(Bài viết của Trung tướng Phạm
Phú Thái)
Đó là ngày 11/9/1972, khi Trung
đoàn 921 đã chuyển về đóng quân tại sân bay Gia Lâm. Anh Đinh Tôn lúc đó là
Trung đoàn phó, do ngồi trực sở chỉ huy khá lâu nên anh phải lên sân bay Nội
Bài để bay hồi phục kỹ thuật. Người bay kèm anh hôm đó là chuyên gia Liên Xô.
Sở chỉ huy Quân chủng và Binh
chủng nắm thời cơ Không quân Mỹ giãn ra sau đợt đánh tập trung nên cho chúng
tôi tranh thủ huấn luyện.
Chiều hôm đó, tôi có nhiệm vụ
dẫn phi công Lê Khương, cất cánh từ Gia Lâm lên bay hồi phục bài đánh chặn máy
bay địch ở tầng trung. Khi bay qua sân bay Nội Bài còn nghe tiếng anh báo cáo
Sở chỉ huy để làm các động tác kỹ thuật bay tại đỉnh sân bay. Chúng tôi được
lệnh chuyển kênh liên lạc, để không ảnh hưởng tới các máy bay huấn luyện khác ở
khu vực Nội Bài.
Khi dẫn đường, Sở chỉ huy bắt
đầu dẫn biên đội tôi vào tiếp cận mục tiêu thì không cho khẩu lệnh chỉ thị mục
tiêu nữa, mà thông báo ngắn gọn là “giữ độ cao 5km, vòng tại chỗ. Có địch vào
sân bay Nội Bài”. Tôi lệnh cho số 2, Lê Khương “dàn đội hình chiến đấu, tăng
cường cảnh giới, kiểm tra vũ khí”.
Tôi chần chừ, không dám liên lạc
tiếp với Sở chỉ huy vì chắc chắn ở đó đang căng thẳng xử lý tình huống bất ngờ
này. Không biết tình hình địch ra sao, tôi chỉ mong được Sở chỉ huy dẫn về khu
vực có địch để đánh địch giải toả cho sân bay.
Tôi cũng không biết hai thầy trò
anh đã lâm trận. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết Sở chỉ huy lúc đó không dám đưa
chúng tôi về để giải toả cho chiếc máy bay kia, có lý do là biên đội tôi chưa
sẵn sàng, vì đang huấn luyện hồi phục cho số 2, Lê Khương sau khi bị thương,
nhảy dù ở trận đánh trước đó.
Sau này tôi đã tìm hiểu và đã
biết được diễn biến của trận đánh kỳ lạ này như sau: Trước hết, đây là trận
không chiến (nếu có thể được gọi là như vậy) giữa một máy bay huấn luyện, không
mang vũ khí với biên đội máy bay F-4J của Hải quân Mỹ bí mật đột kích vào sân
bay Nội Bài.
Đây là trận đánh với sự có mặt
lần đầu tiên và duy nhất của phi công chuyên gia Liên Xô trong suốt cuộc chiến
tranh.
Điều kỳ lạ là trong trận này,
đối tượng tấn công của biên đội F-4J chỉ là 1 chiếc MiG-21U hai chỗ ngồi dùng
để huấn luyện, không đeo vũ khí. Các máy bay F-4J phát hiện và chủ động trước
mà không có cách gì bắn rơi được MiG-21. Biên đội F-4J hoàn toàn làm chủ tình
thế.
Nhưng chỉ đến khi hết dầu, động
cơ ngừng hoạt động, không thể điều khiển máy bay theo ý muốn nữa, hai thầy trò
anh mới chủ động rời máy bay, để phi công Mỹ bắn trúng chiếc máy bay đã cạn dầu
và không có phi công điều khiển.
Anh Tôn sau này kể lại: “Khi đã
hoàn tất các động tác kỹ thuật cần thiết, hai thầy trò đang cơ động nhẹ nhàng
đưa máy bay về vòng 3 để chuẩn bị hạ cánh, đột nhiên, anh có linh tính thế nào
đó, mới qua quan sát, giật mình thấy hai làn khói vừa xịt ra từ hai chấm đen
phía sau khoảng 2-3km.
Anh lập tức kéo giật máy bay
chéo xuống đất để tránh tên lửa, đồng thời, tống tay ga lên mở tăng lực. Hai
quả tên lửa sượt ra phía sau đuôi, không trúng. Đúng lúc đó, anh nghe được
tiếng nói từ đài chỉ huy bay thông báo và hướng dẫn anh cơ động tránh tên lửa.
Hai viên phi công F-4J đã thấy
chiếc MiG-21 cơ động gấp tránh được tên lửa, sau đó kéo vọt lên vòng chiến đấu
gắt, tạo ngay thế đối đầu. Và từ thời điểm đó, chiếc MiG-21 hoàn toàn chủ động,
cơ động, có lúc còn bám được vào vào phía sau một chiếc F-4J.
Mỗi lần thấy một tốp dãn ra vòng
ngoài để tạo thế chuẩn bị bắn tên lửa, anh lại “nghiến răng nghiến lợi” kéo cần
lái, xoay máy bay vào thế đối đầu, không cho chiếc máy bay nào địch có đủ điều
kiện bắn trúng, mặc dù những chiếc FJ đã có gắng bắn nhiều loạt tên lửa nhưng
đều trượt.
Khi chúng tôi hỏi anh về phản xạ
của người phi công Liên Xô, anh nói: “Ông ấy, sau khi thấy máy bay đột ngột
vòng gấp tránh tên lửa mới biết là đang bị máy bay tiêm kích của Không quân Mỹ
bám đuôi, và vì vậy hoàn toàn thả cần lái để anh chủ động cơ động, thực hiện
các động tác không chiến”.
Khi thấy đèn tín hiệu đỏ báo sắp
hết dầu sáng lập lòe trong buồng lái, nhẩm tính, với chế độ “tăng lực” như thế
này thì chỉ còn trên dưới một phút nữa phải thoát khỏi máy bay, trước khi bị
tên lửa địch bắn trúng, hai thầy trò sẽ rơi vào thế nguy hiểm. Nếu bị tên lửa
bắn trúng, có nhảy dù ra được thì cũng khó mà toàn vẹn vì những động tác cơ
động tránh tên lửa diễn ra ở độ cao rất thấp.
Và thế là, bằng một động tác kỹ
thuật tuyệt đỉnh, anh cho máy bay dựng thẳng lên, sau đó lộn xuống và lại làm
động tác nửa vòng chiến đấu thật gấp và báo cho ông thầy ngồi sau: “Chuẩn bị,
nhảy dù nhé!”, đồng thời, thả cần lái, cầm tay kéo chốt nhảy dù giật mạnh.
Hai tiếng nổ phát ra từ hai quả
đạn phóng ghế của hai thầy trò, hai chiếc dù bung ra ở độ cao không quá
150-200m. Cùng lúc đó, hai quả tên lửa từ một chiếc F-4J phóng đến trúng vào
chiếc MiG-21 không người điều khiển, đang chòng chành và nổ tung.
Chiếc MiG-21 rơi cách chỗ hai
phi công tiếp đất vài trăm mét. Một cách tình cờ, hai chiếc dù của hai thầy trò
lại rơi vào đúng địa điểm trú quân bí mật của đoàn chuyên gia Liên Xô. Hai
người rẽ luôn vào phòng nghỉ của chuyên gia. Phi công Liên Xô đập một chai
vodka kèm đồ nhắm là cá khô mang sang từ Liên Xô để “uống mừng” thoát nạn trong
trận không chiến kỳ lạ.
------------------------
Bổ sung: chính xác
hơn thì trong trận này phi công Đinh Tôn đã chạm trán với biên đội 2
chiếc F-4J thuộc Phi đoàn tiêm kích số 333 (VMFA-333)
"Shamrocks" của TQLC Mỹ được triển khai trong biên chế Không
đoàn không quân hạm số 8 (CVW-8) của HQ Mỹ trên tàu sân bay USS America.
Trong quá trình quần vòng, chiếc F-4J chỉ huy do Thiếu tá Lee T. Lasseter
phi đoàn phó và Đại úy John D. Cummings lái đã phải bắn sạch 4 quả
AIM-7E2 và 4 quả AIM-9G và đến lúc phi công Đinh Tôn và chuyên gia LX
nhảy dù thì mới hạ được chiếc MiG-21U.
Điều đáng nói là trận không
chiến kéo dài quá lâu khiến cho biên đội F-4J này cạn dầu và buộc
phải bay ngang qua Hải Phòng để tới được điểm hẹn với máy bay tiếp
dầu KC-135. Kết quả là cả 2 chiếc đều bị tên lửa phòng không và
pháo cao xạ của Sư đoàn phòng không 363 ở Hải Phòng bắn rơi, tuy nhiên
phi công được giải cứu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét