Trong suốt chiều
dài lịch sử xây dựng và phát triển của nước ta, một trong những yếu tố then chốt,
đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần xây dựng, giữ vững sự nghiệp chủ
nghĩa xã hội, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh
đạo, quản lý có đạo đức cách mạng thực sự “là người đầy tớ thật trung thành của
nhân dân”; có năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển
đất nước hiện nay; trước hết, trong mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực, thường
xuyên tu đưỡng, rèn luyện đạo dức cách mạng, tự soi, tự sửa, từng bước hoàn thiện,
nâng cao phẩm chất, năng lực công tác, để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo
vệ và phát triển đất nước. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở vị trí công tác nào cũng
phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thực hành mọi lúc, mọi nơi, trong mọi
hoàn cảnh để giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng. Thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo
đức sẽ dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật của Đảng,
pháp luật của Nhà nước. Có thể thấy, tư tưởng của Bác về tu dưỡng, rèn luyện đạo
đức cách mạng là bài học quý báu, là Kim Chỉ Nam để thế hệ cán bộ, đảng viên
noi theo, rèn luyện, trưởng thành và qua lịch sử cách mạng của Đảng, Nhân dân
ta trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước là một trong những minh chứng sống
động, có biết bao tấm gương cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng của Bác, hết
lòng, hết sức phụng sự đất nước, quên mình vì nước, vì sự nghiệp giải phóng dân
tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít cán bộ,
đảng viên vẫn chưa thật sự thấm nhuần tư tưởng của Bác, bị cám dỗ bởi vật chất,
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của
Nhà nước. Xác định điều này, Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XII đã chỉ rõ:
“Do bản thân những cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư
tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài;
sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất,
không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.
Để khắc phục một số
hạn chế, khuyết điểm nêu trên; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của đội
ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là nhiệm vụ thường
xuyên, lâu dài, vừa là yêu cầu cấp thiết hiện nay; đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng
viên cần tập trung làm tốt một số nội dung sau: Thường xuyên rèn luyện đạo đức
cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tận
tâm, tận lực với công việc. Như lời Bác đã nhắn nhủ: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào,
làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Thường
xuyên thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Mỗi cán bộ, đảng viên
cần cụ thể hóa thành những yêu cầu thiết thực, phù hợp; phải chính trực, cần mẫn,
tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao, phân công đảm nhiệm, kiên trì thực hiện;
không nản lòng, buôn xuôi khi gặp khó khăn; không tham địa vị, tiền tài, lãng
phí, phô trương, hình thức trong mọi nhiệm vụ; luôn trong sáng, có bản lĩnh
chính trị vững vàng, đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái đẹp, phê phán, lên án cái
sai, cái xấu. Thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” phải được tiến
hành thường xuyên, liên tục và phải đồng bộ, không được đề cao hay coi nhẹ bất
cứ một phẩm chất nào, bởi chúng có mối quan hệ biện chứng qua lại lẫn nhau. Chủ
tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM. Cũng như chữ KIỆM
phải đi đôi với chữ CẦN. Có KIỆM mới có LIÊM được” và “CẦN, KIỆM, LIÊM là gốc rễ
của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới hoàn
toàn. Một người có CẦN, KIỆM, LIÊM, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn
toàn”. Cán bộ, đảng viên nói phải đi đôi với làm, nêu gương về thực hành đạo đức
là phẩm chất cần có đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Do đó, mỗi cán bộ,
đảng viên càng phải nêu gương về thực hành đạo đức, nói đi đôi với làm; phải thực
hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện phẩm chất, đạo đức và học tập nâng
cao trình độ, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như Bác đã từng dạy:
“Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì
cũng khó”. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải có thái độ nghiêm túc, chủ động, tự
rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tự giác trong học tập, nắm vững quan điểm của chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước; có hiểu biết sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn
hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có kiến thức về ngoại ngữ, tin học;
thường xuyên nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động thực tiễn và năng động trong
thực hiện nhiệm vụ chuyên môn... Có như vậy, mới không ngừng tiến bộ, trưởng
thành, thực sự xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân
dân”. Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, ngăn chặn, đẩy lùi mọi biểu hiện suy
thoái về đạo đức, lối sống. Tự phê bình và phê bình có ý nghĩa rất quan trọng để
xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy
thoái đạo đức, lối sống. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu
trong tự phê bình và phê bình, phải tự soi, tự sửa, lắng nghe ý kiến đồng chí,
đồng nghiệp và mọi người để tự đánh giá bản thân một cách khách quan, nghiêm khắc.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự tu dưỡng
đạo đức cách mạng thường xuyên, liên tục; phải bền bỉ rèn luyện suốt đời như
“ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
TVĐ-BS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét