Công tác đấu tranh phòng chống
tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ,
thường xuyên, liên tục và quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, bài bản, đi vào
chiều sâu với quan điểm không có vùng cấm, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó,
không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép
của bất kỳ cá nhân nào và được tiến hành sâu rộng từ Trung ương đến cơ sở.
Phương châm phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đề ra là: Phòng ngừa là
chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.
Quyết tâm đấu tranh phòng chống
tham nhũng, tiêu cực được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng:
“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với
quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. Muốn vậy cần
“triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng chống tham
nhũng... Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát
tham nhũng”. Và yêu cầu phải “nâng cao vai trò, phát huy tính tích cực, chủ động
và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân, doanh
nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng... Có cơ chế
khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí”. Trong 10 năm
qua, Việt Nam đã có hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, 300 bộ luật và hơn 2.000
văn bản từ Chính phủ đề cập tới chống tham nhũng.
Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp
hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã thảo luận Đề án thành lập ban chỉ đạo
cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ
chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về
phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đề án cũng được triển khai lấy ý kiến các
ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống
tham nhũng, tiêu cực. “Đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và
thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh”.
Sau một năm đi vào hoạt động đã khẳng định chủ trương đúng và tầm nhìn chiến lược
của Ðảng trong lãnh đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Vậy mà, các
thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc chủ trương
thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là giả tạo
và không cần thiết, chỉ tốn tiền của dân. Rằng, thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh
về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy sự kém hiệu quả của công tác chống
tham nhũng. Những luận điệu xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ, sự bịa đặt thiển cận
và gán ghép, quy chụp trên nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và thành quả cách mạng
của nhân dân ta; phủ định sạch trơn những thành tựu to lớn của đất nước; hạ thấp
vai trò lãnh đạo và quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta.
Đấu tranh, phản bác các luận điệu
suy diễn, xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam phải
được tiến hành thường xuyên, liên tục với hệ thống các giải pháp đồng bộ, hiệu
quả, thiết thực. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp là: Tuyên truyền,
giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm, chủ
trương của Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực và âm mưu, thủ đoạn chống
phá của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ
hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và tổ chức triển khai có
hiệu quả trên thực tế, không tạo khoảng trống để các thế lực thù địch, phản động
lợi dụng chống phá. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực
lượng và toàn thể nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực và đấu tranh,
phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động hiện
nay. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng,
tiêu cực và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Thực
hiện đa dạng, linh hoạt về nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh phòng chống
tham nhũng, tiêu cực và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù
địch, phản động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét