Những năm gần đây, một thủ đoạn mà các thế lực xấu, thù
địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường tiến hành là khai thác một
số hiện tượng rồi suy đoán, bịa đặt, dựng chuyện để đưa lên in-tơ-nét. Vì thế,
cảnh giác, tỉnh táo đấu tranh với thông tin loại này trở thành một yêu cầu cấp
bách trong cuộc đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực
thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị.
Trên thế giới, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý mà Kami
cổ vũ vốn vẫn được coi là sản phẩm của thuyết âm mưu, và có thể tìm hiểu thuyết
này qua định nghĩa tại mục từ Thuyết âm mưu (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
Theo đó, thuyết âm mưu là: “sản phẩm trí tưởng tượng nhằm giải thích về những
chuyện đã và đang diễn ra. Dù không có bằng chứng xác thực để chứng minh nhưng
những nghi ngờ vẫn bao phủ khắp thế giới”, người viết mục từ này nhận xét:
“Thuyết âm mưu nghe qua rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người tin theo, bàn
tán, thêm các chi tiết. Đáp ứng nhu cầu tò mò, phức tạp hóa vấn đề của dư luận,
báo chí thường xuyên đăng các câu chuyện do giới theo thuyết âm mưu kể hay phân
tích”. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều sự kiện, vấn đề thu hút sự chú ý của dư
luận vốn được coi là sản phẩm của thuyết âm mưu, như cho rằng: vụ ám sát Tổng
thống John F.Kennedy (J.F.Ken-nơ-đi) không phải do một người mà do nhiều người,
hoặc hung thủ làm việc cho FBI, KGB thậm chí cho ma-phi-a (?); tai nạn xe hơi
dẫn đến cái chết của công nương Diana (Đi-a-na) là hành động ám sát do gia đình
Hoàng gia Anh thực hiện nhằm ngăn cản bà tái hôn (?); năm 1969, tàu vũ trụ
Apollo 11 hạ cánh xuống mặt trăng chỉ là trò giả mạo của Hoa Kỳ để đánh bại
Liên Xô (trước đây) trong cuộc đua lên mặt trăng (?); một số phòng thí nghiệm
tạo ra vi-rút HIV và thử nghiệm thành công tại châu Phi, hoặc là vi-rút HIV do
Cục Tình báo trung ương Mỹ hoặc Ủy ban An ninh quốc gia Nga tạo nên để giảm dân
số thế giới (?). Thậm chí về vụ khủng bố 11-9-2001 tại New York (Niu Oóc – Hoa
Kỳ), cũng đã có một số ý kiến lý giải, kết luận theo thuyết âm mưu được công
bố, như: đây là vụ khủng bố được cố tình cho phép hoặc là một chiến dịch đánh
lừa công luận do Chính phủ Hoa Kỳ tiến hành (?); sự sụp đổ của tòa tháp đôi
Trung tâm thương mại thế giới là kết quả của việc phá hủy có kiểm soát hơn là
sự suy yếu của chính cấu trúc (?); khủng bố dễ dàng cướp bốn chiếc máy bay và
tiến hành vụ khủng bố là nhờ có trợ giúp từ “bên trong” (?)… Gần đây hơn, vào
ngày 6-9 vừa qua, sau khi một chiếc xe Mercedes bất ngờ lấn trái làn đường trên
đại lộ Kutuzovsky (Ku-tu-dốp-xky) ở Matxkva (Mát-xcơ-va, Nga) đã đâm vào một chiếc
BMW công vụ, lập tức những người theo thuyết âm mưu cho rằng đó là âm mưu ám
sát Tổng thống Nga V.Putin. Song sau đó cơ quan chức năng Nga khẳng định, chiếc
xe này dành cho nghị sĩ tỉnh Vologda (Vo-lốt-đa) sử dụng; hơn nữa vào thời điểm
đó mọi người đều biết ông V. Putin không có mặt ở Nga…
Qua sản phẩm của thuyết âm mưu trên đây có thể thấy về
bản chất, đó chỉ là những giả thuyết xây dựng trên suy đoán chủ quan, không có
bằng chứng xác thực, tin cậy từ các bên liên quan. Có một điểm chung đáng chú
ý, những sản phẩm này thường tập trung vào hiện tượng, sự kiện, vấn đề giật
gân, gợi tò mò, đã hoặc đang thu hút sự quan tâm của dư luận, hướng người đọc
vào kết luận đó là kết quả của âm mưu. Như Giáo sư V.Pagan (V.Pa-gan) tại Đại
học Florida (Phờ-lo-ri-đa, Hoa Kỳ) từng nhận xét: “Điều gây kích thích luôn nằm
ở việc tìm kiếm bằng chứng về sự dính líu của bàn tay vô hình”. Đáng chú ý hơn,
người theo thuyết âm mưu thường không quan tâm tìm hiểu các quan hệ bản chất,
có tính quyết định, mà dựa trên một số hiện tượng đơn lẻ, đặc biệt là hiện
tượng xuyên tạc bản chất để suy đoán, kết luận. Như Giáo sư T.W.Eagar
(T.W.I-ga) ở Học viện Công nghệ Massachusetts (Ma-sa-chu-sét, Hoa Kỳ) cho rằng,
người theo thuyết âm mưu “sử dụng phương pháp khoa học nghịch lý. Họ định đoạt
những gì đã xảy ra, loại bỏ tất cả những dữ kiện nào mà họ thấy không phù hợp
với kết luận của họ, rồi tung hô những gì họ tìm thấy là kết quả duy nhất có
thể có”! Tương tự, trong bài “Conspiracy theory” (thuyết âm mưu) là gì? –
Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ từ các định nghĩa được đánh giá cao nhất trên
urbandictionary.com, đã đưa ra cảnh báo rất xác đáng: “Cho nên tuyên bố một
chuyện gì đó là thuyết âm mưu vẫn là một cách hữu hiệu đáng báo động để khiến
người ta theo phe những kẻ hoàn toàn không có một luận điểm, bất chấp việc gọi
một chuyện là thuyết âm mưu vô lý đến thế nào. Nhớ rằng, những cái mác là thứ
rất nguy hiểm, chúng có thể dễ dàng ảnh hưởng đến nhận thức của người khác khi
bản chất của chúng chỉ là để bóp méo sự thật”.
Do khả năng lan truyền, ảnh hưởng, tác động tiêu cực của
nhiều sản phẩm từ thuyết âm mưu đến tâm lý tiếp nhận của người đọc mà nhiều năm
nay, các thế lực xấu, thù địch ngày càng tỏ ra hết sức thâm độc trong việc sử
dụng thuyết âm mưu làm công cụ xuyên tạc, vu cáo, vu khống, dựng chuyện,… để
gieo rắc thông tin bịa đặt, từng bước gây mơ hồ, hoang mang, làm xói mòn niềm
tin vào Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt từ khi in-tơ-nét phát triển, bài vở
xuất phát từ thuyết âm mưu ngày càng nhiều hơn, điển hình trong đó là sản phẩm
của mấy kẻ như Phạm Trần, Ngô Nhân Dụng, Tưởng Năng Tiến, Kami, Bùi Thanh Hiếu
(blogger Người buôn gió),… và một số “nhà báo, chuyên gia, nhà nghiên cứu” là
người nước ngoài! Thủ đoạn chung trong sản phẩm của mấy người này là khai thác,
tận dụng, dựa trên một (hay một số) con người, hiện tượng, sự kiện, vấn đề được
dư luận quan tâm, để ghép nối với một (hay một số) con người, hiện tượng, sự
kiện, vấn đề hiện tượng khác, và nhặt nhạnh một số tư liệu đã công bố bổ sung
cho có vẻ xác thực, thêm thắt một số chi tiết mùi mẫn, giật gân để gợi sự tò mò
của người đọc, sau đó bình luận, bịa đặt, suy đoán có lớp lang để biến thành
vấn đề hệ trọng, khẳng định đó là hậu quả của âm mưu, thủ đoạn của “bàn tay vô
hình”. Để gia cố sự thuyết phục, khi trình bày, những kẻ này cố tỏ ra rất am
hiểu, nắm chắc vấn đề, trích dẫn đông tây tạo vẻ uyên bác, điểm xuyết bằng loại
thông tin không thể kiểm chứng như “một nguồn tin cao cấp cho biết”, “một lãnh
đạo giấu tên khẳng định”, “một tài liệu mật phổ biến trong nội bộ viết”,… Sau
khi công bố, những sản phẩm này thường lập tức được khai thác, đăng tải tại rất
nhiều địa chỉ trên mạng, từ trang tiếng Việt của RFA, BBC, VOA, RFI,… đến blog,
facebook của một số cá nhân, tổ chức xấu, thù địch với Việt Nam. Như khi RFA
công bố bài viết nói trên của Kami, một số địa chỉ liền vội vã đăng lại, thậm
chí có kẻ sản xuất video clip đưa lên youtube… Cũng cần nhắc tới sự trơ tráo
của mấy kẻ này là kể cả khi sự việc được xác minh và điều bịa đặt bị bác bỏ,
thì họ vẫn không xấu hổ, thậm chí còn tảng lờ, tiếp tục sử dụng điều đã bịa đặt
để công bố. Cho nên không chỉ dư luận lành mạnh, ngay kẻ “cùng hội, cùng
thuyền” với họ cũng không thể chấp nhận, như ngày 27-10-2016, Mai Tú Ân – một
nhân vật chống cộng, công bố bài nhan đề Hãy hạ cánh an toàn, các ông trùm
thuyết âm mưu, trong đó viết: “Cùng với việc chộp lấy đề tài khai thác rồi biến
tấu theo ý mình của một số nhà đấu tranh dân chủ hàng đầu, nhưng lại là những
đồ đệ của thuyết âm mưu đã khiến cho hầu hết người đọc chúng ta thấy chết ngợp
vì sung sướng, khi thấy các chuyên gia của chúng ta nói vanh vách… Cứ y như họ
là ma xó… Nhưng đáng tiếc, một số người viết có uy tín đã nâng cao quan điểm
chính trị, mà hạ thấp đi các giá trị sự thật để tô vẽ những chuyện này thành
những huyền thoại không có thực…, thưa các nhà đấu tranh thuộc thuyết âm mưu,
thuyết phe nhóm và các nhà tưởng tượng ra các cuộc thanh trừng nội bộ, rồi
thuyết ly khai cùng các âm mưu đen tối, các cuộc đảo chính cung đình… thì tìm
đâu ra một con người”!
Như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh
đốn Đảng đã chỉ rõ, một trong các nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng suy
thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là chúng ta: “Chưa chủ động và thiếu
giải pháp phù hợp để định hướng thông tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu
rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Việc quản lý thông
tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các
thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù
địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”. Thiết nghĩ, đó là một
trong những lý do để sản phẩm từ thuyết âm mưu do các thế lực xấu, thù địch
truyền bá có cơ hội lan truyền. Vì thế, luôn cảnh giác và đấu tranh để vạch
trần luận điệu bịa đặt, dựng chuyện của chúng là một nhiệm vụ quan trọng với xã
hội nói chung, với báo chí nói riêng. Điều này không chỉ đúng với Việt Nam, mà
đúng với mọi quốc gia.
nhanvanviet.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét