Thời gian qua, lợi dụng những diễn biến phức tạp trên Biển Đông,
các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thông qua nhiều âm mưu nham
hiểm nhằm xuyên tạc, phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước ta về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Sự nham hiểm của những luận
điệu xuyên tạc
Biển là không gian chiến
lược mở, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đường lối, chiến lược và tương
lai phát triển của đất nước. Biển Đông là “bản lề” nối liền Ấn Độ Dương với
Thái Bình Dương, là nơi hội tụ lợi ích chiến lược và thu hút sự quan tâm đặc
biệt của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, nhất là các nước lớn. Về mặt
tiềm năng phát triển, Biển Đông có nhiều lợi thế. Nơi đây đã và đang trở thành
tâm điểm của sự cạnh tranh lợi ích, quyền lực và tầm ảnh hưởng của các nước
lớn, được các chuyên gia quân sự ví như vùng “chảo lửa” trên bàn cờ chính trị
của khu vực với nhiều diễn biến phức tạp, nhạy cảm.
Lợi dụng tình hình phức
tạp trên Biển Đông, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị khai thác
triệt để, biến tấu thành nhiều bài viết, hình ảnh, video nhằm bịa đặt tình
hình, bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước ta trong công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo;
lợi dụng các trang mạng xã hội để lan truyền, tán phát thông tin, gây tâm lý
hoang mang, bất ổn, chia rẽ đoàn kết trong nước và quốc tế.
Với những nội dung xuyên
tạc xảo trá, họ thường lặp đi lặp lại luận điệu cũ rích rằng: “Cộng sản Việt
Nam làm ngơ về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông”; Đảng, Nhà nước Việt Nam im
lặng vì đã thỏa hiệp với nước lớn, không cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình
Biển Đông, không có giải pháp đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo... Những
thông tin xuyên tạc này ít nhiều đã tác động tiêu cực tới nhận thức, tư tưởng,
tình cảm, niềm tin của một bộ phận nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Chính sách nhất quán của Đảng,
Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam
Nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh
thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo. Quan điểm xuyên
suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là kiên quyết, kiên trì đấu tranh quản
lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, an
toàn, tự do hàng hải, hàng không trên các vùng biển, đảo quốc gia. Sinh thời,
khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh
từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời,
có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Những năm qua, Đảng ta
luôn coi trọng nhiệm vụ phát triển mạnh kinh tế-xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng
biển của Tổ quốc. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã
thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 “Về Chiến lược biển Việt Nam đến
năm 2020”, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về
biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia
trên biển, đảo”. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)
ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 “Về Chiến lược phát triển bền
vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định:
“Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền
vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn
liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ”. Tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Kiên
quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để
phát triển”.
Như vậy, Đảng và Nhà nước
ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển,
đảo là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng không thể tách rời, bất khả
xâm phạm của Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc nói chung, kiên quyết, kiên trì đấu tranh
bảo vệ vững chắc chủ quyền, bảo đảm an ninh, an toàn và lợi ích quốc gia-dân
tộc trên các vùng biển, đảo nói riêng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu
dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quá trình hoạch định và triển khai thực hiện
đường lối bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy
cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, kết hợp
chặt chẽ với sức mạnh thời đại và tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của
cộng đồng quốc tế để phát triển kinh tế biển gắn với quản lý, bảo vệ vững chắc
chủ quyền biển, đảo quốc gia… (Còn tiếp). Theo qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét