Pages - Menu

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

H1 - KINH TẾ LÀ GÌ?

 

Trong lịch sử tư tưởng triết học phương Đông, khái niệm kinh tế được quan niệm là hoạt động “kinh bang tế thế”, là các công việc tầng lớp cai trị trong xã hội phải đảm nhiệm trong việc chăm lo đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho cộng đồng, cũng như việc cai trị đảm bảo sự ổn định của vương triều, quốc gia. Theo nghĩa đó, khái niệm về đời sống kinh tế đã hàm nghĩa cả đời sống chính trị.

Ở Hy Lạp cổ đại, kinh tế là thuật ngữ được ghép bởi hai từ οκος [oikos] và νόμος [nomos] nghĩa là tổ chức và quản lý đời sống gia đình, làm sao để đảm bảo sự tiêu hao thấp nhất về nhân lực, vật lực, thời gian mà đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất. Như vậy, so với quan niệm của người phương Đông, trong xã hội phương Tây thời kỳ cổ đại, quan niệm về hoạt động kinh tế có phạm vị hẹp hơn.

Xét về các quan điểm trong lịch sử tư tưởng, kinh tế được nghiên cứu trong triết học có phạm vi khái quát rộng hơn so với kinh tế học. Trong lĩnh vực triết học, kinh tế được hiểu là triết học kinh tế, và do vậy luôn được tiếp cận theo hai chức năng cơ bản của triết học bao gồm thế giới quan và phương pháp luận.

Theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, kinh tế hay những quan hệ kinh tế là những phương thức tiến hành sản xuất, trao đổi sản phẩm giữa người với người trong việc duy trì đời sống vật chất xã hội, và trên cơ sở đó quy định mọi quan hệ xã hội khác. Do vậy, kinh tế là cơ sở quyết định sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội. Như vậy, nói đến kinh tế là nói đến quan hệ giữa các chủ thể trong tổng hợp của các quan hệ sản xuất hợp thành kết cấu kinh tế - xã hội, hợp thành cơ sở hạ tầng trong một hình thái kinh tế - xã hội. Do đó, kinh tế là cơ sở quy định trên đó một kiểu quan hệ chính trị của kiến trúc thượng tầng tương ứng trong xã hội đó.

Tóm lại, kinh tế là tổng hòa các quan hệ lợi ích giữa người và người trong một nền sản xuất xã hội, là cơ sở quy định quan hệ giữa người với người trong mọi phương diện của đời sống xã hội, đồng thời là cơ sở động lực cho mỗi cá nhân và cho cả xã hội phát triển.

ĐHQ-H1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét