Pages - Menu

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

NHẬN DIỆN, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG HIỆN NAY

                Tóm tắt: Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, vấn đề lý luận, thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam luôn là đề tài nóng bỏng mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động quyết liệt chống phá, thực hiện mục tiêu xóa bỏ, lật đổ. Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh: Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hiện nay các thế  lực thù địch triệt để lợi dụng để gia tăng các hoạt động xuyên tạc, chống phá. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng hiện nay cần phải nhận diện phản bác các quan điểm sai trái thù địch sai trái xuyên tạc, pủ nhận chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng, phong phú, có thể khái quát thành một số dạng phổ biến sau:

Thứ nhất, những quan điểm cho rằng, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là không thực tế, bất khả thi. Lý lẽ mà họ đưa ra là: (1) Chủ nghĩa xã hội là bất khả thi vì mục tiêu của nó quá hoàn hảo: “Chủ nghĩa Mác là một giấc mơ về xã hội không tưởng. Nó đặt niềm tin vào một xã hội hoàn hảo, không có khổ cực, đau buồn, bạo lực và mâu thuẫn”[1]. Nhưng vì quá hoàn hảo như vậy, nên chủ nghĩa xã hội không bao giờ trở thành hiện thực, nó chỉ là “giấc mơ”, là “viễn tưởng”! (2) Chủ nghĩa xã hội là bất khả thi vì nó được “dựng” nên từ “một hệ thống triết học tư biện”, theo họ: “Lý luận của Mác về chủ nghĩa xã hội lý thuyết vẫn chỉ là những tư biện triết học, không thể căn cứ vào đó xây dựng thành một cương lĩnh chính trị cải tạo xã hội”[2]. Nói chung, những quan điểm này cho rằng, cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác về tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội đều là sự trừu tượng hóa, triết học hóa chứ không phải từ hiện thực khách quan. Từ đó họ cho rằng, xã hội tương lai mà chủ nghĩa Mác dự báo là một xã hội tốt đẹp nhưng: “tính chất lãng mạn, hùng tráng, hoà hợp và toàn hảo của cái thế giới tương lai… rất khó có thể được xem là một cương lĩnh khả thi cho bất cứ lực lượng chính trị nào muốn phát khởi sự nghiệp của mình từ cuộc sống trần tục đầy bất trắc, khó lường là cái thế giới mà chúng ta đang sống”[3]

Thứ hai, các thế lực thù địch cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội là không phù hợp với Việt Nam hiện nay, vì: (1) Học thuyết của Mác được sản sinh ra ở các nước Châu Âu, trong những điều kiện lịch sử hoàn toàn khác, do vậy không phù hợp với Việt Nam hiện nay: “Nền tảng xã hội và lịch sử của chủ nghĩa xã hội khoa học qui định những nội dung cơ bản của nó. Và một khi những nền tảng ấy thay đổi, thì những nội dung của nó không thể giữ nguyên vẹn giá trị như trước”[4]. (2) Bản chất của các học thuyết chính trị là sự phản ánh những điều kiện kinh tế, quan hệ chính trị - xã hội hiện thực. Khi những điều kiện đó đã thay đổi thì những lý thuyết chính trị cũng phải thay đổi. Trong khi thực tiễn vận động, biến đổi nhanh chóng như vậy, việc Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì “bám víu” vào chủ nghĩa Mác - Lênin là bảo thủ, giáo điều, việc thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng là phi thực tế!

Thứ ba, những quan điểm cho rằng ở Việt Nam hiện nay chỉ cần độc lập dân tộc, không cần chủ nghĩa xã hội. Theo họ, Việt Nam không cần "chủ nghĩa xã hội", chỉ cần độc lập dân tộc, nhân dân được giàu có, tự do, hạnh phúc là được. Việt Nam không nên thử nghiệm những thứ mà nhân loại đã hoàn toàn thất bại, chỉ nên tập trung vào những mô hình, biện pháp đã được kinh nghiệm lịch sử nhân loại thực hiện thành công. Lập luận mà họ đưa ra, không nhất thiết phải có chủ nghĩa xã hội mới giữ được độc lập dân tộc, và cũng không nhất thiết độc lập dân tộc rồi phải đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới đâu cần đến chủ nghĩa xã hội mà vẫn giữ được độc lập dân tộc. Giữ độc lập dân tộc là do thực lực kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh hùng mạnh, chứ độc lập dân tộc không phải gắn với chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, chủ nghĩa xã hội làm nghèo, suy yếu đất nước do tham nhũng, do yếu kém trong trong quản lý kinh tế - xã hội… thì làm sao bảo vệ được độc lập dân tộc. Trong khi cả nhân loại đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, việc Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là tự cô lập mình!!! Từ đó, họ đưa ra đề xuất, Việt Nam cần từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa, thực hiện đa nguyên và quay về phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa![5]

Luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Một là, chủ nghĩa Mác - Lênin về tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội không phải tư biện mà là hệ thống lý luận khoa học. Thế nào là một lý luận khoa học? một lý luận được coi là khoa học khi nó phản ánh được bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng. Vậy tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin được biểu hiện như thế nào? Có thể khái quát ngắn gọn như sau:

Để luận chứng tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin không phải xuất phát từ mong muốn chủ quan, từ sự “tư biện” mà từ việc khái quát các quy luật khách quan của thế giới vật chất, xã hội loài người. Nhìn rộng nhất, cả thế giới mà chúng ta đang sống luôn vận động, biến đổi, phát triển không ngừng. Sự vận động, phát triển của thế giới không phải diễn ra ngẫu nhiên, tuỳ tiện mà tuân theo các quy luật khách quan. Chủ nghĩa Mác đã khái quát các quy luật chung nhất của thế giới (cả tự nhiên, xã hội và tư duy) gồm: quy luật từ những thay đổi dần dần về lượng dẫn đến thay đổi về chất và ngược lại; quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; quy luật phủ định của phủ định.

Xã hội loài người là một bộ phận của thế giới vật chất, cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ngoài việc tuân theo các quy luật phổ biến, xã hội có các quy luật đặc thù của riêng mình như: quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quy luật về quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; về quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội; quy luật về đấu tranh giai cấp trong xã hội có đối kháng giai cấp... Trong các quy luật đó, quan trọng nhất là quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Từ khi xã hội loài người thoát khỏi thế giới loài vật, một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại của xã hội là sản xuất ra của cải vật chất. Để sản xuất ra của cải vật chất, con người có hai mối quan hệ cơ bản: quan hệ giữa con người với tự nhiên và quan hệ giữa con người với con người, từ đó hình thành lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tạo thành một phương thức sản xuất. Trong một phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Do nhu cầu của cuộc sống, con người luôn có nhu cầu nâng cao năng suất lao động xã hội. Để nâng cao năng suất lao động, con người phải cải tiến công cụ lao động, tích kỹ kinh nghiệm, từ đó làm cho lực lượng sản xuất liên tục phát triển. Đến một giới hạn nhất định, lực lượng sản xuất phát triển cao sẽ mâu thuẫn với quan hệ sản xuất hiện có. Mâu thuẫn đó được giải quyết thông qua một cuộc cách mạng xã hội, một quan hệ sản xuất mới được thiết lập phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Từ đó, phương thức sản xuất cũ mất đi, ra đời một phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn. Khi phương thức sản xuất mới ra đời cũng sẽ kéo theo sự ra đời của các quan hệ chính trị, đạo đức, pháp quyền… phù hợp với phương thức sản xuất mới. Hình thái kinh tế - xã hội cũ mất đi, hình thái kinh tế xã hội mới ra đời. Xã hội loài người cứ như vậy trải qua các phương thức sản xuất và các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau.

Vận dụng quy luật trên vào nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ta thấy: chủ nghĩa tư bản là một giai đoạn trong sự phát triển của xã hội, theo quy luật khách quan, chủ nghĩa tư bản cũng không thể tồn tại mãi mãi với xã hội loài người. Nó cũng có quá trình ra đời, phát triển rồi tiêu vong. Tất yếu một xã hội mới sẽ ra đời thay thế xã hội tư bản, tiến bộ hơn chủ nghĩa tư bản.

Trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất phát triển đã mang tính xã hội hóa rất cao, trong khi đó, quan hệ sản xuất vẫn là chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Như vậy là có sự mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, biểu hiện về xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản. Mâu thuẫn này cũng sẽ được giải quyết thông qua một cuộc cách mạng xã hội, một quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn ra đời thay thế quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Nghiên cứu các giai cấp trong chủ nghĩa tư bản cho thấy, giai cấp công nhân là lực lượng có đủ các điều kiện để lãnh đạo thực hiện cuộc cách mạng xã hội, xác lập chế độ sở hữu tập thể phù hợp với trình độ xã hội hoá của lực lượng sản xuất. Qua đó, phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa ra đời thay thế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội ra đời thay thế chủ nghĩa tư bản là do các nhân tố bên trong quy định, kế thừa tất cả những giá trị tiến bộ mà chủ nghĩa tư bản và toàn nhân loại đã tạo ra trong lịch sử, đưa xã hội vào giai đoạn phát triển mới mà đặc trưng cơ bản là có nền kinh tế phát triển cao và không còn chế độ người bóc lột người. Thực tế lịch sử cũng đã chứng kiến, chủ nghĩa xã hội đã có lúc trở thành một hệ thống trên toàn thế giới, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại.

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều xác nhận chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội là một hệ thống lý luận khoa học, được hình thành từ khái quát thực tiễn, chỉ ra được các quy luật cơ bản trong sự vận động, phát triển của thế giới và xã hội loài người, đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Hai là, việc kiên định, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không phải là giáo điều, máy móc như quan điểm của các thế lực thù địch đưa ra. Ở đây, họ cố tình phủ nhận điều kiện lịch sử cụ thể của dân tộc Việt Nam khi lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tế đã chứng minh, khi đất nước mất độc lập, đã có nhiều sự thử nghiệm các biện pháp, con đường khác nhau để giải phóng dân tộc, nhưng những con đường đó đều thất bại. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập dân tộc. Khi đã giành được độc lập dân tộc, thì nền độc lập đó phục vụ cho lợi ích của ai, ai có khả năng bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc ấy? Hay nói cách khác, sau khi giành được độc lập, Việt Nam phát triển theo con đường nào? Như chúng ta đều biết, trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đại đa số là nhân dân lao động (giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức). Cho nên, nền độc lập ấy trước hết thuộc về nhân dân lao động, họ cũng là người có khả năng bảo vệ vững chắc độc lập ấy. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Như vậy, trong bối cảnh cụ thể Việt Nam, độc lập dân tộc là cơ sở để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội củng cố vững chắc độc lập dân tộc. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tổng kết: “Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác -Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”[6].

Vậy Đảng Cộng sản Việt Nam có vận dụng máy móc, giáo điều chủ nghĩa Mác - Lênin hay không? Chúng ta đều biết, chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống lý luận khoa học mở, dựa trên các điều kiện cụ thể (bối cảnh thời đại và thực tế Việt Nam), Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Ví như, nhận thức về các đặc trưng, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Nếu so sánh những đặc trưng, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được thể hiện trong các Văn kiện gần đây với những đặc trưng, biện pháp được các nhà kinh điển đưa ra thì rõ ràng chúng ta thấy sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều này cho thấy, lý luận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do chính người Việt Nam xây dựng, phù hợp với đặc điểm cụ thể Việt Nam, bối cảnh thời đại, đang từng bước được hiện thực hoá trong thực tiễn. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tổng kết: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá”[7].

Như vậy, không phải chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời ở Châu Âu nên không phù hợp với thực tiễn Việt Nam; cũng không phải Đảng Cộng sản Việt Nam máy móc, giáo điều áp dụng chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết khoa học, vạch ra được quy luật vận động phát triển của lịch sử, bất cứ một lực lượng chính trị nào nếu biết khai thác những giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác đều có thể sử dụng làm “kim chỉ nam” hành động. Trong quá trình vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ kiên định mà còn phát triển chủ nghĩa Mác cho phù hợp thực tiễn Việt Nam và bối cảnh thời đại.

Ba là, liệu trong thực tế có quốc gia nào chỉ có độc lập dân tộc mà không gắn với một chế độ chính trị nhất định? Thực tế cho thấy, dù có nói ra hay không thì mỗi quốc gia, ở một thời điểm nhất định đều gắn với một chế độ chính trị. Mỗi chế độ chính trị đều gắn với một giai cấp đóng vai trò là trung tâm đại diện cho lợi ích, xu hướng phát triển của dân tộc ở thời kỳ đó. Như vậy, không có độc lập dân tộc tộc chung chung, trừu tượng, mà độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn với những giai cấp nhất định. Không có quốc gia nào chỉ bảo vệ độc lập dân tộc mà không gắn với một chế độ chính trị. Vì dân tộc ở mỗi thời điểm nhất định bao giờ cũng gắn một với một giai cấp, khi lợi ích giai cấp cầm quyền thống nhất với lợi ích của cả cộng đồng quốc gia dân tộc thì độc lập dân tộc được giữ vững, đất nước phát triển. Khi lợi ích của giai cấp cầm quyền không thống nhất với lợi ích của dân tộc, khi đó chẳng những độc lập dân tộc không bảo vệ được mà vị thế của giai cấp cầm quyền cũng bị lịch sử đào thải. Tiêu chí kiểm định sự đúng đắn đó là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, chủ quyền quốc gia được giữ vững, vị thế quốc tế được nâng lên. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, độc lập chủ quyền dân tộc được bảo vệ vững chắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, vị thế quốc tế được khẳng định. Điều đó cho thấy, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của cách mạng Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Từ sự phân tích trên đây cho thấy, thực chất các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay là sự xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và hiện thực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay./.

            NHB - H3

[1] Xem: Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mác xít, www.viet-studies.info

[2] Xem: Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mác xít, www.viet-studies.info

[3] Xem: Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mác xít, www.viet-studies.info

[4] Xem: Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mác xít, www.viet-studies.info

[5] Xem: Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mác xít, www.viet-studies.info

[6] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Media story - Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn)

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb. CTQG, H, 2021, tr. 25

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét