Pages - Menu

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

NHẬN THỨC MỐI QUAN HỆ GIỮA CÔNG BẰNG VÀ TIẾN BỘ XÃ HỘI THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

                                                      

Quan điểm gắn thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ trong đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và đánh giá chung 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; định hướng phát triển và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời gian tới.

Đảng ta tiếp tục xác định thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong tầm nhìn và định hướng phát triển: Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên... phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.

Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 xác định: Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi; tỉ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững... khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước... phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số... Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... Phát triển con người toàn diện... Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng thể hiện ở mức độ đạt được về chất lượng cuộc sống và môi trường sống của nhân dân. Biểu hiện trong quá trình sử dụng các thành quả kinh tế đã đạt được để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường sống của con người. Nội hàm của quan điểm trên là mọi người dân được hưởng cuộc sống vật chất, tinh thần đầy đủ, có khả năng tiếp cận đến các loại tài sản vật chất, có những hoạt động tinh thần ngày càng phong phú, thỏa mãn nhu cầu của đông đảo nhân dân, được sống và làm việc trong môi trường lành mạnh, trong sạch; chất lượng cuộc sống được nâng cao, thực hiện phân phối một cách đồng đều, thay vì chỉ giới hạn một cách bất hợp lý cho một bộ phận thiểu số người giàu trong xã hội; con người không bị phân biệt đối xử, với mức độ cân bằng cần thiết, cao hơn nữa là các quyền và sự tự do của con người trên các phương diện, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để đánh giá thành quả của thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo quan điểm của Đảng cần thông qua việc thực hiện nâng cao đời sống dân cư; thực hiện phát triển con người; thực hiện giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện công bằng xã hội trong phân phối thu nhập.

Việc thực hiện nâng cao mức sống dân cư, phán ánh mức thu nhập thực của bình quân đầu người sau khi loại trừ yếu tố biến động của Chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI), quy mô và cơ cấu chỉ tiêu của người dân theo các cách phân nhóm chi tiêu khác nhau; thực hiện chỉ số phát triển con người (HDI) có cuộc sống trường thọ, mạnh khỏe, được hiểu biết và có được các nguồn lực cần thiết cho một mức sống tốt, đồng thời bảo đảm sự tự do kinh tế, xã hội, chính trị để con người có được các cơ hội trở thành người lao động sáng tạo, có năng suất, được tôn trọng cá nhân và được bảo đảm quyền con người; thực hiện giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là yếu tố quan trọng phản ánh thực hiện tiến bộ xã hội cho nhân dân, có những chính sách toàn diện cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo (HCR), đưa ra các tiêu chí đánh giá từ nhiều phương diện như sức khỏe, giáo dục, chất lượng cuộc sống; thực hiện công bằng xã hội thể hiện qua phân phối thu nhập và cơ hội phát triển, trong đó phân phối thu nhập phản ánh kết quả cuối cùng của công bằng xã hội, bảo đảm sự bình đẳng trong thu nhập là việc đối xử ngang nhau đối với các chủ thể có các cơ hội phát triển như nhau. Trên cơ sở các vấn đề tiến bộ và công bằng xã hội trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định cụ thể các chỉ tiêu về các chỉ số đánh giá tiến bộ và công bằng xã hội trong thời gian tới, đồng thời đề xuất những chủ trương, giải pháp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.

Để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, Đại hội XIII của Đảng đã đề cập những vấn đề cần tập trung như giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập; khắc phục những bất hợp lý về tiền lương, tiền công, trợ cấp xã hội phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; tập trung triển khai có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; huy động mọi nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những người và gia đình có công với cách mạng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; bảo đảm quyền cơ bản của trẻ em, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.

Như vậy, muốn có tiến bộ và công bằng xã hội phải thực hiện nhiều giải pháp, có tính khả thi, hữu hiệu. Trong đó việc hoàn thiện thể chế chính sách về phân phối sản phẩm là nội dung quan trọng. Do đó, để thực hiện đúng đắn tiến bộ và công bằng xã hội cần phải có những chủ trương, giải pháp và những con người tương xứng có thể kiểm soát được lĩnh vực bảo đảm mọi việc được công khai, minh bạch, được giám sát và phản biện.

NTL-H2

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét