CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ, SÁNG TẠO - QUAN ĐIỂM NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 


Trong suốt chiều dài lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc hoạch định đường lối chiến lược cũng như trong tổ chức tổ chức thực hiện đường lối đó. Độc lập tự chủ, sáng tạo không chỉ là truyền thống, mà còn là nét nổi bật thuộc về bản lĩnh chính trị của Đảng. Bản lĩnh chính trị độc lập, tự chủ, sáng tạo biểu hiện rõ nhất ở những lúc cách mạng gặp khó khăn, trước những bước ngoặt của lịch sử.  Từ đó tạo ra cao trào cách mạng rộng khắp để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới, nhờ có tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo, Đảng đã có đường lối cách mạng đúng đắn, luôn chủ động, sáng tạo để đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp, đưa sự nghiệp đổi mới vượt qua những khó khăn thử thách, đi đến thắng lợi. Tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo của Đảng được xuất phát từ lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ yêu cầu khách quan của tình hình thế giới cũng như thực tiễn cách mạng nước ta. Nhưng một điều không thể phủ nhận, đó chính là bản lĩnh chính trị, năng lực thiên tài của Đảng ta khi đứng trước những khó khăn thử thách, trước những bước quanh của lịch sử.

Lênin đã từng chỉ rõ: “Một trong những nghệ thuật của cách mạng là sự mềm dẻo, linh hoạt, khi điều kiện khách quan đã thay đổi thì người cách mạng phải nhanh chóng thay đổi sách lược”. Lênin còn nhấn mạnh, chúng ta phải: “Chọn một con đường khác để đi tới đích...nếu con đường cũ, trong một thời gian nhất định nào đó, xem ra không thích hợp nữa, không đi theo được nữa”.

Trung thành với lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, trong suốt quá trình cùng Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sâu sắc tư tưởng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời Người cũng nêu cao tư tưởng độc lập tự chủ, với phương châm: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”; “ Muốn người giúp mình thì trước hết mình phải tự giúp mình đã”. Người cũng hết sức phê phán tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào bên ngoài, tư tưởng không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Người nói: Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ, thì không xứng đáng được hưởng độc lập”.

Đảng ta, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo quan điểm độc lập, tự chủ, sáng tạo của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn xuất phát từ thực tiễn cách mạng. Trên cơ sở đó, Đảng luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối lãnh đạo, trong phát động phong trào cách mạng, để từ đó tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc, bất chấp những khó khăn thử thách, bất chấp sự can thiệp, chi phối từ bên ngoài, đem lại thắng lợi cho cách mạng.

Thực tiễn quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng cho thấy, trong suốt 90 năm qua, Đảng ta luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo, để có đường lối cách mạng đúng đắn, đưa cách mạng đi đến thắng lợi. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhờ có đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, mà Đảng ta ngay từ khi mới ra đời đã có Cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn, đưa cách mạng phát triển vào trào lưu tiến bộ nhất của nhân loại, để cách mạng phát triển đúng hướng từ đó về sau. Khi đó, nếu không có tính độc lập tự chủ, sáng tạo, thì Đảng ta sẽ chấp nhận sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản một cách thụ động. Nhưng nhờ có tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, Đảng đã đưa ra Cương lĩnh, đường lối phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó chính là việc Đảng xác định con đường tiến lên của cách mạng, phải trải qua hai giai đoạn, trước hết là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, sau đó đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Từ đó Đảng phát động được cao trào rộng khắp, thu hút, tập hợp được lực lượng cách mạng to lớn, mặc dù phải đương đầu với không ít khó khăn thử thách, song với niềm tin mãnh liệt vào phương hướng mục tiêu đã định, Đảng đã lãnh đạo, xác định mục tiêu đấu tranh phù hợp cho từng giai đoạn, xác định đúng đắn kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, đó là đặt nhiệm vụ đánh đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu, từ đó đoàn kết, tập hợp được lực lượng cách mạng to lớn, giành thắng lợi qua các cao trào 1930- 1931; 1936- 1939 đặc biệt cao trào 1939- 1945, để đưa cách mạng Tháng Tám đến thành công. Nghệ thuật khởi nghĩa tháng Tám là một điển hình về tính chủ động, sáng tạo của Đảng. Nhiều nơi chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng nhận thấy những chuyển biến mau lẹ của thời cuộc, căn cứ vào Chỉ thị “ Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Đảng để kịp thời phát động quần chúng nhân dân khởi nghĩa, giành chính quyền.

Sau cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng trong tình thế “ ngàn cân treo sợi tóc”. Các thế lực đế quốc kấu kết với nhau, định thủ tiêu chính quyền non trẻ, tiêu diệt Đảng Cộng sản. Đảng hết sức sáng tạo trong chính sách hoà hoãn, nhân nhượng kẻ thù, khi thì hoà Tưởng để chống Pháp như Đảng tuyên bố tự giải tán ( thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật), chấp nhận nhường 70 ghế đại biểu Quốc hội không qua bầu cử cho bọn Việt quốc, Việt cách...khi thì hoà với Pháp để gạt Tưởng, tránh cho nhân dân ta cùng một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù. Đó là những biện pháp cực kỳ sáng suốt, nhưng Đảng vẫn giữ vững nguyên tắc đó là độc lập, thống nhất tổ quốc.

 Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng vậy, nhờ đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, Đảng đưa ra đường lối đấu tranh đúng đắn, vừa tranh thủ được sự giúp đỡ của quốc tế, nhưng không phụ thuộc vào sự chỉ đạo của họ, để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Nhìn lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về Đảng. Mặc dù khi đó bạn bè quốc tế đều khuyên ta không nên đánh Mỹ, trong đó vừa có ý kiến lo lắng cho cuộc chiến không cân sức giữa ta và Mỹ, vừa có ý kiến vì lợi ích cá nhân  họ khuyên ta không nên đánh Mỹ “sợ một đám lửa làm cháy cả một cánh rừng”, nhưng Đảng ta vẫn quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Khi đó Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ ta rất lớn về vật chất, tinh thần, nhưng chúng ta không vì thế mà phụ thuộc vào họ, điều đó vừa chứng tỏ bản lĩnh kiên định, vừa thể hiện tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo của Đảng ta.

Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, một lần nữa, tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng được phát huy. Mặc dù đất nước mới cơ bản hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Bắc, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhưng Đảng đã độc lập, sáng tạo trong việc đề ra đường lối đúng đắn, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Chính sự đúng đắn, sáng tạo đó đã giúp cho cách mạng Việt Nam phát triển đúng quĩ đạo, đi đến thắng lợi. Miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nhanh chóng đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tại Đại hội VI, Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, để từ đó đưa ra đường lối đổi mới. Trong bối cảnh đó các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới cũng đang đứng trước khó khăn trên con đường cải tổ, cải cách. Thực hiện đường lối đổi mới, với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đạt được nhiều thành quả khả quan, đưa tên tuổi của Việt Nam ngày càng lan tỏa rộng hơn trên bản đồ thế giới.

Tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trong hoạch định đường lối đổi mới còn được thể hiện Đảng luôn bám sát thực tế, tôn trọng qui luật  khách quan, vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm cải cách, cải tổ của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, nhưng không chịu sức ép, sự áp đặt, không dập khuôn máy móc, không giáo điều bảo thủ. Điều đó được thể hiện trong những năm cuối của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những chuyển biến mau lẹ. Xu hướng đối đầu đã được thay thế bằng đối thoại, hoà bình hợp tác đã trở thành xu thế khá phổ biến trong quan hệ quốc tế. Những thành tựu trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển, đồng thời đặt ra cho các nước, các dân tộc muốn phát triển phải biết tranh thủ thời cơ, vận dụng thành tựu khoa học. Trong bối cảnh đó, tình hình cải cách, cải tổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng, thế giới mất đi lực lượng đối trọng với Mỹ. Chủ nghĩa đế quốc điên cuồng chống phá cách mạng thế giới, trong đó có Việt Nam, bằng chiến lược diễn biến hoà bình, nhằm làm chuyển hoá dần dần đi đến xoá bỏ hoàn toàn chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước tình hình đó, Đảng ta đã có sự điều chỉnh kịp thời, bằng những chủ trương đúng đắn, phù hợp, từ đó đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tính độc lập tự chủ, sáng tạo của Đảng ta còn được thể hiện, trong quá trình đổi mới Đảng đã thực sự lột xác, kể cả trong tư duy cũng như trong hành động. Tuy nhiên, Đảng luôn quán triệt quan điểm biện chứng, đó chính là phát triển nhưng có kế thừa, Đảng không phủ nhận sạch trơn, mà biết kế thừa những thành tựu, những yếu tố tích cực mà nhân dân ta đã đạt được trong thời gian trước đó. Đồng thời Đảng cũng không phủ nhận lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, không phủ nhận những qui luật phổ biến, trái lại, Đảng luôn quán triệt và vận dụng sâu sắc các nguyên lý, qui luật của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn quá trình đổi mới, từ đó đem lại thành tựu to lớn cho công cuộc đổi mới...

Quá trình đổi mới, Đảng chủ trương phải toàn diện, triệt để, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng phải có hình thức, bước đi thích hợp. Đây chính là bí quyết riêng đi đến thành công của Đảng ta trong công cuộc đổi mới. Sau đường lối đổi mới mà Đại hội VI của Đảng đề ra, chúng ta đã tiến hành đổi mới trên mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là cuộc cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều vấn đề mới mẻ đặt ra kể cả về lý luận cũng như thực tiễn cần được giải quyết, chúng ta vừa đổi mới, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới, sao cho đi đúng qui luật khách quan, phát triển vững chắc cho cách mạng.

Đổi mới là công việc hệ trọng, mang tính sống còn đối với mỗi quốc gia, là công việc hết sức nhạy cảm, đụng chạm đến tất cả các mối quan hệ xã hội, như mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với tổ chức... Nếu tiến hành không thận trọng, không có hình thức, bước đi vững chắc, sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một bài học tiền nhãn, đắt giá cho các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô mà Đảng ta cần rút ra trong quá trình đổi mới. Chính vì thế, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã biết tập trung đột phá đổi mới vào hai lĩnh vực then chốt, trọng yếu nhất, đó là kinh tế và chính trị, đồng thời giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Đảng xác định kinh tế và chính trị là hai lĩnh vực lớn, quyết định sự thay đổi bộ mặt đất nước, quyết định đến nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Ngay từ đầu, Đảng ta đã xác định đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị phải được tiến hành đồng thời, nhưng giai đoạn đầu tập trung sức cho đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước, thận trọng đổi mới chính trị. Bởi chỉ có như thế chúng ta mới giải quyết được mắt khâu quan trọng nhất của công cuộc đổi mới, xét đến cùng cơ sở kinh tế là nhân tố quyết định sự ra đời và tồn tại của một chế độ xã hội. Kinh tế phát triển sẽ bảo đảm chính trị ổn định, văn hoá, giáo dục phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện. Trong đổi mới kinh tế, trước hết tập trung vào lĩnh vực tư duy kinh tế, sau đến thay đổi cơ chế quản lý kinh tế, làm thay đổi toàn bộ những suy nghĩ, những nhận thức trước kia chưa đúng, chưa đầy đủ. Thay đổi cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, bằng cơ chế kế hoạch hoá, từ đó khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính quá trình đổi mới kinh tế thành công, đã có tác động tích cực đối với việc đổi mới chính trị, đó là sự giữ vững định hướng chính trị trong quá trình đổi mới kinh tế. Đổi mới kinh tế là mặt trận đấu tranh giai cấp gay go quyết liệt, phức tạp nhất, nếu đổi mới kinh tế đạt kết quả sẽ tạo điều kiện cho đổi mới chính trị thắng lợi. Đồng thời kết hợp với đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho nền kinh tế phát triển đúng hướng, có hiệu quả. Trong đổi mới chính trị, thể chế chính trị, vai trò của nhà nước có tác động đến năng lực hiện thực hoá đường lối phát triển kinh tế đất nước. Trong đổi mới chính trị, Đảng chủ trương tập trung vào việc xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị. Chính việc giải quyết hài hoà mối quan hệ đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị đã giúp cho nền kinh tế đất nước ta tăng trưởng khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, chính trị ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững.

Đường lối đổi mới độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng, là sản phẩm của sự kế thừa lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Đồng thời còn là sự kế thừa giá trị tinh hoa nhân loại, biết vận dụng cụ thể vào thực tiễn, yêu cầu đòi hỏi của cách mạng. Đảng ta, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, trên cơ sở đó đề ra những quyết sách đúng đắn đưa cách mạng đi đến thắng lợi. Chúng ta không trông chờ, ỷ lại vào bên ngoài, chúng ta không bị ép buộc bởi bất cứ một thế lực nào. Đồng thời, Đảng cũng không dập khuôn bất cứ một mô hình nào vào đường lối đổi mới, mà luôn sáng tạo trong đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, để công cuộc đổi mới thành công.

Trong quá trình đổi mới, Đảng đã tổng kết, rút ra được những bài học quý giá. Điều đó càng thấy rõ trong quá trình đổi mới, Đảng luôn tìm tòi, sáng tạo tìm ra hướng đi thích hợp nhất cho dân tộc, không lúc nào Đảng bằng lòng với thành quả đã đạt được trong thời gian qua, mà mong muốn đạt kết quả cao hơn nữa trong các giai đoạn tiếp theo. Trong các kỳ Đại hội, Đảng luôn đưa ra các bài học kinh nghiệm, các bài học đó đều được đúc rút từ thực tiễn công cuộc đổi mới đó là:

Một là, trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm thích hợp.

Ba là, đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới.

Bốn là, phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.

Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong công cuộc đổi mới, bằng những bài học rút ra, đồng thời, Đảng không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Chính vì thế từ khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Đảng lãnh đạo làm cho đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, chính trị ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại được rộng mở... bởi Đảng luôn có đường lối, phương pháp lãnh đạo đúng đắn, phù hợp qui luật khách quan, hợp lòng dân. Một bài học thành công trong suốt 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, đó chính là việc Đảng luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo trong hoạch định đường lối. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tiến hành, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo càng được Đảng cần được phát huy cao hơn nữa, nhằm dự báo chính xác tình hình, đề ra đường lối đổi mới, chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tiễn cách mạng, xu thế phát triển của quốc tế. Đồng thời biết kế thừa, phát huy kinh nghiệm, kết quả đã đạt được trong công cuộc đổi mới vừa qua, đưa sự nghiệp đổi mới đi đến thắng lợi, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

N.X.T-H1


0 nhận xét: