CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

TRẦN ĐẠI NGHĨA - THIẾU TƯỚNG KHÔNG ĐEO “LON”

 


“Tới nay, tôi vẫn là thiếu tướng của QĐND Việt Nam. Còn nhớ hồi ấy, tôi được nhận cấp bậc này vào dịp phong tướng đầu tiên của Việt Nam cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Nguyễn Bình”. ”.
Sinh thời, Thiếu tướng - Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã tâm sự trong một lần trò chuyện cùng cơ quan báo chí như vậy. Từ ngày được phong hàm tướng (1948) cho đến khi qua đời (1997), suốt nửa thế kỷ ông mang trên vai quân hàm thiếu tướng. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, ông chỉ mặc đồ bà ba, mặc quân phục như bộ đội, chẳng bao giờ đeo “lon”.
Năm 1936, từ Việt Nam sang Pháp, Phạm Quang Lễ (tên khai sinh của thiếu tướng Trần Đại Nghĩa) thi vào Trường Quốc gia cầu cống Paris. Đây là ngôi trường danh giá của nước Pháp. Chẳng hề đi chơi, sau giờ lên giảng đường, ông đóng cửa trong phòng mà học. Nhiều bạn học gọi là “ông Lý Toét ở Paris”. Làm việc 16 giờ/ngày mà ông vẫn thấy không đủ. Luôn canh cánh về tính mạng của đồng bào trước vũ khí hiện đại của thực dân Pháp, ông vào các thư viện lớn, tìm hiểu về vũ khí, thuốc nổ. Cuối năm 1946, ông theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước. Từ đây, tài năng chế tạo vũ khí của ông được dịp phát huy.
Đó là những ngày chuẩn bị Toàn quốc kháng chiến (12.1946). Xe tăng, xe bọc thép của Pháp nghênh ngang tung hoành mà Việt Minh chưa có thứ vũ khí nào để ngăn được. Để phá chiến xa, lục quân Nhật dùng bom ba càng, tuy rất có hiệu lực nhưng không an toàn. Bom nổ, xe tăng bị phá hủy, đồng nghĩa với người sử dụng phải hy sinh. Một số cảm tử quân Hà Nội sau đó đã xả thân như vậy. Riêng kỹ sư Trần Đại Nghĩa không có ý định nghiên cứu sản xuất bom ba càng mà chỉ nghiên cứu sử dụng thứ vũ khí này sao cho an toàn.
Lúc này, ông nghĩ đến bazoka. Ông đã được biết về uy lực của súng, đạn bazoka khi quân Đồng minh đổ bộ vào Pháp. Sau một tuần lễ về Hà Nội, ông lên Thái Nguyên nghiên cứu làm đạn chống tăng. Đầu năm 1947, từ Hà Đông, súng và đạn bazoka 60 li của Việt Minh do Trần Đại Nghĩa chế tạo đã thể hiện uy lực khi khiến xe tăng và xe bọc thép của Pháp đứng khựng. Cùng với những sáng chế tiếp theo trong ngành quân giới, ông được mệnh danh là “Ông Phật làm súng” với nhiều huyền thoại xung quanh cuộc đời mình.
N.T.Q-H3

0 nhận xét: