Văn
học, nghệ thuật tồn tại và phát triển trong lòng xã hội, là món ăn tinh thần của
quần chúng, là một bộ phận quan trọng của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan
điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân
dân. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển văn học, nghệ thuật theo hướng
vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn cốt cách, bản sắc, truyền
thống văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đây
là một lĩnh vực quan trọng trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng, vì thế,
văn học, nghệ thuật cũng là mục tiêu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch
trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Chúng xác định đây là “mũi đột phá”, “thọc
sâu”, nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra
“khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào và tiến tới xóa bỏ hệ
tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Theo thống kê, hiện nay, các tổ chức ở nước ngoài
đang sử dụng hàng chục đài phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản, gần 400 ấn phẩm
báo chí, hơn 420 website để đưa một số lượng lớn tài liệu, sách, báo, sản phẩm
văn học, nghệ thuật có nội dung xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, cổ súy,
truyền bá tư tưởng thù địch, phản động vào nước ta. Văn học, nghệ thuật là lĩnh
vực nhạy cảm và tinh tế, nên sự chống phá của chúng thông qua lĩnh vực này cũng
rất xảo quyệt, tinh vi. Việc nhận diện chúng là không dễ, vì nó ẩn khuất trong
những vỏ bọc “văn học”, “nghệ thuật”, “những sự kiện có thật”, đánh vào thị hiếu
của con người; thường biểu hiện ở những vấn đề sau:
Các
đối tượng thù địch tập trung xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng thông
qua việc truyền bá các tác phẩm văn học, hội họa, những chương trình ca nhạc,
phim ảnh có nội dung chống chế độ, dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để phủ
nhận thành quả của cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí
Minh và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đáng quan tâm là, một số kẻ cố tình xuyên tạc,
đòi “xét lại” cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, theo họ là
“trung thực hơn” với nguồn tư liệu phong phú từ hai phía. Trong đó, có những
tác phẩm văn học đánh giá sai lệch, phiến diện về cuộc kháng chiến, làm lẫn lộn
hoặc cố tình lập lờ về bản chất, tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến; từ đó,
gây ra sự hoài nghi, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Chúng đẩy mạnh
tuyên truyền sai lệch về quan điểm, đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng, rằng:
“đường lối văn nghệ của Đảng là cứng nhắc, ép buộc. Các tác phẩm phải chịu sự
kiểm duyệt chặt chẽ của Nhà nước”, “Sự độc đoán về tư tưởng đã bóp chết văn học,
nghệ thuật”. Đồng thời, chúng tán đồng, cổ vũ quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”,
đối lập văn nghệ với chính trị. Thông qua những tác phẩm văn học - nghệ thuật,
chúng thổi phồng những sai lầm của Đảng, Nhà nước và một số cá nhân trong
các sự kiện, như: cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1953 – 1956); cải tạo tư sản ở
miền Nam sau 1975; đi sâu khai thác đời tư một số lãnh đạo của Đảng và Nhà nước,
v.v. Qua đó, tuyên truyền xuyên tạc, làm dao động tư tưởng, lòng tin của cán bộ,
đảng viên và quần chúng nhân dân vào Đảng và chế độ.
Bên
cạnh đó là những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang nặng tính thị trường,
tô đậm mặt trái, tiêu cực của cuộc sống hiện tại; đi sâu kể lể những tiêu cực
trong xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường nội dung, bố cục dễ dãi... Trong
lĩnh vực ca nhạc, hội họa, mỹ thuật có xu hướng mang nặng tính giải trí mà
“quên” các chức năng về nâng cao nhận thức chính trị, thẩm mỹ cho quần chúng
nhân dân. Qua đó cho thấy, những quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực
văn học, nghệ thuật diễn ra hết sức phức tạp, hình thức tinh vi, tác động hằng
ngày, hằng giờ vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét