Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia bằng biện pháp hòa bình
Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, trong đó
chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, về biện pháp
tiến hành, cần phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, linh hoạt, thực hiện “dĩ bất
biến ứng vạn biến” trong các tình huống cụ thể với mục tiêu cao nhất là bảo vệ
vững chắc độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc. Quan điểm, lập trường
của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa và các vùng biển quốc gia theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về
Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là rất rõ ràng và hoàn toàn có đầy đủ cơ sở
pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Với những vấn đề còn tồn tại bất đồng, tranh
chấp, Việt Nam nhất quán giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật
pháp và thông lệ quốc tế. Là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã tham
gia ký kết UNCLOS 1982, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp và
nguyên tắc quan hệ quốc tế; kiên trì con đường giải quyết các vấn đề nảy sinh
bằng biện pháp hòa bình, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm tìm kiếm giải
pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan
vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và vì hòa bình, ổn định,
phát triển của khu vực, quốc tế.
Trên thực tế, trong những thời điểm mà quyền
chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông bị đe dọa, Đảng, Nhà nước và
toàn dân ta luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng, kiên quyết, kiên trì
đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình trên các diễn đàn quốc tế, khu vực thông
qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi đoàn các cấp trong các lĩnh vực chính trị, ngoại
giao; chủ động kiềm chế, không có các hành động khiêu khích, không làm phức tạp
tình hình; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông
(DOC) và thể hiện thiện chí để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Xây dựng hệ thống các biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng, tranh chấp với
các bên, các nước có liên quan, như biện pháp ngoại giao (đàm phán hòa bình;
thương lượng; điều tra; trung gian hòa giải; sử dụng các tổ chức quốc tế, khu
vực; ký kết các hiệp định song phương, đa phương...).
Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn nỗ lực cao
nhất để xử lý các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, giữ
vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển; duy trì quan hệ
hữu nghị với các bên, các nước. Kiên trì mục tiêu không để nước ngoài lấn chiếm
nhưng cũng không để xảy ra xung đột; kiên trì tìm kiếm giải pháp lâu dài và yêu
cầu các bên liên quan không có những hành động quá khích, cực đoan, làm phức
tạp thêm tình hình, tuân thủ các cam kết đã ký kết, giải quyết mọi bất đồng
trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và nguyên tắc chung sống
hòa bình. Coi trọng thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược với các đối tác; đẩy
mạnh hợp tác đa phương trên các lĩnh vực bảo đảm an ninh, nghiên cứu khoa
học-công nghệ, phòng, chống tội phạm trên biển... để Biển Đông thực sự là vùng
biển hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Một mặt, Việt Nam không tạo phe, không kết
nhóm, không chọn bên, không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ
quân sự tại Việt Nam nhằm tấn công các nước khác, không đi theo nước này để
chống lại nước kia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan
hệ quốc tế. Mặt khác, chúng ta cũng không mơ hồ, mất cảnh giác, né tránh, nhân
nhượng vô nguyên tắc, không thụ động, không dựa dẫm, không trông chờ ỷ lại;
không mắc mưu lôi kéo, kích động, khiêu khích của bất cứ thế lực nào; chỉ chọn
theo chân lý, đứng về lẽ phải, dựa trên luật pháp quốc tế vì mục tiêu hòa bình,
hợp tác và phát triển.
Nhằm quán triệt và thực hiện đường lối, quan
điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ vững chắc
chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới, chúng ta cần phát huy sức
mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, thực hiện phương
châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trên tinh thần “thêm bạn, bớt thù”, tranh thủ
tối đa sự đồng thuận, ủng hộ của các bên liên quan cùng các nước trong khu vực
và trên thế giới để hạn chế những bất đồng, khắc phục sự khác biệt, triệt để
khai thác các nhân tố có lợi từ bên ngoài tạo thành sức mạnh tổng hợp.
Tập trung giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục;
xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển (hải quân,
cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư, dân quân tự vệ biển) vững mạnh; xây
dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng chính trị-tinh thần vững chắc.
Tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp
luật quốc gia về biển, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động khai thác, quản
lý, bảo vệ biển, đảo phù hợp với luật pháp quốc tế. Kết hợp chặt chẽ các hình
thức, biện pháp đấu tranh chính trị, pháp lý, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng,
an ninh; tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại quốc
phòng về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.
Những quan điểm nêu trên là đường lối chính
trị, căn cứ pháp lý để xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, củng cố niềm
tin trong nước, quốc tế, tạo thành nền tảng và sức mạnh tổng hợp quốc gia; đồng
thời là cơ sở để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các
thế lực thù địch, phản động; để dư luận quốc tế hiểu rõ về lập trường, quan
điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển,
đảo quốc gia trong tình hình hiện nay./. Theo qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét