Năm 1917,
Cách mạng Tháng Mười thành công; nước Nga Xô Viết ra đời; chính quyền cách mạng
về tay công - nông. Đó là chính quyền kiểu mới, xác lập quyền làm chủ chân
chính của nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tư tưởng thiên
tài của V.I. Lênin về quyền tự quyết của các dân tộc, tự quyết định lấy vận mệnh
và lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình được thực hiện. Đó là cuộc
cách mạng vĩ đại và triệt để nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, khai sinh chủ
nghĩa xã hội hiện thực đầu tiên ở nước Nga, mở đầu cho sự hình thành “Liên bang
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết” sau này. Vượt qua những thử thách khốc liệt
của nội chiến và khủng hoảng do các thế lực tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ
nghĩa phương Tây gây ra, nước Nga đã đứng vững và hồi sinh nhờ tư tưởng cải
cách kinh tế với “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của V.I. Lênin. Trong bối cảnh ấy,
năm 1920, lần đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã hấp thụ tư tưởng về quyền tự quyết của
các dân tộc của V.I. Lênin. Năm 1923, cách đây vừa đúng một thế kỷ, lần đầu
tiên Nguyễn Ái Quốc có mặt ở Liên Xô và trực tiếp chứng kiến “sự hồi sinh của
nước Nga”; thấy được sự chăm sóc của Đảng Cộng sản và chính quyền Xô Viết đối với
cuộc sống của người dân, nhất là đối với thiếu niên, nhi đồng, Người đã nhận
xét: “Nếu chưa phải là thiên đường của tất cả thì ít nhất, nước Nga cũng là
thiên đường của trẻ em”.
Năm 1925, khi
hình thành tổ chức tiền thân của Đảng - “Hội thanh niên cách mạng đồng chí”,
Nguyễn Ái Quốc đã trù tính: “Sau này, đất nước đi vào xây dựng chế độ mới, nhất
định phải áp dụng Tân kinh tế chính sách của Lênin” (NEP). Năm 1927, mười năm
sau Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc viết “Đường cách mệnh”, truyền bá chủ
nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và đặt cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ
chức cho sự ra đời của Đảng cách mạng chân chính. Trong tác phẩm này, Người đưa
ra quan niệm về “cách mệnh” mà vượt qua hàng thế kỷ, quan niệm đó vẫn còn
nguyên giá trị, trở thành kinh điển, dù không hàn lâm, bác học mà hết sức dung
dị, đời thường: “Cách mệnh” là gì? “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá
cái xấu đổi ra cái tốt”1. Người còn nhấn mạnh: “Cách mệnh trước hết phải có Đảng.
Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng không có chủ nghĩa giống như người không
có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”2. Và, “…chủ nghĩa cách mạng nhất, chân
chính nhất, là chủ nghĩa Lênin,... ”3. Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng
chân chính cách mạng của Việt Nam với tên gọi: “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Và Người
trực tiếp soạn thảo Chính cương, Sách lược, Điều lệ vắn tắt và chương trình
hành động trước mắt của Đảng.
Sau hành
trình 30 năm tìm đường cứu nước, cứu dân, năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc,
trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương Tám của Đảng (từ
ngày 10/5 đến ngày 19/5/1941) do Người chủ trì đã quyết định chuyển hướng chiến
lược, đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn
dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh), tập trung mọi
nỗ lực vào thực hiện mục tiêu giải phóng, giành độc lập dân tộc, đánh đuổi thực
dân Pháp và phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân khi thời cơ đến.
Người ra lời kêu gọi, gửi những lời tâm huyết vào thư cho toàn quốc đồng bào
“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đó là thông điệp thiêng liêng của lịch sử
khi tình thế và thời cơ cách mạng đang đến gần. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ
năm 1941 đến năm 1945, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc với ngọn cờ dẫn đường
của tư tưởng Hồ Chí Minh đã vận động vô cùng khẩn trương, đầy ắp các sự kiện,
các tình huống, vượt qua muôn vàn thử thách để phát triển phong trào và đẩy tới
cao trào cách mạng giành chính quyền với Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Hội
nghị Trung ương Tám (tháng 5/1941) đi vào lịch sử Đảng như một mốc son chói lọi,
tạo ra bước ngoặt của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và khẳng định giá trị,
ý nghĩa, sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn. Cách mạng Tháng Tám năm
1945 làm nên thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX,
làm sinh thành chế độ mới, lập nên chính thể Cộng hòa dân chủ và Nhà nước dân
chủ cộng hòa mà nhân dân trở thành người chủ và làm chủ vận mệnh của mình. Cách
mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một kỷ nguyên mới, khai sinh ra một thời đại mới
trong lịch sử Việt Nam hiện đại - thời đại mang tên Hồ Chí Minh - thời đại của
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là thời đại rực rỡ nhất
trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Khi cách mạng
nổ ra và thắng lợi trong toàn quốc chỉ trong vòng 02 tuần lễ, Đảng ta mới 15 tuổi
(1930 - 1945) và toàn Đảng mới có gần 5.000 đảng viên. Khi đó, Đội Việt Nam
Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân do Chủ tịch Hồ
Chí Minh sáng lập mới chưa đầy một tuổi (22/12/1944 - 02/9/1945) đã lập nên chiến
tích vẻ vang như huyền thoại - cùng với nhân dân là nền tảng, dưới sự lãnh đạo
của Đảng đã tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi. Cách mạng
Tháng Tám là kiểu mẫu của cách mạng giải phóng dân tộc, thể hiện thiên tài tư
tưởng và tổ chức của Hồ Chí Minh và của Đảng, vận dụng tài tình thiên thời - địa
lợi - nhân hòa, mà nhân hòa là gốc, xử lý nhuần nhuyễn mối quan hệ “Thời - Thế
- Lực” trong cách mạng nhằm xóa bỏ ách thống trị của thực dân, đế quốc và phong
kiến, giải phóng đồng bào ta từ tình cảnh nô lệ ngót một thế kỷ tới địa vị người
chủ và làm chủ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của
chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng,
thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát
triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn
đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét