Pages - Menu

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

H1 - Vấn đề sở hữu

 


Sở hữu là mối quan hệ giữa người với người về việc chiếm hữu tư liệu sản xuất và của cải xã hội. Như vậy, khi nói về sở hữu không chỉ nói về quan hệ con người chiếm hữu tư liệu sản xuất (TLSX), của cải, mà nói về quan hệ giữa người với người trong diễn ra sự chiếm hữu đó.

Cuộc cách mạng mà C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện trong triết học và kinh tế chính trị liên quan đến nghiên cứu sở hữu trong quan hệ với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất (LLSX) và kiến trúc thượng tầng xã hội. Trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” nói: Người vô sản không có sở hữu là nói về sở hữu tư liệu sản xuất.

Bởi ở châu Âu, đầu thế kỷ XIX, những nhà kinh tế học cổ điển dường như không bàn đến vấn đề sở hữu TLSX. Quyền sở hữu được cho là quyền tự nhiên. Trong bản tuyên ngôn về quyền con người, quyền công dân sau Cách mạng tư sản Pháp 1789 viết: “Sở hữu là quyền không thể xâm phạm và thiêng liêng của con người”. Con người sinh ra là đã có quyền sở hữu.

Nhà kinh tế học trường phái “tiểu tư sản” Proudhon là người đầu tiên phê phán gay gắt quan hệ sở hữu tư bản. Trong tác phẩm “Sở hữu là gì?” xuất bản năm 1840, ông đã phân tích sở hữu trên 2 mặt: mặt tích cực của sở hữu (tức là tư hữu) đảm bảo cho con người không bị lệ thuộc, được độc lập, tự do và mặt tiêu cực là sở hữu phá hoại sự bình đẳng. Ông  gọi quyền tư hữu là “quyền ăn cướp”. Do có chế độ tư hữu mà một số người không làm gì lại công khai chiếm đoạt kết quả lao động của người khác. Từ đó ông chủ trương xóa bỏ chế độ tư hữu - sở hữu tư bản - mà giữ lại tài sản cá nhân (tức sở hữu nhỏ của người tiểu sản xuất).

Marx và Enghels đã đánh giá rất cao sự phê phán của Proudhon về quan niệm coi sở hữu tư bản như quyền tự nhiên. Nhưng khi đề xuất chủ trương xóa bỏ sở hữu tư sản, bảo vệ tư hữu nhỏ thì tư tưởng Proudhon biểu hiện rõ rệt tính chất tiểu tư bản, mỗi câu, mỗi chữ đều thấm nhuần tư tưởng tiểu tư sản.

Lần đầu tiên quan niệm của Marx về sở hữu TLSX quyết định bởi tính chất, trình độ phát triển LLSX được trình bày trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” (1846): Sở hữu tư nhân là một trong phương thức quan hệ cần thiết ở một giai đoạn phát triển nào đó của LLSX, khi LLSX phát triển đến một trình độ cao hơn thì quan hệ sở hữu sẽ thay đổi. Nhưng Marx cũng chỉ ra rằng tuy quan quan hệ sản xuất (QHSX) chịu sự quyết định trực tiếp của LLSX, nhưng với tư cách là thành tố quan trọng nhất, quyết định bản chất QHSX, quyết định bản chất chế độ kinh tế, quan hệ sở hữu là tiêu chí để phân biệt các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau.

Như vậy quan hệ sở hữu trong xã hội như thế nào thì kết cấu giai cấp, bản chất chính trị của xã hội sẽ như vậy. Sở hữu là một vấn đề kinh tế chính trị, phải có quan điểm chính trị khi bàn về vấn đề sở hữu chứ không chỉ thuần túy kinh tế khi xem xét vấn đề này.

ĐHQ-H1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét