Để xây dựng, hoàn thiện và phát huy
vai trò Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân, Đảng ta xác định trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Tiếp
tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ
quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”[1].
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao
nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp quyết
định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động
của Nhà nước.
Trong những năm qua hoạt động của
Quốc hội trong xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề
quan trọng của đất nước có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao.
Vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được thể hiện rõ; các yếu tố của nền
dân chủ đại diện được phát huy; tinh thần làm chủ, ý thức, trách nhiệm của nhân
dân đối với hoạt động của Nhà nước được phát huy; niềm tin của nhân dân vào
Quốc hội được củng cố.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn
nhận, tổ chức và hoạt động của Quốc hội còn tồn tại hạn chế: hệ thống pháp luật
còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn.
Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa
được phát huy mạnh mẽ. Do đó, Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “đổi
mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ,
pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế
giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc
hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế
giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội
và nhân dân”[2].
Đồng thời, Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của
Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các
bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện
quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”[3].
Tại hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp
hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về
tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả; Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày
27/11/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW
các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ
biến, quán triệt nghị quyết, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao và nhận thức
ngày càng sâu sắc hơn trong toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về
quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp do Trung ương. Từng cấp, từng ngành đã
triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, khoa học, nghiêm túc, bài
bản, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình bước đi phù hợp với nhiều
cách làm hay, sáng tạo, phát huy vai trò từng địa phương, cơ quan, đơn vị, đạt kết
quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, có sức lan tỏa.
Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn
vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn
theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, giảm cấp trung gian,
giảm nhiều đầu mối bên trong, nhất là giảm số lượng tổ chức và lãnh đạo, quản
lý cấp phòng khối chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp và trong các cục, vụ
ở cơ quan Trung ương; tích cực rà soát, sắp xếp giảm số lượng ban chỉ đạo, ban
quản lý dự án. Nhiều địa phương tổ chức lại đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh;
xây dựng đề án và thực hiện phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh
nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, cải cách hành chính chưa
đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Tổ chức và hoạt động của chính
quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân
quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Số lượng cán
bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn.
Do đó, Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII Đảng ta xác định phải: “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ
trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với
chính quyền địa phương; khắc phục triệt để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ
động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Nâng cao chất
lượng dịch vụ công; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập
theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả”[4].
Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và
pháp luật, hướng tới xã hội dân chủ, kỷ cương, hạn chế các tiêu cực xã hội, tạo
sự bình đẳng giữa mọi công dân trước pháp luật, thì đòi hỏi bức thiết mà văn
kiện Đại hội XIII đã đặt ra là phải: “tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam
chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ
nhân dân”[5].
Hoạt động tư pháp có trọng trách
bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội
chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng
của tổ chức, cá nhân. Trong thời gian qua hệ thống cơ quan tố tụng và bổ trợ
hoạt động tư pháp được Nhà nước quan tâm củng cố. Đồng thời, đội ngũ cán bộ
được đào tạo một cách cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp. Phương
thức lãnh đạo của Đảng và công tác giám sát của các cơ quan dân cử đối với các
cơ quan tư pháp tiếp tục đổi mới.
Bên cạnh đó việc thực hiện một số
nhiệm vụ cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Việc
nghiên cứu, xác định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy vẫn còn chậm. Công tác
giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với
hoạt động tư pháp hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức đảng các cơ
quan tư pháp Trung ương với các cấp ủy địa phương và giữa các cấp ủy tổ chức
đảng trong các cơ quan tư pháp với nhau trong việc lãnh đạo thực hiện một số
nhiệm vụ cải cách tư pháp chưa thực sự chặt chẽ. Chấp hành pháp luật nhìn chung
chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa
kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Do đó, Đại hội XIII xác định phải:
“nghiên cứu, ban hành Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp. Tiếp tục đổi
mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của
toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án
và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết
kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng
ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật”[6].
Đảng ta đã có những bổ sung, phát
triển lý luận về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,
trong đó vừa làm sâu sắc thêm những quan điểm đã được thể hiện nhất quán trong
các văn kiện trước đó của Đảng, vừa có những phát triển mới đáp ứng đòi hỏi của
tình hình thực tiễn. Nội dung bao trùm trên tất cả các cơ quan hệ thống tổ chức
bộ máy nhà nước đó là: cơ quan lập pháp; cơ quan hành pháp; cơ quan tư pháp.
Mỗi nội dung quan điểm của Đảng về
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII có vị trí, vai trò, nội dung cụ thể khác nhau, song giữa
các nội dung đó luôn có mối quan hệ khăng khít, tác động tương hỗ lẫn nhau tạo
cơ sở định hướng và chỉ đạo toàn bộ quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ mới.
NTL-H2
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 175.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 175.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 176.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 177.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 177.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 177-178.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét