Nghệ
thuật phân tích và giải quyết mâu thuẫn xã hội là một nét nổi bật trong tư
tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sự kế thừa tư tưởng biện chứng duy vật của chủ
nghĩa Mác - Lênin cùng với phương pháp tư duy mềm dẻo kiểu phương Đông. Tư
tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết mâu thuẫn xã hội có ý nghĩa phương pháp luận
quan trọng đối với việc nhận thức và phòng ngừa, ngăn chặn tư tưởng “dân túy” ở
Việt nam hiện nay, góp phần tạo nên sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế
- xã hội của đất nước.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã quán triệt sâu sắc tinh thần biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đặc
biệt, là tư tưởng của V.I. Lênin về “phân đôi sự thống nhất của các mặt đối
lập” trong giải quyết mâu thuẫn kinh tế - xã hội để vận dụng sáng tạo, linh
hoạt vào nhận thức, phân tích các mâu thuẫn xã hội nảy sinh trong từng thời kỳ
cách mạng Việt Nam một cách khách quan, khoa học. Từ đó, Hồ Chí Minh đã vạch ra
được phương pháp phù hợp, huy động được những lực lượng cần thiết để giải quyết
mâu thuẫn kịp thời, hiệu quả để đưa cách mạng Việt Nam vững bước đi lên giành
thắng lợi.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc dân
chủ nhân dân, khi xem xét, đánh giá mâu thuẫn cơ bản có tính đối kháng trong xã
hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam với thực dân
Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh đã phân đôi mâu thuẫn đó. Từ đó, Người đi sâu vào phân
tích, nhận thức từng mặt đối lập tìm ra sự tương đồng và khác biệt trong từng
mặt đó, từ đó đưa ra cách giải quyết cụ thể có lợi nhất cho cách mạng Việt Nam.
Đối với thực dân, đế quốc là kẻ thù đối
kháng của dân tộc Việt Nam, nhằm làm suy yếu kẻ địch, Hồ Chí Minh đã chú trọng
tới việc khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ địch, đồng thời, khai thác có hiệu quả
những điểm tương đồng giữa các lực lượng cách mạng với các lực lượng “ở phía
bên kia”. Với phương châm vừa cương quyết, vừa mềm dẻo, linh hoạt, khôn khéo, Hồ
Chí Minh đã thực hiện được phân hoá, cô lập, làm suy yếu kẻ địch, đồng thời đã
tranh thủ và phát huy được sức mạnh một cách có hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự
nghiệp cách mạng của dân tộc. Chẳng hạn, trong kháng chiến chống Pháp, Người chỉ
rõ kẻ thù của dân tộc ta là thực dân Pháp là kẻ
thù xâm lược chứ
không phải là toàn bộ nhân dân Pháp với
nhân dân tiến bộ tại các nước đó. Từ đó, Hồ Chí Minh đã có quan điểm rất rõ
ràng, nhất quán là đối với những kẻ đi xâm lược thì chúng ta phải kiên quyết
chống, nhưng đối với nhân dân tiến bộ nước đó thì phải đoàn kết. Càng đoàn kết
tốt với nhân dân tiến bộ và yêu chuộng hoà bình trên thế giới, chúng ta càng có
điều kiện đấu tranh hiệu quả chống bọn xâm lược.
Trong
nội bộ dân tộc, với nguyên tắc Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên
hết, xuất phát từ tinh thần biện chứng và nhân văn sâu sắc, từ những đặc điểm văn hoá - xã hội, quan hệ giữa các giai
tầng trong lịch sử dân tộc ta không thường xuyên mang tính chất đối kháng gay
gắt. Trong quá trình giải quyết mâu thuẫn
giữa dân tộc với thực dân Pháp, nhằm để tập
hợp lực lượng, Hồ Chí Minh đã có chủ trương đoàn kết tất cả những người yêu
nước không phân biệt xu hướng chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo, ... không phân
biệt họ thuộc đảng phái nào... và quá khứ của họ đã hợp tác với phe nào, Hồ
Chí Minh thường nhấn mạnh chữ “đồng” (đồng tâm, đồng lòng, đồng mục tiêu, đồng
lý tưởng, đồng lợi ích, v.v…), hạn chế khai thác những điểm “dị biệt” giữa các
“mặt đối lập” trong các mâu thuẫn xã hội ấy.
Nhất quán
tư tưởng này, trong việc giải quyết mâu thuẫn xã hội, Hồ Chí Minh thường chủ
trương khai thác triệt để những điểm tương đồng giữa các “mặt đối lập xã hội”,
nhằm tìm kiếm một giải pháp có tính “mềm dẻo”, dễ “dung hoà” để hướng tới mục
tiêu chung là “cùng có lợi”, tránh những đổ máu hoặc thiệt hại không cần thiết.
Người đã vận dụng tài tình tư tưởng đó vào giải quyết các mâu thuẫn trên mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, xác định đó là một phương pháp cách mạng,
một sách lược hết sức quan trọng để đạt được mục tiêu to lớn của cách mạng nước
ta là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ nguyên
tắc chỉ đạo, xuyên suốt ấy, Hồ Chí Minh đã quy tụ được toàn thể nhân dân thuộc
các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người trước đây từng
mắc những lỗi lầm nhưng nay đã thực sự ăn năn, hối cải... tập hợp dưới ngọn cờ
cách mạng, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân, lực lượng cách mạng thống
nhất, có sức mạnh vô địch để thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân
tộc.
Khi cách mạng thành công, chính quyền đã về tay nhân dân, Hồ
Chí Minh vẫn rất quan tâm đến việc đấu tranh giải quyết các mâu thuẫn phát sinh
trong nội bộ lực lượng cách mạng, trong nội bộ nhân dân nhằm xây dựng, mở rộng
và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết
toàn dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều khiến Người phải suy
nghĩ và trăn trở nhiều nhất là làm thế nào để đấu tranh, ngăn chặn những phần
tử tiêu cực, thoái hoá, biến chất trong nội bộ Đảng, Chính quyền. Theo Hồ Chí
Minh, việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến
bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng đấu tranh với kẻ địch trong mỗi con người,
trong nội bộ, trong tinh thần là một quá trình đầy khó khăn. Bởi, theo
Người, trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến
khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu, nên hành động
của họ cũng không nhất quán, thậm chí mâu thuẫn nhau. Do đó, việc giải quyết
mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền, vận động quần chúng;
làm cho quần chúng hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tự
giác chấp hành; đối với những người lầm đường lạc lối, phải giáo dục, thuyết phục
họ với tinh thần khoan dung, đại lượng, lấy lời khôn, lẽ phải, tình thân ái để
cảm hoá họ, không được định kiến, cố chấp, vơ đũa cả nắm. Để làm được điều đó,
công tác dân vận phải là hàng đầu, nhằm vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân để tạo thành lực lượng toàn dân,
để hoàn thành mục tiêu chung của cách mạng. Giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ
nhân dân phải hướng tới mục đích đoàn kết, gắn bó các giai cấp, tầng lớp nhân
dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo… để tạo ra phong trào cách mạng sâu
rộng trong quần chúng nhân dân vì sự nghiệp cách mạng.
Tư tưởng Hồ
Chí Minh về giải quyết mâu thuẫn xã hội, đặc biệt là những mâu thuẫn trong nội
bộ nhân dân, có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng và thiết thực đối với việc
nhận thức và
đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tư tưởng “dân túy” Việt Nam hiện nay.
Ở Việt Nam hiện
nay, những quan điểm, tư tưởng, hành vi dân túy chưa tồn tại dưới dạng “chủ
nghĩa” mà mới chỉ là quan điểm, tư tưởng, không thành hệ thống lý luận và phong
trào thực tiễn, chưa phát triển thành mặt đối lập trong mâu thuẫn xã hội Việt
Nam. Đó mới chỉ là
những biểu hiện manh nha mang tính dân túy của một số cán bộ,
đảng viên, có những biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống. Những phát ngôn, hành động
mang tính
dân túy, dù chưa điển
hình và chưa trở thành trào lưu chi phối đời sống chính trị - xã hội, nhưng nếu không đấu tranh, ngăn ngừa kịp thời
và triệt để thì có thể bùng phát trở thành “điểm
nóng”, gây bất ổn định xã hội, thậm chí có thể trở thành mặt đối lập trong mâu
thuẫn của xã hội Việt Nam và gây nên những hậu quả tiêu cực tới an
ninh chính trị - xã hội. Mức độ và phạm vi ảnh hưởng tiêu cực của các quan điểm, tư
tưởng và hành động của chủ nghĩa dân túy đang có nguy cơ tăng lên trong đời
sống xã hội, có khả năng lan rộng và thấm sâu trong đời sống chính trị - xã hội
Việt Nam.
Để đấu tranh, phòng ngừa những quan
điểm, hành vi dân túy ở Việt Nam hiện nay chúng ta cầ phải thực hiện tốt một số
giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, kiên định chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân
trong đấu tranh chống chủ nghĩa dân túy. Chỉ kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và
đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, chúng ta mới có thế giới quan
khoa học, phương pháp luận biện chứng, nhân sinh quan cách mạng để xem xét,
nhận định, phân tích một cách khách quan toàn diện các hiện tượng chính trị -
xã hội đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên thế giới, khu vực và trong nước để
chỉ ra và đấu tranh, phản bác có hiệu quả những sai lầm, phiến diện của quan
điểm, tư tưởng, hành động dân túy ở Việt Nam.
Thứ hai, nâng cao nhận thức cho đội
ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận diện những biểu hiện, nguy cơ,
tác hại và tính tất yếu phải đấu tranh chống chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện
nay. Theo đó, phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh giữ địa vị thống trị trong đời sống tinh thần xã hội, tạo
ra chất miễn dịch tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng để chống lại mọi
âm mưu, thủ đoạn của những kẻ dân túy.
Thứ ba, tăng cường công tác lãnh đạo
của Đảng và quản lý nhà nước về lĩnh vực truyền thông, nhất là hoạt động của
báo chí trong tình hình mới. Đối với báo chí, khi tự do hóa được mở rộng, rất
có thể nhiều phương tiện thông tin đại chúng sẽ bị các nhà chính trị dân túy sử
dụng làm công cụ. Do đó, trong khi tôn trọng nguyên tắc của tự do báo chí; cũng
cần nâng cao tính định hướng chính trị, định hướng dư luận tích cực của báo
chí.
Đất nước ta
đang trong quá trình chủ động hội nhập sâu, rộng và toàn diện vào đời sống quốc
tế. Trong quá trình đó, chúng ta phải hết sức cảnh giác và kiên quyết đấu tranh
chống những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay. Ngay từ bây
giờ, cả hệ thống chính trị và mỗi công dân, cán bộ, đảng viên cần nhận diện và
nhận thức sâu sắc về những tác hại của chủ nghĩa dân túy để phòng ngừa, từng
bước đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy dưới mọi
màu sắc góp phần vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị - xã hội Việt Nam
hiện nay.
TVH-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét