CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

NÂNG CAO NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CHỦ THỂ, LỰC LƯỢNG TRONG PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA”

 


Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt nam hiện nay là cuộc đấu tranh rất quan trọng, có nội dung rộng lớn, toàn diện, liên quan chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều tổ chức, lực lượng, cá nhân.

Căn cứ vào vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và khả năng của mỗi tổ chức, mỗi lực lượng mà chủ thể có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy cao nhất vai trò, tiềm lực, thế mạnh của mỗi tổ chức, mỗi lực lượng phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo nhiệm vụ, phạm vi, quyền hạn được giao.

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ thể và các lực lượng tham gia phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, làm cho các chủ thể, lực lượng nhận thức sâu sắc biểu hiện nguồn gốc và nguyên nhân dẫn đến của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, không phải mọi tổ chức, lực lượng ở nước ta đã thống nhất nhận thức về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế cho thấy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là vấn đề xã hội có nguồn gốc, nguyên nhân từ những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với xã hội; từ những hạn chế, khuyết điểm trong xây dựng và hoạt động quản lý của Nhà nước đối với xã hội; từ những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; các tiêu cực và tệ nạn xã hội nảy sinh từ mặt trái nền kinh tế thị trường; sự tác động từ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là chiến lược “diễn biến hòa bình”; sự tác động từ văn hóa, đạo đức, lối sống phương Tây trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân... trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực, những diễn biến phức tạp trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... của đất nước.

Vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Đảng ta đề cập trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, đặc biệt trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Tuy nhiên, với tính chất là văn kiện Đảng bàn về vấn đề xây dựng Đảng, nên trong văn kiện của Đảng chủ yếu đề cập đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên, chưa đề cập đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Thế nhưng, trong thực tế, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ diễn ra trong cơ quan Đảng, Nhà nước, trong cán bộ, đảng viên mà còn diễn ra trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, nhất là trong thanh niên, thiếu niên hiện nay. Vấn đề đặt ra là, cần thống nhất nhận thức về tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xã hội ta hiện nay, nhận diện một cách đầy đủ những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp xã hội hiện nay để có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống cho phù hợp.

Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng có những ý kiến trái chiều về hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta. Có những ý kiến cho rằng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ có ở cán bộ, đảng viên, nhất là trong cán bộ có chức, có quyền, còn trong xã hội không có. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay diễn ra cả ở trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp xã hội với những biểu hiện rất đa dạng, phong phú cần được nghiên cứu một cách cặn kẽ, thấu đáo.

Nhận thức về nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta cũng rất khác nhau. Có ý kiến cho rằng, căn nguyên của tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là do đội ngũ cán bộ, đảng viên kém tu dưỡng, rèn luyện, do âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, do tác động của các tiêu cực và tệ nạn xã hội. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, do những yếu kém, tiêu cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, trong quản lý xã hội, duy trì kỷ cương, phép nước, do kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế...

Một khi chưa có thống nhất về nhận thức “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nguồn gốc, nguyên nhân của nó, thì khó có thể phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy, cần làm cho các tổ chức, các lực lượng nhận thức sâu sắc, đầy đủ về tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng như nguồn gốc, nguyên nhân của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trên cơ sở đó để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xã hội ta mang lại hiệu quả cao.

Hai là, làm cho chủ thể và lực lượng tham gia nhận thức đầy đủ, sâu sắc sự cần thiết phải phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hiện tượng xã hội rất nguy hiểm, nó làm cho nền tảng tư tưởng, nền tảng chính trị - xã hội của Đảng, Nhà nước, của chế độ, sự an nguy của đất nước, không chỉ là những biểu hiện tiêu cực, yếu kém của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân diễn ra bình thường trong xã hội.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tác động một cách trực tiếp, sâu sắc đến mỗi con người, tổ chức, các mối quan hệ xã hội, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, nếu các tổ chức, các lực lượng không nhận thức đúng tác hại, tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với sự tồn tại, phát triển của xã hội ta, không nhận thức được tính cấp thiết của sự phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mỗi tổ chức, mỗi cơ quan cũng như trong phạm vi xã hội.

Hiện nay, vẫn có ý kiến cho rằng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là do cường điệu hóa, tuyệt đối hóa, thực tế những biểu hiện đó vẫn có từ trước, thậm chí có ngay từ thời bao cấp. Vì thế, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước vững mạnh là sẽ không còn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội.

Ba là, làm cho chủ thể, các lực lượng và nhân dân nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm đối với việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay.

Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều tổ chức, nhiều lực lượng, với sự tham gia của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở. Vì vậy, nếu chủ thể và các lực lượng tham gia không nhận thức đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, khi có thành tích thì đều nhận về mình, khi có khuyết điểm thì không có tổ chức, cơ quan, cá nhân nào chịu nhận trách nhiệm.

Khắc phục tình trạng cấp trên thì giao hẳn cho cấp dưới, cấp cơ sở; còn cấp dưới, cấp cơ sở thì đợi chờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên dẫn đến tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp phải làm tốt công tác giáo dục, giao rõ nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm quyền hạn của các tổ chức, các lực lượng thuộc quyền trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, các lực lượng thuộc quyền trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở cơ quan, đơn vị, ngành của mình và tham gia vào cuộc đấu tranh chung trong phạm vi toàn xã hội.

Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều tổ chức, nhiều lực lượng, ở các cấp, các ngành, các địa phương, liên quan đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, của nhân dân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” góp phần quan trọng vào thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh”.

                                                                                          N.T.L - H2

0 nhận xét: