ cho rằng,
CNTB chưa đi tới giới hạn phát triển cuối cùng, ngày nay nó đã chuyển sang hình
thái mới “CNTB hậu công nghiệp”; luận điểm về sự bỏ qua chế độ TBCN của Mác và
Ăngghen là một sai lầm, trái với quá trình lịch sử tự nhiên, không có khả năng
hiện thực, do vậy, con đường “phát triển rút ngắn” tại một số nước trên thế
giới hiện nay, trong đó có Việt Nam là thiếu cơ sở khoa học, không thể giành
được thắng lợi.
Chúng ta vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ
X. Cùng với việc tiếp tục quan điểm phát triển mạnh kinh tế thị trường định
hướng XHCN; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân không hạn
chế về quy mô, trình độ; Đảng ta có chủ trương cho các đảng viên được phép làm
kinh tế tư nhân. Trước tình hình ấy, đã có không ít quan điểm cho rằng, chúng
ta đã xa rời luận điểm “bỏ qua chế độ TBCN” mà Mác và Ăngghen đề cập.
Hơn lúc nào hết, việc nghiên cứu, phân tích luận điểm
“bỏ qua chế độ TBCN”, chỉ ra tính biện chứng khoa học của nó là việc làm hết
sức cần thiết, nhằm đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, bảo vệ sự đúng
đắn, cách mạng của chủ nghĩa Mác. Đồng thời là cơ sở để tiếp tục làm sáng tỏ
con đường đi lên CNXH ở nước ta và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách
mạng Việt Nam./.
NTC-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét