Trong các diễn
đàn góp ý sửa đổi Luật Đất đai nhiều năm nay, xuất hiện một số ý kiến cho rằng
nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu giống
như nhiều nước khác. Một số người phê phán chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Họ
cho rằng sở hữu toàn dân là “mù mờ vì về mặt pháp lý”, không xác định được ai
là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp. Một số
khác cho rằng, với các quyền của người sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013
quy định, quyền sử dụng đất chẳng khác gì quyền sở hữu tư nhân đất đai, tại sao
không công nhận đó là sở hữu tư nhân về đất đai? Có thể thấy, việc lựa chọn chế
độ sở hữu toàn dân trong điều kiện của Việt Nam hiện nay là hợp lý, thể hiện ở
những giác độ sau:
Thứ nhất, chế độ
sở hữu toàn dân về đất đai phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh
tế thị trường Việt Nam. Dù phản đối hay ủng hộ định hướng xã hội chủ nghĩa thì
cũng phải công nhận rằng bản chất của định hướng xã hội chủ nghĩa là xây dựng một
xã hội bình quyền, trong đó con người không những được tự do, bình đẳng về mặt
chính trị, mà còn được tự do, bình đẳng về mặt kinh tế, tức tự do, bình đẳng về
sở hữu tư liệu sản xuất quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là đất đai. Sở hữu
toàn dân về đất đai là chế độ sở hữu chung của toàn xã hội vì lợi ích của toàn
dân tộc Việt Nam. Trong chế độ sở hữu toàn dân, một số quyền được giao cho cơ
quan nhà nước, một số quyền được giao cho người dân (cá nhân, gia đình hoặc tập
thể) là thể chế giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích chung và lợi ích
riêng, là tạo điều kiện cho người sử dụng đất phát huy nguồn lực đất đai phục vụ
phát triển kinh tế, thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của họ, đồng thời cũng tạo điều
kiện để Nhà nước điều tiết quan hệ đất đai có lợi cho lợi ích quốc gia, chống lại
xu hướng dùng quyền sở hữu đất để nô dịch lao động của người khác.
Thứ hai, chế độ
sở hữu toàn dân về đất đai phù hợp với mục tiêu cải thiện điều kiện sống của
người lao động, tức người sử dụng trực tiếp đất đai. Ngoài những lợi ích chung
phải được tôn trọng, như quyền tổ chức hiệu quả việc sử dụng đất (bằng quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước), quyền thu địa tô tuyệt đối và địa tô chênh
lệch không do người sử dụng đất tạo ra, quyền thu hồi đất vì lợi ích xã hội, mọi
quyền liên quan đến sử dụng đất hiệu quả khác đều được giao cho người sử dụng đất.
Thị trường quyền sử dụng đất chỉ bị giới hạn bởi việc không được chuyển mục
đích sử dụng đất và thời hạn giao đất. Thời hạn giao đất có thể thay đổi theo
hướng kéo dài hơn để bảo đảm người đầu tư thu hồi được giá trị đầu tư, nhưng
không vì lợi ích của cá nhân mà làm giảm lợi ích chung của xã hội, tức tuân thủ
quy hoạch sử dụng đất và giá trị tăng thêm từ đất không do nhà đầu tư tạo ra phải
trả về cho xã hội dùng chung. Thứ ba, sở hữu toàn dân tạo điều kiện để Nhà
nước có thể chủ động trong kiểm soát nguồn tài nguyên đất đai cũng như điều tiết
các quan hệ lợi ích đất đai có lợi cho quốc gia, cho người sử dụng đất trực tiếp.
Với vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân, Nhà nước vừa có thể giao đất, thu hồi
đất với các chế độ không thu tiền, có thu tiền, có bồi thường, không bồi thường...
phù hợp với lợi ích của người sử dụng đất hiệu quả, hỗ trợ người nghèo, vừa tạo
quỹ đất cho quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước mà không phải thỏa
thuận quá lâu, quá phức tạp với các chủ thể sở hữu tư nhân. Tất nhiên, xét về lợi
ích tư nhân, những người được giao đất hoặc bị thu hồi đất có thể có những lợi
ích khác nhau. Vấn đề trong tầm tay của Nhà nước với chế độ sở hữu toàn dân là
điều chỉnh những chính sách cục bộ trong khung khổ sở hữu toàn dân chứ không phải
bó tay trước quyền sở hữu tư nhân của người chiếm giữ đất. Sở hữu toàn dân cũng
tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nâng
cao hiệu quả tổng thể của sử dụng quỹ đất quốc gia.
Thứ tư, về mặt
thực tế, duy trì sở hữu toàn dân trong điều kiện hiện nay là cách làm tốt nhất
để ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Nếu tuyên bố tư hữu đất đai, sẽ diễn ra
các cuộc tranh đấu đòi lại quyền sở hữu nhà, đất trong quá khứ đã tự nguyện hiến
tặng cho cách mạng, sẽ có xu hướng lục soát lại những gì chúng ta đã làm trong
cải cách ruộng đất, trong thu hồi đất, nhà đã chia cho cán bộ và nhân dân những
năm sau chiến tranh... Chẳng có gì lý giải được tư hữu đất đai của chúng ta bây
giờ tốt hơn tư hữu thời trước khi vào hợp tác xã. Càng không nên rũ rối lịch sử
để rồi không đem lại lợi ích thực tế gì. Tại sao không sửa đổi theo tiến trình
lịch sử, sử dụng những điều kiện đã có để tiến tới những điều kiện tốt hơn,
trong đó quyền của người dân đối với đất đai vẫn được bảo toàn mà xã hội không
lâm vào tình trạng bất ổn.
Theo cách hiểu
như vậy thì sở hữu toàn dân về đất đai không phải là sở hữu nhà nước (và nói
chung sở hữu toàn dân về các của cải khác cũng vậy). Cần phải tiếp cận sở hữu đất
đai một cách hiện thực theo những quyền mà sở hữu đất đai có được và phân chia
quyền đó một cách hợp lý giữa người dân và cơ quan nhà nước bằng Luật Đất đai.
Nếu Luật Đất đai có quy định gì không hợp lý thì nhân dân và Nhà nước có quyền
sửa đổi. Không thể đổ lỗi những hạn chế của Luật Đất đai hiện hành là do chế độ
sở hữu toàn dân về đất đai. Mục đích tiên quyết của chế độ sở hữu toàn dân là
quỹ đất đai quốc gia phải được sử dụng hiệu quả, đồng thời lợi ích từ sử dụng
quỹ đất đai quốc gia phải được phân phối hợp lý, có lợi cho người sử dụng đất để
khuyến khích sử dụng đất hiệu quả cũng như điều tiết lợi ích đó một cách hợp lý
về ngân sách nhà nước để sử dụng chung cho xã hội, quốc gia. Điều kiện cần của
chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là xây dựng được hệ thống quản lý nhà nước về
đất đai một cách minh bạch, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp đầy đủ
thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất để người sử dụng đất yên tâm đầu tư
cũng như có thể sử dụng cơ chế nhà nước bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Tăng
cường các thiết chế kiểm soát quyền lực của cơ quan quản lý đất đai, công chức
quản lý đất đai nhằm hạn chế hành vi lạm quyền, lợi dụng chức vụ tham nhũng
trong lĩnh vực đất đai. Chế độ sở hữu toàn dân sẽ được nhân dân ủng hộ khi cơ
quan nhà nước bảo hộ hợp lý quyền tài sản đối với quyền sử dụng đất của các chủ
thể kinh tế, tạo cơ sở pháp lý cho thị trường quyền sử dụng đất hoạt động hiệu
quả. Việc thu hồi đất phải được cân nhắc thận trọng bảo đảm hài hòa lợi ích cá
nhân người sử dụng đất bị thu hồi và lợi ích quốc gia. Thủ tục, quy trình,
chính sách thu hồi đất phải minh bạch, công khai, hài hòa lợi ích giữa người bị
thu hồi đất và người được giao sử dụng cùng thửa đất nhằm tạo sự đồng thuận
trong nhân dân. Khi đó, chế độ sở hữu toàn dân không mâu thuẫn với kinh tế thị
trường, không gây khiếu kiện kéo dài, đồng thời lại tạo dư địa cho mọi chủ thể
kinh tế thực hiện nhiệm vụ của họ một cách thuận lợi.
HAT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét