Từ góc độ triết
học, phạm trù văn hoá trong quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh bao
hàm cả khía cạnh ý thức xã hội (với các hình thái và cấp độ tâm lý, hệ tư tưởng
của nó như khoa học, chính trị, pháp quyền, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo) và
khía cạnh tồn tại xã hội (biểu hiện qua những dấu ấn hoạt động có ý thức của
con người đối với tự nhiên trong quá trình sinh tồn và phục vụ cho nhu cầu sinh
tồn của con người). Theo nghĩa đó, ở đâu có con người và hoạt động của con
người thì ở đó có văn hoá. Văn hoá là sự phát huy và hiện thực hoá các năng lực
bản chất của con người. “Con người là chủ thể sáng tạo của văn hoá, đồng thời
văn hoá là phương thức sinh tồn, là môi trường sống của con người. Con người không
thể tồn tại và phát triển với tính cách là con người được nếu tách khỏi môi
trường văn hoá và thực tế lịch sử phát triển của con người luôn gắn liền với
lịch sử phát triển của văn hoá”1. Văn hoá không phải là sự sáng tạo riêng của các
vĩ nhân, các nghệ sĩ, nghệ nhân, của giai cấp thống trị..., mà văn hoá trước
hết là của nhân dân và do nhân dân sáng tạo ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định: Quần chúng không chỉ là người sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã
hội mà còn là người sáng tác, kiểm nghiệm và có quyền hưởng thụ các giá trị văn
hoá. Chính vì thế, đội ngũ cán bộ văn hóa “cần phải giúp những sáng tác của
quần chúng. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý. Muốn làm như thế thì cố
nhiên là phải có chính trị, có kỹ thuật, thì mới mài cho viên ngọc ấy thành
tốt, khéo và đẹp”2.
Kế thừa, vận
dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của các kỳ Đại hội trước về văn hóa, phát triển văn hóa;
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các
lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn
minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu
tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn
lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập
quốc tế”1.
Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt
Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra quan điểm, nhiệm vụ,
giải pháp cơ bản cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đó là “Văn hóa là nền tảng tinh
thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa
phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”2. Xây dựng nền văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng
các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người
để phát triển văn hóa. “Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng
con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước,
nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng đồng bộ
môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát
triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và
con người trong phát triển”3. Như vậy, xây dựng và phát triển văn hóa là sự
nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể
sáng tạo.
1 Đỗ Ngọc Hanh, “Sự kế thừa và phát triển văn hóa
Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh”, Tạp
chí Triết học, số 9 (340), 2019, tr. 30.
2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia sự thật, xuất bản lần thứ ba, Hà Nội, 2011, tr.
559.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất
bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr. 47.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn
hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nhà
xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 6.
3 Đinh Xuân Dũng, “Đảng lãnh đạo và phát triển văn
hóa trong thời kỳ đổi mới”, https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/dang-lanh-dao-va-phat-trien-van-hoa-trong-thoi-ky-doi-moi-631714.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét