Trong các thời
kỳ cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân
dân. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc xâm lược, Đảng ta xác định
mục tiêu cao nhất là đấu tranh giành độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền, thống
nhất đất nước là lợi ích tối cao của toàn dân tộc. Trong thời kỳ hòa bình xây dựng
đất nước, lợi ích quốc gia, dân tộc được thể hiện bao trùm ở phương hướng-mục
tiêu “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa” gắn liền với
thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tuy vậy, thời
gian qua, trên một số diễn đàn, trên mạng xã hội, trên trang điện tử tiếng Việt
của một số cơ quan báo chí, truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt
Nam đã xuất hiện những luận điệu sai trái, xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam
không quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân và dân tộc Việt Nam. Họ cho
rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đại diện cho lợi ích của một nhóm thiểu số
tinh hoa, chứ không đại diện cho lợi ích của quốc gia, lợi ích dân tộc”; “việc
Đảng thừa nhận sự tha hóa, biến chất, tham nhũng trong một bộ phận không nhỏ
cán bộ, đảng viên chứng tỏ Đảng không đủ tư cách để đại diện cho toàn dân để bảo
vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”.
Những ý kiến
nêu trên, nếu không cố tình ngụy tạo thông tin, đánh tráo khái niệm, đánh đồng
giữa hiện tượng và bản chất; thì cũng là cái nhìn thiếu khách quan, toàn diện
theo kiểu “thầy bói xem voi”, chỉ nhìn cây mà không thấy rừng, thậm chí lồng
ghép những lời đơm đặt, xuyên tạc nhằm chống phá, hạ bệ, phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam XHCN.
Việc Đảng ta
luôn trung thành và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc bởi trước hết, Đảng ta là
con nòi của dân tộc Việt Nam. Lịch sử hơn 90 năm qua đã khẳng định, ở Việt Nam,
không lực lượng chính trị nào có đủ uy tín, bản lĩnh, trí tuệ, năng lực lãnh đạo
như Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi ở nước ta từng xuất hiện một số tổ chức đảng
khác nhưng vì không đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc, thậm chí có tổ chức
đảng còn phản bội, đi ngược lại lợi ích của dân tộc nên tự đào thải và bị lịch
sử loại bỏ. Nhờ lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải
phóng dân tộc, thống nhất đất nước và giành được những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử sau hơn 3 thập niên đổi mới mà Đảng ta đã chứng minh được vị thế,
năng lực cầm quyền của mình, từ đó thuyết phục được nhân dân, lãnh đạo nhân dân
thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội. Lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích của toàn dân tộc, của
nhân dân, của quốc gia-đó là bằng chứng sinh động thể hiện “ý Đảng, lòng dân”
hòa quyện, gắn bó chặt chẽ với nhau. Đó cũng là lý do căn cốt, là điểm tựa niềm
tin lớn nhất mà nhân dân trao quyền, ủy quyền lãnh đạo của mình cho Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Nói về vai
trò của Đảng trong bảo vệ, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc không thể không nhắc
đến những thành quả to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước. Với mức tăng GDP hằng
năm trung bình khoảng 7% trong hơn 35 năm qua, hiện nay Việt Nam đứng trong top
40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, top 16 nền kinh tế mới nổi
thành công nhất. Tính đến năm 2022, quy mô nền kinh tế ước đạt gần 400 tỷ USD;
thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.000USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ
USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam là nơi
hội tụ của hàng vạn nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 35.000 dự
án FDI đang hoạt động có tổng vốn đầu tư gần 430 tỷ USD. Không chỉ vậy, Việt
Nam thuộc nhóm nước đạt mức cao chỉ số phát triển con người (HDI). Năm 2020, tỷ
lệ nghèo đa chiều theo chuẩn quốc tế giảm còn 4,8% (so với 9,9% năm 2016). Việt
Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ
MDG-2015 và đang nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của
Liên hợp quốc. Nhiều quốc gia trên thế giới coi Việt Nam là một hình mẫu đáng
tham khảo, học hỏi kinh nghiệm về việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa
phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội.
Từ bản lĩnh,
trí tuệ, tầm nhìn đổi mới mạnh mẽ được Đảng ta khởi xướng từ năm 1986, với sự nỗ
lực bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đến nay, “Đất nước ta chưa
bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay” như Đại hội
XIII của Đảng đã khẳng định.
Những năm gần
đây, uy tín của Việt Nam không ngừng được củng cố, tăng cường trên trường quốc
tế khi được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội
đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ
2013-2017, Hội đồng kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ
2016-2018. Năm 2020, Việt Nam đồng thời đảm nhiệm 3 trọng trách: Ủy viên không
Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch
AIPA. Từ một nước gần như bị bế quan tỏa cảng, sau gần 4 thập niên, đến
nay, Việt Nam đã có thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia,
trong đó thiết lập quan hệ ổn định lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện.
Đặc biệt, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam
đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO) đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng
đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Như vậy, từ
những cơ sở, thành quả nêu trên, có thể khẳng định rằng, dù thời cuộc có nhiều
biến động, thế giới có nhiều đổi thay nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang là
lực lượng chính trị duy nhất có đủ vị thế, trí tuệ, năng lực, uy tín để lãnh đạo
nhân dân Việt Nam thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, bảo vệ độc lập chủ quyền
và xây dựng, phát triển đất nước theo con đường XHCN, đồng thời đó cũng là bảo
vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì thế, mọi sự xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam
không quan tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc đều không có giá trị và bị thực
tiễn bác bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét