Pages - Menu

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

H4 - KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ CỦA KINH TẾ NHÀ NƯỚC

 

          Gần đây, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một số doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam gặp khó khăn. Các thế lực thù địch phản động đã nhân cơ hội này phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với những giọng điệu như: “kinh tế nhà nước với hàng loạt doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ chỉ là gánh nặng của nền kinh tế”, “phải xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”…

          Những lập luận này khiến một số người nhẹ dạ cả tin, nhưng thực chất đó là những quan điểm phản khoa học, phiến diện, chủ quan cảm tính. Bởi lẽ kinh tế nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế (bao gồm các yếu tố thuộc sở hữu nhà nước và các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước được giao quyền đại diện chủ sở hữu) do nhà nước tổ chức, quản lý, điều hành. Ngoài doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước còn có các yếu tố khác thuộc sở hữu nhà nước như tài nguyên quốc gia, ngân hàng nhà nước, ngân sách, quỹ dự trữ quốc gia... Vì vậy, không thể lấy dẫn chứng về hạn chế của một số doanh nghiệp nhà nước để quy chụp thành yếu kém của cả thành phần kinh tế nhà nước.

          Mặt khác, không phải tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều yếu kém. Theo báo cáo mới đây của Chính phủ gửi Quốc hội, đến cuối 2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước, trong đó 676 đơn vị có vốn nhà nước từ 50%. Quy mô tài sản của mỗi doanh nghiệp có vốn nhà nước bình quân là 4.700 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 23% so với năm 2021, tạo động lực và đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, việc làm, thu nhập cho người lao động. Hiện có 30 doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp qua các công ty con cấp 1 và 2. Sau hàng chục năm đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp này (chủ yếu là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có lãi chuyển về nước khoảng 2 tỷ USD. Các dự án này cũng thu được gần 2,1 tỷ USD tiền gốc và các khoản khác. Trong đó, PVN vẫn là đơn vị ghi nhận số tiền thu về lớn nhất từ các dự án đầu tư ở nước ngoài, trên 2,9 tỷ USD, tiếp theo là Viettel với hơn 0,95 tỷ USD. Một số dự án hiệu quả, vốn thu hồi lớn hơn số bỏ ra đầu tư, như dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Nga của PVN; Dự án khai thác sắt, vàng của Tổng công ty Hợp tác kinh tế (Quân khu 4); Dự án viễn thông của Viettel tại Campuchia, Lào…

          Kinh tế nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phụ trách những lĩnh vực trọng yếu liên quan đến an ninh chủ quyền quốc gia, quân sự, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, tài nguyên quốc gia, hay đầu tư ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà doanh nghiệp tư nhân không thể hoặc không muốn làm nhưng cần thiết cho tiến trình phát triển kinh tế của đất nước theo mục tiêu đã định, vì lợi ích đông đảo tầng lớp nhân dân, như xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cung ứng dịch vụ công ích, đầu tư vào những ngành có vốn đầu tư lớn, ở địa bàn khó khăn, nhiều rủi ro, khó thu được lợi nhuận cao...

          Kinh tế nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước giúp tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển (như hỗ trợ, ưu đãi về vốn, hỗ trợ về hạ tầng cơ sở, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ…); giảm thiểu, khắc phục được những khuyết tật của cơ chế thị trường; bảo vệ, hỗ trợ nhóm yếu thế, dễ gặp rủi ro... Ðặc biệt, kinh tế nhà nước chính là bộ phận quan trọng để định hướng sự phát triển của các thành phần kinh tế theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa tiến bộ, công bằng, văn minh, không để các doanh nghiệp ngoài nhà nước tự do theo đuổi lợi nhuận bằng mọi giá, vì lợi ích tư nhân mà bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng...

          Đối tượng bôi nhọ, xuyên tạc liên quan đến kinh tế nhà nước có thể là các lực lượng chống đối Đảng và nhà nước ta xuất thân từ chế độ cũ, mang nặng tâm lý thù hận hay hoài nghi. Có người là cán bộ, nhân viên trong các cơ quan của Nhà nước ta nhưng thoái hóa, biến chất hoặc có những mâu thuẫn cá nhân… dần dần thù ghét chế độ và Tổ quốc của mình, tìm cách chống phá đất nước. Những người này thường sử dụng các thông tin một chiều, thiếu chính xác rồi nâng cấp và quy chụp cho toàn bộ hệ thống kinh tế nhà nước Việt Nam là “mục rỗng, thối nát”, từ đó xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

          Những nhân vật “chơi trò bẩn” nói trên lại được sự tiếp tay của một số người thiếu ý thức chính trị, thiếu thông tin, thấy thông tin tiêu cực là câu view, like, đưa vào cho trang cá nhân của mình. Đặc biệt, có những “anh hùng nấp sau bàn phím” mang nặng tâm lý đám đông, bầy đàn, hễ thấy thông tin mới, giật gân, không rõ đầu đuôi tranh luận thế nào, người trong cuộc với câu chuyện ai sai, ai đúng… đã “xung phong” trở thành “quan tòa” võ đoán, phản đối gay gắt rồi “dìm hàng”… Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị nhân cơ hội đó “tung hô” nhân vật chống đối để rồi “đổi trắng, thay đen”, nói xấu Đảng và Nhà nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét