Thơ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946-1975) đã thể hiện niềm tự hào dân tộc,
tự hào về truyền thống vẻ vang của ông cha ta trong suốt hàng nghìn năm dựng nước
và giữ nước. Đó là những tác phẩm bám sát lịch sử chiến đấu hào hùng của quân
dân ta, là bản anh hùng ca bất diệt. Tuy nhiên, vẫn có những người cố ý phủ nhận,
xuyên tạc giá trị thơ cách mạng kháng chiến thế kỷ 20 và cho rằng đó chỉ là
“thơ minh họa chính trị”. Luận điệu đó vừa phi lý, vừa phi nghĩa nên cần phải
phê phán, bác bỏ.
Sự phi lý của những luận điệu xuyên tạc thơ thời
kháng chiến
Thời gian qua, trên nhiều trang mạng, diễn
đàn, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và một số “nhà nghiên cứu” đã có
nhiều ý kiến xuyên
tạc, phủ nhận giá trị thơ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chống thực
dân Pháp và đế
quốc Mỹ, làm tổn thương cả một thế hệ nhà thơ đã đóng góp tâm huyết, tài năng
cho sự phát triển của nền văn học nước nhà, nhất là xúc phạm đến những nhà văn,
nhà thơ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Theo họ, dòng thơ này ra đời “theo sự chỉ đạo,
đặt hàng của Đảng mà không phải viết do cảm xúc, do tình người của nhà văn”;
“là thứ thơ cổ động, không có giá trị gì về nghệ thuật”. Lại có kẻ cho rằng,
thơ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là “quê mùa”, “tỉnh lẻ”,
tác phẩm vì thế “không thể vươn tới cõi thẳm sâu trong thế giới tinh thần mà hầu
hết là tả thực, vội vã, sống sượng, nên ít có tính tư tưởng, sức sống của tác
phẩm như thế cũng èo uột và ngắn ngủi”
Những ý kiến, lập luận nêu trên vừa không dựa
trên thực tiễn đời sống chiến đấu của quân dân ta trong cuộc kháng chiến giải
phóng dân tộc, vừa là cái nhìn phiến diện, lệch lạc, hàm chứa mưu đồ xấu xa là
phủ nhận những giá trị của thơ cách mạng kháng chiến thế kỷ 20, sâu xa hơn là
phủ nhận toàn bộ giá trị nền văn học nghệ thuật cách mạng nước nhà.
Thơ cách mạng “vị nhân sinh”, vì sứ mệnh cao cả
là giải phóng dân tộc
Thơ là sự thổ lộ tình cảm sâu sắc được
thăng hoa, lắng đọng qua cảm xúc thẩm mỹ, làm lay động và mang lại cảm xúc cho
người đọc. Với chức năng “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”, thơ chân chính
luôn hướng tới cái đẹp để ca ngợi, nuôi dưỡng, bồi đắp những giá trị chân-thiện-mỹ
cho con người. Theo nhà phê bình văn học Nga V.Belinsky (1811-1848): “Thơ trước
hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật. Phục vụ cuộc sống, phục vụ con người
là mục đích lớn nhất của thơ chân chính”. Lãnh tụ V.I.Lenin cũng cho rằng: “Nghệ
thuật thuộc về nhân dân. Nghệ thuật phải bắt rễ sâu xa trong lòng đông đảo quần
chúng lao động. Nó phải được quần chúng đó hiểu và yêu thích. Nó phải tập hợp
được tình cảm, tư tưởng, ý chí của quần chúng đó, nâng họ lên. Nó phải thức tỉnh
những nghệ sĩ trong quần chúng và phát triển các nghệ sĩ đó”.
Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của
dân tộc ta, mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm thì cuộc sống, số phận mỗi người
dân tất yếu phải gắn chặt với vận mệnh của đất nước. Trong hoàn cảnh đó, lương
tâm và trách nhiệm đặt ra tiếng nói của mỗi thi sĩ phải hòa chung với tiếng nói
chung của dân tộc, thể hiện tình cảm của quảng đại quần chúng nhân dân lao động,
biết đau chung cùng nỗi đau của người dân nô lệ, biết yêu thương, cảm mến và
tôn vinh với những con người đã xả thân vì nghĩa lớn.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất
tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Vì vậy, dù có những đặc
trưng, đặc thù thế nào đi chăng nữa thì từ sự nhận thức, phản ánh của mình, nhà
thơ vẫn phải nhằm mục đích góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giải
quyết những mâu thuẫn, những yêu cầu đặt ra của thời đại. Do đó, trong thời kỳ
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, trước cảnh mất nước lầm than,
nhân dân ta “một cổ hai tròng”, đây là “lửa thử vàng” để xem dòng thơ nào, tác
giả nào thực sự “vị nhân sinh”, gắn bó với vận mệnh dân tộc, đất nước.
Trong những thời khắc trọng đại, yêu cầu nghệ
thuật của thơ được tự giác kết hợp với yêu cầu chính trị, với nhiệm vụ lịch sử
của đất nước. Thử hỏi thời kỳ đó, những tiếng thở dài “Không rên xiết là thơ vô
ý nghĩa” hay “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nỗi chơi
vơi” liệu có đại diện cho tiếng nói cả dân tộc không? Chắc chắn là không!
Hiển nhiên rằng, thơ không còn con đường nào
khác ngoài con đường “bay theo đường dân tộc đang bay” và nhà thơ tự
nguyện: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt
máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Xuân
Diệu). Lịch sử thời kỳ ấy đặt ra cho mỗi nhà thơ, mỗi bài thơ đều thể hiện ý thức
trách nhiệm với nhân dân, chủ động dùng thơ như một vũ khí tinh thần trong cuộc
kháng chiến chống quân xâm lược. Nhà thơ trước hết phải là một công dân, đồng
thời cũng là một chiến sĩ để những tác phẩm của mình phục vụ tốt nhất cho mục
tiêu đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thơ cách mạng kháng chiến của chúng ta đã làm
tròn sứ mệnh vẻ vang đó. Thế nên, ai đó cho rằng, thơ thời kỳ này không có giá
trị là một nhận định hàm hồ, thiếu nhân văn, xuyên tạc, nếu không muốn nói là
thái độ vô ơn bạc nghĩa, có dụng ý xấu.
Không thể phủ nhận giá trị to lớn, cao đẹp của
thơ cách mạng
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ đã cuốn hút đông đảo nhà thơ giàu năng lực sáng tác và đầy tâm huyết
tham gia sứ mệnh giải phóng dân tộc. Thế hệ nhà thơ từ trước cách mạng như Tố Hữu,
Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Hoàng Cầm, Hữu Loan,
Anh Thơ... đã được ánh sáng của Đảng “thay đổi đời tôi, thay đổi thơ tôi” để
sáng tác các tác phẩm thơ phục vụ cách mạng. Thế hệ nhà thơ nối tiếp là Nguyễn
Đình Thi, Quang Dũng, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài
Đoàn... rồi đến Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Thanh Hải, Thu Bồn, Lê
Anh Xuân, Anh Ngọc, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Vương Trọng,
Hoàng Nhuận Cầm, Giang Nam, Lâm Thị Mỹ Dạ... Còn có nhiều nhà thơ đã anh
dũng hy sinh quên mình vì nghĩa lớn và tác phẩm của họ đã trở thành bất tử
trong dòng chảy thơ ca cách mạng của dân tộc.
Từ thực tế chiến trường khốc liệt, những câu
chuyện cao đẹp, giàu tính nhân văn, những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng
đã tác động mạnh đến những tâm lý, tình cảm của mỗi tác giả để họ sáng tạo nên
những bài thơ có giá trị sâu sắc. Sứ mệnh thiêng liêng cao cả của nhà thơ đã
hòa vào dòng người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Đường ra trận mùa này đẹp
lắm”. Khao khát của nhà thơ là được đến với “biển lớn cuộc đời”. Không có sự hy
sinh nào lớn lao, cao cả hơn sự hy sinh cho đất nước mình, dân tộc mình: “Ôi! Tổ
quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi, Tổ quốc! Nếu
cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” (Chế Lan Viên)...
Nghệ thuật của thơ kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều thành tựu xuất sắc
trong nền văn học Việt Nam. Ngôn từ của thơ thời kỳ này đã góp phần tạo cho thơ
Việt Nam một tâm thế mới, sức thuyết phục, truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với công
chúng để thể hiện tầm vóc cao đẹp của dân tộc và con người Việt Nam. Nhiều nhà
thơ đã sử dụng bút pháp tinh tế: “Em là ai? Cô gái hay nàng tiên?” (Tố Hữu); “Cánh
tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?” (Chế Lan Viên). Nhiều nhà thơ đã thổ lộ
tình yêu đôi lứa luôn gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước: “Anh yêu em
như yêu đất nước”, “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường” (Nguyễn
Đình Thi); “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và
san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời...”
(Nguyễn Khoa Điềm); “Em chính là quê hương ta đó” (Lê Anh Xuân)...
Có thể khẳng định rằng, thơ cách mạng trong thời
kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ mang đậm chất sử thi, trữ
tình, phản ánh sâu sắc cuộc sống lao động, chiến đấu hào hùng của quân dân ta.
Những cách tân nghệ thuật được thể hiện trên nhiều bình diện: Từ việc mở rộng
hình thức câu thơ đến sự vận dụng ngôn ngữ thơ một cách linh hoạt, từ những đổi
mới phong phú trong giọng điệu thơ đến việc tìm tòi những kiểu kết cấu mới cho
thơ. Nó vừa kết hợp hài hòa giữa lý tưởng và hiện thực, giữa chất anh hùng ca
và tính trữ tình, giữa truyền thống và tìm tòi sáng tạo của các nhà thơ cách mạng.
Vậy thì sao vẫn có người xuyên tạc “đổi trắng
thay đen” để cho rằng thơ thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thơ
“minh họa chính trị” được!
Những kẻ xuyên tạc, chống phá đã cố tình lờ đi
hay không hiểu rằng, thời kỳ này, văn học nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng
đã vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất
nước. Nhà thơ đồng thời là một chiến sĩ, tác phẩm của họ trở thành vũ khí đắc lực
góp phần cổ vũ cuộc chiến đấu gian khổ, hào hùng của quân dân cả nước. Các tác
giả đã gắn bó với cuộc kháng chiến, được tôi luyện trong lửa đạn và nếm trải những
gian lao, thử thách nơi trận mạc, cho nên, trong giai đoạn này, “chất thép” và
“chất thơ” đã hòa quyện nhuần nhuyễn. Thơ cách mạng đã tới được những khái quát
sâu sắc về đất nước, con người, về hiện tại và tương lai, về dân tộc và thời đại,
về lương tâm, trách nhiệm và lẽ sống.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, trong 30 năm,
thơ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đã phát triển cả
về chất lượng và số lượng, trên cơ sở sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và
hình thức, giữa truyền thống và hiện đại. Nhất quán trong một quan niệm nghệ
thuật tích cực, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, các nhà thơ không ngừng
tìm tòi, sáng tạo, nhằm tạo dựng một nền thơ xứng đáng với tầm vóc của dân tộc,
góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Những đóng góp lớn lao của các nhà thơ chân
chính và những giá trị nhân văn cao cả của thơ cách mạng cho sự nghiệp giải
phóng dân tộc là căn cứ thực tiễn và minh chứng sinh động để chúng ta phê phán,
bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận dòng thơ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét