CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

TƯ TƯỞNG CỦA LÊNIN VỀ ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CƠ HỘI TRONG TÁC PHẨM “LÀM GÌ?” - GIÁ TRỊ THỰC TIỄN


Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản phát triển tương đối ổn định, cùng tồn tại hoà bình với giai cấp công nhân, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển cả về bề rộng và có xu hướng thiên về đấu tranh nghị trường, nhiều chính đảng của giai cấp công nhân được thành lập ở các nước tư bản phát triển. Giai cấp tư sản đã lợi dụng hoàn cảnh cùng tồn tại “hoà bình” với giai cấp công nhân, tìm mọi cách lũng đoạn phong trào công nhân và làm cho chủ nghĩa cơ hội phát triển nhanh chóng trong phong trào công nhân.

Quốc tế II được thành lập tháng 7 năm 1889, trong giai đoan đầu khi Ph.Ăngghen còn sống và lãnh đạo (1889 - 1895) đã kiên quyết đấu tranh chống xu hướng cải lương, thoả hiệp, cơ hội… nội bộ Quốc tế II ổn định. Sau khi Ph.Ăngghen mất (1895), bọn cơ hội trong Quốc tế II ngóc đầu dậy chống phá chủ nghĩa Mác, lũng đoạn phong trào công nhân, mưu toan biến các Đảng dân chủ - xã hội Tây Âu thành các đảng cơ hội, cải lương, làm cho phong trào cộng sản và công nhân Quốc tế bị phân hoá thành các trào lưu chính trị, tư tưởng khác nhau.

Vào thời kỳ này, chủ nghĩa tư bản Nga đang phát triển mạnh. Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản giai cấp công nhân Nga cũng phát triển nhanh chóng. Mặc dù chế độ tư bản phát triển, chế độ nông nô bị bãi bỏ, nhưng công nhân và nông dân Nga vẫn phải sống dưới ách thống trị của tàn bạo của chế độ Nga Hoàng. Công nhân và nông dân không được hưởng một chút quyền tự do chính trị nào.
Từ những năm 70 và nhất là từ những năm 80 của thế kỷ XIX, nước Nga trở thành trung tâm cách mạng thế giới, công nhân Nga bắt đầu thức tỉnh, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga diễn ra rất mạnh mẽ, hình thành nhiều cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, dưới nhiều hình thức khác nhau, song đều bị thất bại, vì các cuộc đấu tranh đó đều mang tính tự phát.
Do yêu cầu khách quan của phong trào công nhân Nga, đòi hỏi phải có đảng cách mạng lãnh đạo, lúc này ở Nga bắt đầu xuất hiện nhiều nhóm mácxít, các tổ chức mácxít đầu tiên được thành lập. Năm 1875 “Hội liên hiệp công nhân miền Nam Nga” thành lập ở Ôđétxa; năm 1878 “Hội liên hiệp công nhân miền Bắc Nga” thành lập ở Pêtécbua, nhưng hai tổ chức đầu tiên này của giai cấp công nhân đều bị Nga Hoàng thẳng tay đàn áp và làm tan rã. Tuy bị Nga Hoàng đàn áp dã man, nhưng phong trào công nhân vẫn phát triển không ngừng. Năm 1883 “Nhóm giải phóng lao động” được thành lập ở Giơnevơ (Thuỵ sỹ) do Plêkhanốp lãnh đạo. Nhóm này đã cố gắng và có nhiều hình thức để truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga, nhưng lại bị phái “dân túy” cản trở. Phái “dân tuý” cho rằng đưa chủ nghĩa Mác vào Nga là phá sản nước Nga. Theo họ, sự nghiệp cách mạng nước Nga chính là giai cấp nông dân lãnh đạo. Thực chất phái “dân tuý” mưu toan làm lạc hướng cuộc đấu tranh của quần chúng lao động chống lại giai cấp áp bức, bóc lột, làm cho giai cấp công nhân không nhận thức được vai trò, sứ mệnh của mình, đồng thời kìm hãm và cản việc thành lập một chính đảng độc lập của giai cấp công nhân.
Vì vậy, muốn truyền bá chủ nghĩa Mác vào Nga thì phải đấu tranh chống chủ nghĩa “dân túy”. Nhóm “Giải phóng lao động” đã tích cực đấu tranh chống phái “dân tuý” nhưng không đánh bại được tư tưởng của phái “dân túy”, vì họ đã  phạm phải những sai lầm nghiêm trọng, ngay trong bản cương lĩnh đầu tiên của họ đó là, họ không đả động gì đến vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng, mà lại cho rằng giai cấp tư sản tự do Nga là một lực lượng cách mạng, có thể ủng hộ cách mạng mặc dù sự ủng hộ không vững trắc, hơn thế nữa họ cũng như các tổ chức mácxít khác chưa hề liên hệ với phong trào công nhân. Cho nên, họ chỉ thành lập được Đảng dân chủ - xã hội Nga trên lý thuyết, chưa kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân.
Phong trào công nhân tự phát ngày càng phát triển mạnh ở Nga, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phải kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. Năm 1895, lần đầu tiên ở Nga, Lênin đã thống nhất các tổ chức mácxít ở Pêtécbua lập ra “Hội liên hiệp chiến đấu giải phóng giai cấp công nhân”. Tổ chức đó là mầm mống chủ yếu, tổ chức tiền thân của một đảng cách mạng dựa vào phong trào công nhân. Nhưng không không bao lâu, Hội bị chính quyền Nga Hoàng khủng bố. Lênin và các bạn chiến đấu của người bị bắt. Ban lãnh đạo mới do Máctốp đứng đầu đã theo đuổi một đường lối chính trị sai lầm, cải lương cơ hội - đó là phái “kinh tế”.
Năm 1898,  một nhóm mácxít đã họp ở Minxcơ tiến hành Đại hội lần thứ nhất, tuyên bố thành lập Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga, gọi là Đại hội I. Đại hội bầu được Ban chấp hành, nhưng Đại hội chưa thông qua được Cương lĩnh và Điều lệ, Đại hội vừa kết thúc thì Ban chấp hành Trung ương mới bầu ra đều bị bắt. Nên sau Đại hội, đảng bước vào giai đoạn khủng hoảng, phân tán về tư tưởng, tan rã về tổ chức, việc thành lập một đảng tập trung thống nhất gặp rất nhiều khó khăn.
Lênin cho rằng, muốn thành lập một chính đảng cách mạng tập trung thống nhất, trước hết, phải đánh bại các quan điểm tư tưởng cơ hội của phái “kinh tế” biểu hiện chủ nghĩa cơ hội của Bécstanh ở Nga. Từ thực tế đó, Lênin đã tập hợp các bài viết trong báo “Tia lửa” với nhan đề “Bắt đầu từ đâu” thành tác phẩm “Làm gì?”. Tác phẩm được Lênin viết vào tháng 5 năm 1901 và xuất bản tháng 2 năm 1902.
Tác phẩm bao gồm: Lời tựa, 5 chương và phụ lục.
Nội dung của tác phẩm trình bày và giải quyết nhiều vấn đề có ý nghĩa đối với việc thành lập Đảng và công tác xây dựng Đảng. Trong phạm vi bài thu hoạch đi sâu làm rõ tư tưởng của Lênin về đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, trên cơ sở đó vận dụng vào thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Tư tưởng của Lênin về đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội.
Lênin phê phán và vạch rõ bản chất, nguồn gốc của chủ nghĩa cơ hội.
Sự phát triển của xu hướng cơ hội chủ nghĩa ở những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong phong trào công nhân là sự phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Xu hướng ấy phát triển đặc biệt nhanh chóng trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa tư bản chuyển thành chủ nghĩa đế quốc.
Trước đây, khi chủ nghĩa Mác ảnh hưởng chưa rộng lớn thì những người cơ hội chủ nghĩa đứng ngoài hàng ngũ của những người mácxít để chống lại chủ nghĩa Mác. Nhưng đến nửa thứ hai thế kỷ XIX, chủ nghĩa Mác đã trở thành một trào lưu tư tưởng tiến bộ nhất của loài người đã thu được thắng lợi hoàn toàn và ngày càng mở rộng ảnh hưởng trong phong trào công nhân; sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác đã buộc kẻ  thù của chủ nghĩa Mác phải đội lốt những người mácxít để chống lại chủ nghĩa Mác. Thời kỳ này, khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa xuất hiện ngay trong hàng ngũ những người mácxít. Bọn cơ hội lúc này không dám công khai phủ nhận chủ nghĩa Mác, nhưng chúng lại tiến hành xuyên tạc chủ nghĩa Mác, vứt bỏ linh hồn của chủ nghĩa Mác, nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản.
Cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng mácxít và cơ hội chủ nghĩa trong phong trào xã hội dân chủ quốc tế có lúc bừng lên sáng rực như một ngọn lửa chói loà, có lúc lại dịu xuống âm ỉ dưới đống tro tàn của nghị quyết ngừng chiến trang nghiêm.
Năm 1895, bọn cơ hội Látxan và những đại biểu của những trào lưu thù địch với chủ nghĩa Mác trong phong trào Dân chủ - xã hội Đức và Quốc tế II đã nấp dưới chiêu bài “tự do phê bình” đã tự do phê bình chủ nghĩa Mác, cho chủ nghĩa Mác là “giáo điều”, “cũ kỹ” cần phải xét lại chủ nghĩa Mác. Sau khi Ăngghen mất (1895), Bécstanh là lãnh tụ Quốc tế II, đồng thời là lãnh tụ của chủ nghĩa cơ hội đã xuyên tạc và phủ nhận toàn diện chủ nghĩa Mác, biến các Đảng dân chủ - xã hội Tây Âu thành các Đảng cơ hội cải lương, phủ nhận cơ sở khoa học của chủ nghĩa xã hội khoa học, phủ nhận tính tất yếu khách quan của chủ nghĩa xã hội trong tiến trình lịch sử, phủ nhận tình trạng bần cùng hoá của giai cấp công nhân, phủ nhận học thuyết Mác về đấu tranh giai cấp, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về chuyên chính vô sản, và về cách mạng bạo lực. Toàn bộ những tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Mác đều bị xuyên tạc. Phái “kinh tế” ở Nga thực chất là sự biến tướng của chủ nghĩa cơ hội quốc tế, đã núp dưới chiêu bài “tự do phê bình” để chống chủ nghĩa Mác, và thay những nguyên lý đó bằng những lý luận tư sản về điều hòa mâu thuẫn giai cấp, về sự hợp tác giai cấp. Bécstanh lý luận rằng, dưới chế độ tư bản, công nhân không bị bần cùng hóa mà còn thường xuyên được cải thiện điều kiện hoạt động với giai cấp tư sản tự do, nhờ đó mà đã thu được những thắng lợi to lớn trong các cuộc tuyển cử  và hoạt động nghị trường.
Lênin đã vạch rõ quan điểm của chủ nghĩa cơ hội, xét lại Bécstanh: “ông ta phủ nhận khả năng đem lại cho chủ nghĩa cơ hội một cơ sở khoa học và khả năng chứng minh theo quan điểm duy vật lịch sử, rằng chủ nghĩa xã hội là tất yếu không thể tránh khỏi, ông ta phủ nhận tình trạng bần cùng hóa ngày càng tăng, phủ nhận sự vô sản hóa và tình trạng những mâu thuẫn tư bản chủ nghĩa ngày càng trầm trọng; ông ta tuyên bố rằng, ngay cả quan niệm về mục đích cuối cùng cũng không vững chắc gì và kiên quyết bác bỏ chuyên chính vô sản, ông ta phủ nhận sự đối lập về nguyên tắc giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đấu tranh giai cấp; cho rằng, không thể áp dụng được lý luận đó vào một xã hội thực sự dân chủ được quản lý theo ý chí của đa số vv..[1]
Lênin khẳng định rằng, “tự do phê bình” xét về bản chất là khuynh hướng phê bình theo lối tư sản tất cả những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác, là đòi thay thế chủ nghĩa Mác, chỉ lấy ở chủ nghĩa Mác những điều gì mà giai cấp tư sản có thể chấp nhận được, Lênin chỉ rõ: “... tự do phê bình là thứ tự do của khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong Đảng dân chủ - xã hội, là tự do biến Đảng dân chủ - xã hội thành một Đảng dân chủ cải lương, là tự do đưa những tư tưởng tư sản và những thành phần tư sản vào trong chủ nghĩa xã hội[2], đó chính là bản chất của “tự do phê bình”.
Từ đó Lênin chỉ ra bản chất của chủ nghĩa cơ hội đó là: Về bản chất chủ nghĩa cơ hội là kẻ khoác áo chủ nghĩa Mác, là người bạn đồng hành của chủ nghĩa xét lại, chúng giả danh là những người mácxít để chống lại chủ nghĩa Mác và làm tay sai cho chủ nghĩa tư bản, chúng không công khai phủ nhận chủ nghĩa Mác, nhưng chúng xuyên tạc, hoài nghi chủ nghĩa Mác, chúng chỉ giữ lại hình thức, mà tước bỏ nội dung, giữ lại thể xác mà tước bỏ linh hồn của chủ nghĩa Mác; Về mục đích, về nhiệm vụ chính trị của giai cấp công nhân và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản, theo quan điểm của chúng là thỏa hiệp, cải lương. Có nghĩa là, chúng chống lại cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Như vậy, về bản chất chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xét lại là một. Chúng có mối quan hệ chặt chẽ, tác động và chuyển hóa lẫn nhau, chúng đều phủ nhận những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, danh giới giữa chúng là không phân biệt, chúng luôn ẩn mình, luồn lách để phá hoại Đảng, phá hoại phong trào cộng sản và phong trào công nhân.
Lênin chỉ rõ, chủ nghĩa cơ hội, xét lại Bécstanh phát triển nhanh chóng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX không phải là ngẫu nhiên mà có nguồn gốc là dựa trên những điều kiện kinh tế, điều kiện lịch sử và nguồn gốc xã hội của nó.
Về nguồn gốc kinh tế: Trong điều kiện xã hội tương đối ổn định, hòa bình, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ về lực lượng sản xuất tạo ra một khối lượng vật chất vô cùng to lớn, đáp ứng một phần những yêu cầu đấu tranh đòi cải thiện đời sống của người lao động. Nhờ sự phát triển của sản xuất giai cấp tư sản đã thu được lợi nhuận béo bở. Một phần của lợi nhuận đó được dùng để mua chuộc một bộ phận giai cấp công nhân áo trắng, cổ cồn lúc đầu là những công nhân tích cực, có tay nghề cao, có uy tín, tham gia vào quá trình quản lý, điều hành sản xuất. Những công nhân này trở thành một bộ phận gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất được và trả lương cao hơn những công nhân trực tiếp sản xuất. Thông qua đó, giai cấp tư sản đã lôi kéo họ, mua chuộc họ, làm cho họ bị thoái hoá, biến chất trở thành  tay sai đắc lực cho chúng. Như vậy, trong cuộc đấu tranh để thoát khỏi cảnh khốn cùng do chủ nghĩa tư bản gây ra, một bộ phận công nhân thuộc tầng lớp trên đã bị chủ nghĩa tư bản làm cho biến chất thành những người cơ hội. Bộ phận này chiếm tỷ lệ khá cao vào đầu thế kỷ XX, như ở Anh có đến 10 -15%.
Về nguồn gốc lịch sử: Đây là thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển tương hòa bình, ổn định. Trong thời kì này (1870 - 1890), giai cấp công nhân đã sáng tạo ra một hình thức đấu tranh mới - đấu tranh nghị trường, thiên hướng này được nhiều Đảng dân chủ - xã hội áp dụng đã thắng lợi, như ở Pháp, ở Đức, ở Áo,... đã có những đại biểu là của giai cấp công nhân tham gia Nghị viện tư sản. Những đại biểu này có trách nhiệm thông qua hoạt động của Nghị viện để đấu tranh đòi quyền lợi cho giai cấp công nhân, để giáo dục và giác ngộ quần chúng, đấu tranh để xóa bỏ các tổ chức phản động do giai cấp tư sản lập gia. Nhưng, trong điều kiện đó, những đại biểu của giai cấp công nhân đã bị giai cấp tư sản lôi kéo mua chuộc hoặc vì quyền lợi cá nhân đã ngả theo chúng. Mặt khác, hình thức đấu tranh nghị trường, đấu tranh câu lạc bộ ... cùng với sự lỏng lẻo về tổ chức của các Đảng công nhân và các Đảng dân chủ - xã hội, với thành phần rộng mở của công đoàn đã tạo thuận lợi cho giai cấp tư sản len lỏi, cài cắm người của chúng vào trong phong trào công nhân và vào Đảng dân chủ - xã hội, để lũng đoạn ngay trong nội bộ Đảng và phong trào công nhân.
Về nguồn gốc xã hội: Vào những năm cuối thế kỷ XIX, lúc này chủ nghĩa Mác đã thắng lợi tuyệt đối với tất cả các hệ tư tưởng khác của phong trào công nhân. Chủ nghĩa Mác ra đời trở thành một hiện tượng mới lạ trong đời sống chính trị xã hội ở các nước Châu Âu, là vấn đề nhạy cảm, có sức hấp dẫn với thanh niên, trí thức. Điều đó, đã thu hút sự chú ý của các tầng lớp thanh niên, trí thức tiểu tư sản gia nhập Đảng, nhưng họ lại chưa được nghiên cứu kỹ chủ nghĩa Mác, chưa hiểu đúng chủ nghĩa Mác mà chỉ biết chủ nghĩa Mác qua từng mẩu vụn vặt trình bày trong các sách báo hợp pháp. Họ vào Đảng một cách tự phát, cảm tính chứ hoàn toàn chưa được giáo dục, giác ngộ chủ nghĩa Mác, mà họ đều là những người tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng để hy sinh phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng đó. Họ đã đem vào Đảng tính tự do vô chính phủ, tâm lý do dự thiếu kiên quyết của tư tưởng tiểu tư sản mà họ vẫn chưa gột rửa được. Vì vậy, khi phong trào gặp khó khăn, gian khổ, cũng như khi bị giai cấp tư sản và các thế lực thù địch thường xuyên tiến hành tuyên truyền, giáo dục chống lại các tư tưởng của chủ nghĩa Mác, nó đã làm cho một bộ phận trong giới trẻ trí thức tiểu tư sản bị ảnh hưởng. Làm cho họ hoài nghi, dao động, mất lòng tin, từ giã lập trường giai cấp công nhân và đi đến thỏa hiệp với giai cấp tư sản. Điều này được Lênin chỉ ra rất rõ: “việc tầng lớp các viện sĩ tham gia đông đảo vào phong trào xã hội chủ nghĩa trong mấy năm gần đây đã đảm bảo cho chủ nghĩa Bécstanh được phổ biến nhanh chóng[3].
Về đặc điểm của chủ nghĩa cơ hội và phái “kinh tế” ở Nga.
Lênin chỉ ra rằng, về hình thức chủ nghĩa cơ hội quốc tế được biểu hiện dưới nhiều mầu sắc, nhiều dạng khác nhau theo những điều kiện chính trị và đặc điểm của từng quốc gia, dân tộc, nhưng về bản chất, về nội dung thì chúng giống hệt nhau. Phái “kinh tế” chỉ là sự biến tướng của chủ nghĩa cơ hội xét lại quốc tế, là bọn đồ đệ của Bécstanh ở Nga chứ không phải là trào lưu tư tưởng mới mẻ. Về bản chất nó hiện nguyên hình là chủ nghĩa cơ hội, xét lại, nó là mối nguy cơ đặc biệt đối với cách mạng Nga.
Chủ nghĩa cơ hội ở Nga về mặt hình thức nó biểu hiện dưới dạng chủ nghĩa kinh tế. Nội dung và bản chất của nó hiện nguyên hình là chủ nghĩa xét lại Bécstanh. Thủ đoạn của nó là “tự do phê bình”.
Về nguyên tắc và hình thức biểu hiện là: mập mờ, không định hình rõ ràng, cụ thể, khó hiểu, không dứt khoát, và được biểu hiện dưới nhiều bộ mặt với nhiều hình thức khác nhau, nên chủ nghĩa cơ hội nói chung và phái “kinh tế” ở Nga nói riêng rất sợ công bố, công khai và rất sợ phê bình. Họ sợ công bố ngay cả cương lĩnh, cả những điều mà họ nghĩ ra, viết ra và họ làm, Lênin viết: tác giả những dòng này, người đã góp phần vào việc phơi bày ra ánh sáng cái “cương lĩnh mới đó”, đã có dịp nghe thấy lời phàn nàn và trách móc rằng, bản tóm tắt những quan điểm của những diễn giả, do họ phác ra, đã bị đem ra phổ biến bằng nhiều bản sao... thậm trí lại bị công bố trên báo chí cùng lời phản đối, sở dĩ chúng tôi nhắc đến tình hình đó, chính vì nó vạch rõ một đặc điểm rất kỳ lạ củachủ nghĩa kinh tếở nước ta là sợ công bố... đó đúng là một đặc điểm “chủ nghĩa kinh tếnói chung chứ không phải từng đặc điểm riêng của từng tác giả ..., đặc điểm ấy biểu hiện cả trong tờTư tưởng công nhân” cả trong tờ “Sự nghiệp công nhân”.
Về quan điểm, lập trường chính trị: “chủ nghĩa kinh tế” chủ trương thu hẹp và hạ thấp nhiệm vụ đấu tranh chính trị của phong trào công nhân ở “chủ nghĩa công liên”, tức là thừa nhận sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Mục tiêu của họ xa dời mục đích cuối cùng của giai cấp công nhân đã được C.Mác và Ph.Ăngghen xác định trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Họ muốn cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân tập trung vào tổ chức kinh tế, tố cáo tình trạng bất công về đời sống khổ cực của công nhân ở trong phạm vi từng công xưởng, từng nhà máy, từng ngành nghề nhất định, với mục đích là đòi quyền lợi kinh tế như tăng lương, việc làm, bảo hộ lao động, giải quyết những vấn đề dân sinh, dân chủ, chứ không đặt ra vấn đề chính quyền. Những quan điểm đó của phái “kinh tế” dẫn đến thủ tiêu vai trò của tính tự giác; thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng với phong trào công nhân; đánh lạc hướng giai cấp công nhân khỏi con đường đấu tranh chính trị. Lênin đã phê phán những quan điểm cơ hội chủ nghĩa đó và gọi bọn họ là “bọn Bécstanh cải trang”. Lênin chỉ rõ: “đại đa số những người dân chủ xã hội Nga, trong thời gian vừa qua, gần như hoàn toàn bị thu hút vào tổ chức những sự tố cáo ấy về các công xưởng ... người ta quên rằng thực ra hoạt động ấy, tự bản thân nó, chưa phải là dân chủ xã hội, mà chỉ là công liên chủ nghĩa mà thôi”[4]. Kết quả của việc đấu tranh kinh tế đó chỉ đạt đến “dạy cho người bán sức lao động biết bán thứ hàng hóa ấy một cách có lợi hơn và biết đấu tranh chống người mua trên lĩnh vực giao dịch thuần túy có tính chất mua bán[5].
Phái “kinh tế” hạ thấp vai trò đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân và cho rằng, đó chỉ là một hình thức của đấu tranh kinh tế, đi sâu vào đấu tranh kinh tế mà thôi và coi đấu tranh kinh tế là phương sách duy nhất có thể “áp dụng rộng rãi nhất” và chính điều này đã làm thu hẹp một cách tai hại đấu tranh chính trị.
Lênin chỉ rõ, đối với những người dân chủ - xã hội chân chính phải tích cực giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác cho giai cấp công nhân, để nâng cao ý thức giác ngộ chính trị, tổ chức họ đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội, coi đấu tranh kinh tế để phục vụ cho mục đích chính trị, nhằm lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, thiết lập quyền lực chính trị của giai cấp công nhân. Lênin viết: “Đảng dân chủ - xã hội đặt cuộc đấu tranh đòi những cải cách, coi đó là các bộ phận của toàn bộ - phụ thuộc vào cuộc đấu tranh cách mạng cho tự do vì chủ nghĩa xã hội[6] và mục đích cuối cùng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động “chỉ có thể thỏa mãn được bằng một cuộc cách mạng chính trị thay thế chuyên chính của giai cấp tư sản bằng chuyên chính vô sản”[7].
Về tư tưởng: “Chủ nghĩa kinh tế” ở Nga sùng bái tính tự phát của phong trào công nhân. Họ cho rằng, phong trào tự phát ấy phát triển tất yếu sẽ tạo nên sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tạo nên hệ tư tưởng độc lập của giai cấp công nhân, Đảng không nên là một lực lượng lãnh đạo và can thiệp vào tính tự phát của phong trào công nhân mà phải chờ đợi phong trào đó phát triển. Từ đó, họ hạ thấp vai trò của chủ nghĩa Mác, tầm thường hóa chủ nghĩa Mác, phủ nhận chủ nghĩa Mác trong việc xây dựng ý thức tự giác trong phong trào công nhân dẫn, đến bất lực, đồng loã với những luận điệu phê phán phản động.
Lênin khẳng định, hệ tư tưởng giai cấp công nhân không thể tự phát sinh từ phong trào tự phát của giai cấp công nhân. Tính tự phát đó chỉ dẫn phong trào đến chỗ lệ thuộc, theo đuôi giai cấp tư sản, chỉ dẫn đến làm nô lệ cho hệ tư tưởng tư sản. Lênin viết: “công nhân trước đây không thể có ý thức dân chủ xã hội được. Ý thức này chỉ có thể từ bên ngoài đưa vào. Lịch sử tất cả các nước chứng thực rằng, dù cho lực lượng của độc bản thân mình thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa, tức là đi đến chỗ tin rằng phải đoàn kết lại thành hội liên hiệp, phải đấu tranh chống bọn chủ, phải đòi hỏi chính phủ ban hành những luật này hay luật khác cần thiết cho công nhân[8]. Người cho rằng, chủ nghĩa Mác một hệ thống lý luận cách mạng khoa học đó là kết quả phát triển lịch sử tư tưởng của nhân loại, do những nhà khoa học thuộc tầng lớp hữu sản, những trí thức cách mạng có điều kiện học tập, nghiên cứu, phát triển khái quát nên, hệ thống lý luận này phản ánh mục tiêu, quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân và phong trào công nhân. Chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân có cùng nguồn gốc là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng lại xuất phát từ những tiền đề khác nhau. Vì vậy, nó xuất hiện hoàn toàn độc lập với phong trào tự phát của công nhân, để phong trào công nhân phát triển thành phong trào tự giác thì phải làm cho chủ nghĩa Mác được truyền bá thâm nhập vào giai cấp công nhân. Đồng thời, phải đưa chủ nghĩa Mác đi vào tất cả các giai cấp trong dân cư, phải cử các đội ngũ trong đội quân của mình đi về tất cả các ngả. Lênin chỉ ra rằng, giữa hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và hệ tư tưởng tư sản luôn diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt “vấn đề đặt ra là chỉ như thế này: hệ tư tưởng tư sản hoặc hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Không có hệ tư tưởng trung gian..., vì vậy, mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản[9].
Về tổ chức: phái “kinh tế” cho rằng, không cần thiết phải có một đảng tập trung thống nhất, mà chủ trương duy trì đảng ở các tiểu tổ, địa phương để tiến hành đấu tranh chống bọn chủ và chính phủ với lối làm việc thủ công nghiệp. Vấn đề hết sức trầm trọng nữa là, chúng hạ thấp và thu hẹp vai trò công tác tổ chức của Đảng vào phạm vi chật hẹp. Chúng muốn biến Đảng trở thành một câu lạc bộ phù hợp với đấu tranh nghị trường, chúng muốn xây dựng Đảng thành một tổ chức theo kiểu “đánh chống ghi tên”, đánh đồng, hạ thấp vai trò và các hình thức tổ chức của Đảng xuống ngang hàng với chức năng của nghiệp đoàn, phủ nhận tính tiên phong của Đảng, lẫn lộn Đảng với các tổ chức chính trị của giai cấp công nhân. Như vậy, thực chất là chúng ủng hộ quan điểm bè phái chia rẽ trong Đảng.
Xuất phát từ mục đích chính trị cao cả của Đảng, Lênin cho rằng cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân, của Đảng có quy mô to lớn, tính chất phức tạp quyết liệt hơn nhiều so với cuộc đấu tranh kinh tế mà phái “kinh tế” chủ trương. Lênin phân biệt rõ Đảng với các tổ chức khác của giai cấp công nhân, Người viết: “tổ chức của công nhân trước hết phải có tính nghề nghiệp; thứ hai phải càng rộng càng tốt, ..., trái lại tổ chức của những người các mạng phải bao gồm trước hết và chủ yếu là những người lấy hoạt động cách mạng làm nghề nghiệp, ..., tất nhiên tổ chức ấy không phải quá rộng và nó phải càng bí mật càng tốt[10]. Nghĩa là, Đảng phải bao gồm những người ưu tú nhất, giác ngộ nhất về chủ nghĩa Mác, tự nguyện đứng vào hàng ngũ để đấu tranh cho mục tiêu lý tưởng và hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Đảng phải là một tổ chức chọn lọc, có trình độ tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, là đội tiền phong của giai cấp công nhân.
Lênin chủ trương Đảng phải là một tổ chức tập trung thống nhất trong toàn Nga, có cơ quan lãnh đạo và tổ chức đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở, được xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc thống nhất, thực hiện chế độ tập trung nghiêm ngặt. Lênin đánh giá cao vai trò của tổ chức, Người nói rằng: “hãy cho tôi một tổ chức những người cách mạng và chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga lên[11].
Từ lập trường chính trị, quan điểm tư tưởng, nguyên tắc tổ chức và sách lược đấu tranh của chủ nghĩa cơ hội nói chung, phái “kinh tế” nói riêng, đã nói lên tính thiếu kiên định, thỏa hiệp, cải lương về hình thức đấu tranh giai cấp đó là, chỉ tập trung vào đấu tranh kinh tế, không đấu tranh chính trị, chỉ đấu tranh nghị trường, chỉ quan tâm đến mục tiêu trước mắt là đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi quyền lợi kinh tế trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản, bỏ mục tiêu lâu dài, nghĩa là từ bỏ con đường cách mạng vô sản, lật đổ giai cấp tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản. Họ chỉ quan tâm đấu tranh với quy mô tiểu tổ, phường hội, nghiệp đoàn mà bỏ qua quy mô tập trung thống nhất toàn diện. Nội dung đấu tranh chống chế độ tư bản chỉ trên cơ sở những lợi ích hàng ngày, đến mục tiêu trước mắt mà thôi, Lênin chỉ ra rằng: tính tự phát của những người công nhân bị cám dỗ bởi các lý lẽ cho rằng, tăng thêm được dù là một Rúp, một Côpếch cũng còn thân thiết và quý giá hơn bất cứ chủ nghĩa xã hội và chính trị nào và cho rằng, phải đấu tranh vì họ hiểu rằng làm như thế không phải là cho những thế hệ tương lai nào đó mà là cho bản thân họ và con cái họ.
Vai trò, tầm quan trọng của lý luận cách mạng đối với phong trào công nhân và Đảng dân chủ - xã hội Nga.
Trong khi phê phán, vạch trần bản chất của chủ nghĩa cơ hội, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác. Trên cơ sở trình bày tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về vai trò của lý luận, Lênin khẳng định, để đánh bại chủ nghĩa cơ hội thì những người mácxít cần phải làm tốt một số nhiệm vụ sau: phải làm lại công tác lý luận; phải đấu tranh chống phái “tự do phê bình”; phải chống tình trạng lộn xộn và dao động trong phong trào công nhân.
 Người khẳng định, Đảng phải được trang bị lý luận Mác cách mạng và khoa học để có cơ sở đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội. Mặt khác, là đội tiên phong, là lãnh tụ chính trị của giai cấp, đảng phải tiên phong về mặt lý luận thì đảng mới làm cho giai cấp công nhân trở thành giai cấp tiên phong; và chỉ có được vũ trang bằng lý luận Mác thì đảng mới có đủ trí tuệ và khả năng thực hiện vị trí, vai trò của một lãnh tụ chính trị. “Nếu thực sự cần phải liên hợp thì cứ ký kết những thoả hiệp nhằm đạt những mục tiêu thực tiễn của phong trào, nhưng chớ có buôn bán nguyên tắc, chớ có “nhân nhượng” về lý luận”[12]. Lênin chỉ rõ, tư tưởng Mác là như thế, ấy vậy mà trong chúng ta đã có những người đã nhân danh Mác mà tìm cách làm giảm ý nghĩa quan trọng của lý luận. Vì, “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”[13], “chỉ đảng nào có được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò người chiến sỹ tiên phong”[14]. Do vậy, “nhiệm vụ của họ là phải học tập ngày càng nhiều hơn, tất cả những vấn đề lý luận; phải tự giải thoát, ngày càng nhiều hơn, khỏi ảnh hưởng của những câu cổ truyền của thế giới quan cũ, không bao giờ được quên rằng, chủ nghĩa xã hội, từ khi đã trở thành một khoa học, còn phải được coi là một khoa học, nghĩa là phải được nghiên cứu”[15].
Tác phẩm “Làm gì?” ra đời đã góp phần quan trọng trong việc tập hợp các tổ chức địa phương xung quanh tờ “Tia lửa” đề thực hiện kế hoạch của Lênin về xây dựng Đảng. Thông qua tác phẩm, Lênin đã bảo vệ học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác, chống lại sự xuyên tạc của chủ nghĩa cơ hội; đánh bại lý luận cơ hội chủ nghĩa của phái “kinh tế” ở Nga, một biến dạng của chủ nghĩa cơ hội Tây Âu. Lênin đã giải quyết rất khoa học nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác.
 Những luận điểm được Lênin trình bày trong tác phẩm là bước phát triển lớn trong học thuyết Mác về Đảng Cộng sản, về cách mạng vô sản trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc. Lênin đã phát triển những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen và hoàn chỉnh học thuyết về  đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, một học thuyết thống nhất, chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Học thuyết về đảng kiểu mới là một trong những cống hiến lớn lao của Lênin vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác. Học thuyết đó là nền tảng tư tưởng lý luận, là kim chỉ nam hành động cho đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Nga và các Đảng Cộng sản các nước trên thế giới. Đồng thời, là cơ sở xác lập những tiêu chuẩn để phân biệt giữa Đảng mácxít chân chính với các đảng dân chủ xã hội Tây Âu đang bị chủ nghĩa cơ hội lũng đoạn.
Nắm vững tư tưởng cơ bản của tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho hoạt động của các Đảng Cộng sản trước kia, cũng như hiện nay và về sau. Bất kỳ một Đảng nào không tuân thủ và xa rời những nguyên tắc, những quan điểm mà Lênin đã nêu sẽ rơi vào chủ nghĩa cơ hội, xét lại. Thực tiễn, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thế kỷ XX cho thấy, Đảng cộng sản Liên xô, một Đảng có bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh, được Lênin sáng lập và rèn luyện, nhưng do Ban lãnh đạo Đảng phản bội lại giai cấp, phản bội lại mục tiêu lý tưởng, từ bỏ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, thực hiện “cải tổ” một cách vô nguyên tắc, thỏa hiệp với kẻ thù giai cấp bằng khẩu hiệu cải lương “ngôi nhà chung Châu Âu” nên đã rơi vào chủ nghĩa xét lại. Điều đó đã làm Đảng cộng sản bị phân liệt trong một thời gian và đi đến hoàn toàn tan dã.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam với việc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Từ khi ra đời đến nay, cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn luôn quan tâm chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đến đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, trong điều kiện quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, song dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta đang tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, vị thế nước ta ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.
Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, mặc dù trong lịch sử lãnh đạo cách mạng của mình, Đảng cộng sản Việt Nam không xuất hiện chủ nghĩa cơ hội, xét lại với tư cách là một trào lưu chính trị, tư tưởng như với nhiều Đảng Cộng sản khác, nhưng trong quá trình đấu tranh gian khổ phức tạp kéo dài, ở vào những thời điểm bước ngoặt của lich sử, trong nội bộ Đảng có xuất hiện những tư tưởng cơ hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội dưới những màu sắc và mức độ khác nhau. Trong Đảng tại những thời điểm bước ngoặt vẫn còn có những tư tưởng lệch lạc “hữu” và tảkhuynh. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi cuộc chiến đấu vào thời điểm quyết liệt, đã có một số người khiếp sợ sức mạnh tàn bạo của kẻ thù xâm lược, trước những hy sinh gian khổ của cuộc kháng chiến, đã có dao động về chính trị, không kiên định đường lối đấu tranh, sợ tiến hành đấu tranh vũ trang, có ảo tưởng về con đường thỏa hiệp, chung sống hòa bình, thi đua hòa bình, ..., từ cơ hội về chính trị, một số người đi tới hoạt động bè phái, chống đối về tổ chức, vv…
Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước những diễn biến phức tạp của thế giới, khu vực và trong nước. Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông  Âu xã hội chủ nghĩa, đã làm cho chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, các lực lượng xã hội chủ nghĩa bị thu hẹp. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đang đứng trước những khó khăn, thử thách to lớn. Trước tình hình đó, các phần tư cơ hội lớn tiếng bài bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, học thuyết về đảng kiểu mới của Lênin nói riêng, chúng cho rằng học thuyết đó đã lỗi thời. Song, chúng ta khẳng định có cơ sở khoa học rằng, sự thất bại của các đảng cầm quyền đó không phải là do chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và học thuyết về đảng kiểu mới của Lênin nói riêng đã lỗi thời, mà là do sai lầm của các đảng đó trong nhận thức, vận dụng lý luận Mác - Lênin, đồng thời có sự phản bội chủ nghĩa Mác - Lênin và học thuyết về đảng kiểu mới của Lênin.
Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng Đảng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta đã kiên trì và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, chú trọng cơ sở và địa bàn trọng yếu, nhờ đó đã đạt được một số kết quả tích cực. Song, cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong các cơ quan, tổ chức đảng, đảng viên chưa đạt yêu cầu đề ra. Vẫn còn hiện tượng mất cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, mơ hồ trước sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, thiếu trung thực và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chuyên quyền, độc đoán, ức hiếp, sách nhiễu nhân dân, gây mất đoàn kết nội bộ, nói không đi đôi với làm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở đảng bị tê liệt, thiếu tính chiến đấu và không đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh. Công tác tư tưởng còn nhiều bất cập, thiếu tính thuyết phục, tính chiến đấu. Công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề quan trọng trong công cuộc đổi mới. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác tổ chức cán bộ trên một số mặt còn yếu kém. Chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao.
Tình hình trên, đã có tác động không nhỏ tới tư tưởng, tình cảm và tâm lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, đặc biệt là những người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm và sự từng trải về chính trị đã tỏ ra dao động, hoài nghi về mục tiêu lý tưởng, mất niềm tin vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội, dao động về quan điểm lập trường, giảm sút niềm tin, có nhận thức mơ hồ, lệch lạc đối với chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội, đối với đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Đó đây cũng đã xuất hiện một số khuynh hướng tư tưởng chính trị sai trái, mà biểu hiện của nó là tập trung tán dương sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản, bác bỏ tính hợp quy luật, tiến bộ của chủ nghĩa xã hội hiện thực, bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, reo rắc lối tư duy phi lịch sử, phủ nhận quá khứ hào hùng của dân tộc, phủ nhận những thành quả cách mạng do Đảng và nhân dân ta đã giành được.
Một số người hô hào đổi mới nhưng xa dời nguyên tắc, từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa; phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước; đề cao vai trò điều tiết của kinh tế thị trường, nhưng coi nhẹ chức năng quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, cổ vũ cho tư nhân hóa, tự do hóa tư sản, tán dương chủ nghĩa xã hội dân chủ... Đồng thời, như một sự phản ứng lại, ở phía khác xuất hiện những biểu hiện giáo điều, bám giữ những quan niệm về mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội, luyến tiếc cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, có định kiến với nền kinh tế nhiều thành phần, dị ứng với cơ chế thị trường, coi nó đồng nghĩa với đi theo con đường tư bản chủ nghĩa... Trước thực trạng trên, Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ: Phải chống chủ nghĩa cơ hội dưới mọi hình thức, có thái độ nghiêm khắc đối với những kẻ xu thời vụ lợi, xu nịnh .... Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII của Đảng, phần về xây dựng Đảng một lần nữa khẳng định, phải thường xuyên phê bình và tự phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Đại hội VIII nêu rõ, trong Đảng có những người có khuynh hướng cơ hội và coi kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội như một việc làm cần kíp, một giải pháp quan trọng để gìn giữ đoàn kết trong các tổ chức Đảng. Tiếp đến Đại hội IX khi nói về nhiệm vụ công tác giáo dục tư tưởng - chính trị đã chỉ rõ, cần phải chống tư tưởng cơ hội, thực dụng bằng mọi hình thức.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, các vị trí lãnh đạo trong Đảng, trong xã hội do các đảng viên nắm giữ, nếu không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, người đảng viên sẽ say mê quyền lực, giữ quyền lực bằng mọi giá, lợi dụng quyền lực chính trị để làm giàu bất chính. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế thị trường, đã xuất hiện việc chạy chỗ, chạy chức, chạy quyền, chạy lợi, chạy tội như báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị TW6 (Lần 2) Khoá VIII. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đường lối này đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Với nền kinh tế nhiều thành phần đã làm cho cơ cấu xã hội, cơ cấu giai cấp không còn thuần nhất như trước, sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội ngày càng tăng lên, biểu hiện cụ thể là trong xã hội xuất hiện tầng lớp tư bản, ông chủ ... Vì vậy, tư tưởng tư sản và một số tư tưởng phi vô sản khác lại có đất để tồn tại, điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng tâm lý xã hội. Đặc biệt, hiện nay đã xuất hiện một số cán bộ chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước không chịu tu dưỡng, rèn luyện, khép mình vào tổ chức, dẫn đến suy thoái về đạo đức, xa đoạ về lối sống, cơ hội, thực dụng, tìm cách gần gũi cấp trên, lựa chiều ăn nói, luồn lách hối lộ, vv… với mục đích, động cơ cá nhân là tìm cơ hội thăng quan tiến chức, giành lấy quyền lực, danh vọng và quyền lợi cá nhân, sống không trung thực, làm cho uy tín của Đảng bị giảm sút, tính chất của Đảng bị đe dọa. Điển hình như, Lương Quốc Dũng, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến và đồng bọn, vv …
Vì vậy, chống mọi biểu hiện cơ hội là vấn đề đặt ra một cách cấp thiết hiện nay. Cần phải vạch trần chủ nghĩa cơ hội, cũng như những biểu hiện sâu xa của chủ nghĩa cơ hội, sự nguy hại của nó đối với mỗi cá nhân, tổ chức đảng, tổ chức xã hội, và bộ máy Nhà nước, để mọi người nhận diện, khi thấy xuất hiện thì đấu tranh loại bỏ, đồng thời tự tu dưỡng, rèn luyện mình để không mắc phải; tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật chặt chẽ có chất lượng, toàn diện trên tất cả những lĩnh vực theo đúng tinh thần Nghị quyết TW6 (lần 2) Khoá VIII; các tổ chức đảng làm tốt công tác quản lý cán bộ, đảng viên trên tất cả các lĩnh vực, trong các mỗi quan hệ, thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm quy chế cán bộ, đặc biệt trong việc bổ nhiệm cán bộ chủ chốt, không để những kẻ cơ hội về chính trị, thoái hóa về phẩm chất đạo đức, những kẻ bất tài vào vị trí lãnh đạo; giáo dục cho toàn Đảng, toàn dân kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt đường lối đổi mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, phát huy chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào, ý chí tự lập, tự cường của dân tộc. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm rõ hơn nữa tính khoa học con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; chủ động tấn công triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, đẩy lùi tư tưởng cơ hội.
Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển đất nước, cần tăng cường giáo dục những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao giác ngộ về lý tưởng và niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vào chủ nghĩa xã hội, kiên định và quyết tâm thực hiện thắng lợi cương lĩnh chính trị của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, một mặt cần khẳng định những nguyên lý cơ bản và bản chất cách mạng của học thuyết, mặt khác cần làm rõ những vấn đề cần nhận thức lại cho đúng đắn, những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh và phát triển trên cơ sở tổng kết và khái quát những kinh nghiệm thực tiễn và thành tựu của khoa học hiện đại. Cần đặc biệt chú trọng việc giáo dục những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội, những bài học kinh nghiệm bước đầu tổng kết thực tiễn đổi mới, những thành tựu và triển vọng của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa… Chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, xét lại.
Trong tình hình thế giới hiện nay, cần giáo dục để có sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn những vấn đề về thời đại, về chủ nghĩa tư bản hiện đại, về những biến động trong quan hệ quốc tế, về trật tự thế giới mới và khả năng dự báo xu hướng phát triển của thế giới trong tương lai. Trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần giáo dục sự hiểu biết những học thuyết ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội. Phải xây dựng quan điểm khoa học khách quan, biện chứng trong quá trình nghiên cứu những học thuyết này và biết tiếp thu những nhân tố hợp lý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Phê phán, bác bỏ những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, công khai chống Đảng, chống chế độ ta, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Khắc phục những biểu hiện mơ hồ về đấu tranh giai cấp, về nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội.
Trong giai đoạn Đảng cầm quyền xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, để làm tròn vai trò đội tiên phong, lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, Đảng phải thường xuyên được trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do đó, “Đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết, nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực. Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Trước hết, phải nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra”[16].
Nâng cao trình độ trí tuệ, tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn đường lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ mới.
Tiến hành đồng bộ công tác tư tưởng, công tác lý luận, gắn công tác này với công tác tổ chức - cán bộ, với phát triển kinh tế, giải quyết hài hoà các lợi ích. Gắn “xây” với “chống”, lấy “xây” làm chính. Đặc biệt quan tâm chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng; phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.
“Hai là, kiện toàn và đổi mới hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; kiên định lập trường giai cấp công nhân, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; năng động, sáng tạo, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo về Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng theo đúng quy định của Điều lệ Đảng; Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng gắn với bảo đảm chất lượng. Chú trọng nâng cao trình độ của đảng viên; lấy đạo đức làm gốc, đồng thời bồi dưỡng về kiến thức, trí tuệ, năng lực để làm tròn nhiệm vụ người lãnh đạo, người đi tiên phong trong các lĩnh vực công tác được giao; Thường xuyên sàng lọc đảng viên kịp thì đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách.
Ba là, thực hiện nghiêm nguyên tắc tâp trung dân chủ trong Đảng; tăng cường quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý và giám sát đảng viên về năng lực hoàn thành nhiệm vụ và phẩm chất, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện tiêu cực trong Đảng.
Bốn là, đổi mới tổ chức và công tác cán bộ. Cán bộ phải là những người có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, hết lòng phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, thử thách, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao; có nhân cách và lối sống mẫu mực, trong sáng; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân; Đổi mới công tác cán bộ phải bảo đảm thật sự dân chủ, khoa học, công minh; Có cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng người có đức, có tài; kịp thời thay thế những người kém năng lực, kém phẩm chất, có khuyết điểm nghiêm trọng; Khắc phụ những biểu hiện các nhân, cục bộ, không câm tâm, nể nang, tuỳ tiện trong công tác cán bộ; Thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy  trách nhiêm của tổ chức và người đứng đầu của tỏ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.
Năm là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện làm thay Nhà nước; trái lại phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước và toàn xã hội. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể phát huy tinh thần tự chủ sáng tạo của mình trong các hoạt động”[17].
Vận dụng các nguyên lý của Lênin trong tác phẩm “Làm gì?” cùng với các nguyên lý khác của học thuyết Mác - Lênin về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, Đảng ta đã trở thành một đảng Mác - Lênin vững mạnh, một bộ phận kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế.
Từ khi thành lập đến nay Đảng ta luôn không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đổi mới, Đảng ta phải không ngừng đổi mới, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, xét lại, kiên quyết đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tác phẩm “Làm gì?” mặc dù đã ra đời cách đây hơn một thế kỷ, nhưng những tư tưởng cơ bản về Đảng trong tác phẩm đến nay vẫn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc thành lập, xây dựng và củng cố đảng Mác - Lênin chân chính.
Đối với chúng ta những người cán bộ chính trị - người chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị việc nghiên cứu nắm vững tư tưởng của Lênin trong tác phẩm sẽ là cơ sở khoa học để quán triệt sâu sắc hơn nữa những quan điểm về xây dựng Đảng của Đảng ta, trên cơ sở đó vận dụng vào thực tiễn công tác của mình; đồng thời, có cơ sở khoa học để đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận hiện nay.
Đại hội X của Đảng đang diễn ra trong điều kiện đất nước ta ngày càng lớn mạnh. Thế giới đang thay đổi rất nhanh. Với những thành tựu mà cách mạng nước ta đã giành được trong 76 năm qua, nhất là sau 20 năm đổi mới, với sức mạnh của hơn 80 triệu dân và với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, với việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, những tư tưởng của Lênin về xây dựng Đảng trong tác phẩm “Làm gì?” nói riêng, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thành công mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đưa nước ta sánh vai cùng các nước trên thế giới trong nhịp bước khẩn trương của thời đại.
Nguyễn Tùng - LL

[1] Lênin Toàn tp, Nxb Tiến b, M, 1978, tp  6, tr. 89.
[2] Sđd, tr. 11.
[3] Sđd, tr .13.
[4] Sđd, tr .17.
[5] Sđd, tr .71.
[6] Sđd, tr .79.
[7] Sđd, tr. 59.
[8] Sđd, tr. 38.
[9] Sđd, tr. 50.
[10] Sđd, tr. 143.
[11] Sđd, tr. 162.
[12],2, 3  Sđd, tr. 30.
4       Sđd, tr. 34.

[16] Báo cáo chính tr ca BCHTW khoá IX trình Đại hi X Đảng Cng sn Vit Nam .
[17] Báo cáo chính tr ca BCHTW khoá IX trình Đại hi X Đảng Cng sn Vit Nam .

0 nhận xét: