Pages - Menu

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

VẤN ĐỀ LÀM PHONG PHÚ THÊM TƯ DUY TRIẾT HỌC TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

  

Nghiên cứu, quán triệt Đại hội XIII, phải quán triệt quan điểm lịch sử - cụ thể, quan điểm phát triển từ khi Đảng ra đời đến nay chứ không phải là sự ngẫu nhiên, tư biện nhất thời. Thực tiễn đã chứng minh, ngay từ khi ra đời Đảng ta khẳng định: Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng, kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động của Đảng và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Có thể nói: Toàn bộ quan điểm đường lối của Đảng trong các văn kiện Đại hội Đảng từ trước đến nay là sự vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là lý luận khoa học khái quát từ thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam và ngày càng được bổ sung, phát triển phong phú, hoàn thiện. Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam qua văn kiện Đại hội lần thứ XIII cũng là sản phẩm tư duy của Đảng (đổi mới tư duy), đi từ tư duy về chiến tranh cách mạng giành chính quyền đến tư duy thời kỳ bao cấp sau giải phóng miền Nam 10 năm (1976 - 1986) và qua các kỳ đại hội là một chuỗi lôgíc đổi mới tư duy của Đảng, đến Đại hội XIII là nấc thang cao nhất từ trước đến nay; là sự khái quát hóa về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tư duy lịch sử triết học Mác là tư duy biện chứng duy vật phát triển ngày càng hoàn thiện và trở về với thực tiễn thông qua phong trào công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Còn tư duy của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII cũng vận động theo tiến trình lịch sử ấy. Thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đặc biệt là thành tựu qua 35 năm đổi mới làm cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam càng rõ nét hơn.

Đại hội XIII phản ánh trong sự nghiệp đổi mới đất nước với các mâu thuẫn thông qua 10 mối quan hệ lớn, trong đó mối quan hệ mới được bổ sung là “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương, pháp luật”1. Mỗi mối quan hệ lớn đều thấy các mặt đối lập của những mâu thuẫn biện chứng ở từng lĩnh vực cụ thể rất điển hình, đa dạng và phong phú, giá trị triết học duy vật biện chứng rất sâu sắc; Nghị quyết Đại hội XIII chỉ rõ: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn… là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”2… Sự khái quát đó thể hiện rõ trình độ tư duy của Đảng sâu sắc và triệt để, phản ánh đúng bản chất xã hội ta hiện nay.

Triết học Mác là một khoa học trang bị thế giới quan duy vật biện chứng, thế giới quan có khả năng đem lại cho nhân loại tiến bộ và giai cấp công nhân cách mạng toàn thế giới một “công cụ nhận thức vĩ đại” để “cải tạo thế giới” trong thời đại ngày nay. Chức năng của triết học không dừng lại ở trang bị, cung cấp nội dung tri thức các nguyên lý, quy luật, phạm trù, mà quan trọng là tiến tới rèn luyện tư duy biện chứng duy vật cho con người. Cho nên, trang bị thế giới quan và phương pháp luận khoa học trong nhận thức đường lối lãnh đạo của Đảng, biến tư duy lý luận khoa học trong đường lối được vật chất hoá trong hoạt động thực tiễn. Toàn bộ nội dung cũng như từng quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thể hiện hệ thống lý luận có tính chất của một cương lĩnh chính trị sâu sắc với trình độ tư duy khái quát hóa, trừu tượng hóa cao. Những luận điểm ấy biểu hiện ra ngôn ngữ lý luận chính trị, tầng sâu của nó là tư duy biện chứng duy vật của Đảng ta trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Quá trình quán triệt, vận dụng phải dùng các luận cứ phong phú để luận chứng tính chân lý của lý luận. Một trong những luận cứ quan trọng là tư duy biện chứng duy vật của Đảng được khái quát hóa, trừu tượng hóa trong Đại hội XIII. Đây chính là luận cứ và thực tiễn sinh động nhất luận giải, làm rõ nội dung tri thức triết học và hướng đến rèn luyện tư duy biện chứng.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục hiện thực hóa tư duy triết học Mác - Lênin vào trong các văn kiện. Cái tiếp nối ở phương diện văn kiện: trong văn kiện vừa là tri thức khoa học, vừa là định hướng chính trị. Tri thức khoa học bổ sung, còn lịch sử tư tưởng triết học Mác - Lênin phát triển, nó dẫn dắt phong trào công nhân qua từng giai đoạn. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII quay trở lại để dẫn dắt phong trào công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, nghiên cứu Văn kiện và nghiên cứu Cương lĩnh có sự thống nhất và khác biệt. Thống nhất là Văn kiện và Cương lĩnh đề có 2 nội dung chính: Một là, nội dung khoa học phản ánh đúng mâu thuẫn của hiện thực; Hai là, nội dung định hướng chính trị. Dưới góc độ triết học, tập trung khai thác nội dung phản ánh đúng đắn hiện thực. Khác biệt giữa Văn kiện và Cương lĩnh, đó là: Trong các Văn kiện của Đảng thì cương lĩnh có triết học nhiều hơn. Do đó, giá trị triết học ở trong Cương lĩnh lớn hơn, những định hướng chính trị trong Cương lĩnh mang tính chất tổng quát còn định hướng chính trị trong Văn kiện là cụ thể hóa trong khung 5 năm.

Do đó, nghiên cứu Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong quá trình hình thành, phát triển triết học Mác - Lênin phải thấy: hai khía cạnh khác nhau cơ bản nhưng thống nhất với nhau là phản ánh cái lôgic lịch sử phát triển của tư duy. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là sản phẩm của tư duy triết học. Hội tụ tất cả những kiến thức kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật…; tuy nhiên, chỉ phản ánh ở giai đoạn nhiệm kỳ 5 năm từ (2021 - 2025). Vì thế, vận dụng quan điểm của Đảng trong quá trình hình thành và phát triển của triết học Mác - Lênin cần phải quán triệt sâu sắc và vận dụng đầy đủ những quan điểm trên; phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn có nhận thức sâu sắc, toàn diện quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải thường xuyên nghiên cứu thực tế đang diễn ra… đó là những việc làm thiết thực góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống.

NTL-H2

 

 



1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 39.

2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 108.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét