Mỹ là một quốc gia có nhiều đảng phái,
nhưng từ sau năm 1854 đến nay, chỉ có hai đảng lớn là Dân chủ và Cộng hoà thay
nhau cầm quyền. Hệ thống lưỡng đảng đã bắt rễ sâu trong nền chính trị Hoa Kỳ và
cho dù có đảng thứ ba xuất hiện trong các cuộc bầu cử Tổng thống cũng chưa bao
giờ giành được chiến thắng. Các đảng khác đôi khi đã giành được một số chức vụ
trong chính quyền cấp dưới, nhưng hầu như không có vai trò quan trọng. Cơ chế
pháp lý và chính trị của Mỹ có những biện pháp duy trì ưu thế của hai đảng Dân
chủ, Cộng hòa và ngăn một đảng thứ ba cạnh tranh trên quy mô toàn quốc. Về bản
chất, chế độ đa đảng trong nền chính trị Mỹ do đồng tiền chi phối luôn luôn là
sự thống trị của một nhóm các tập đoàn quyền lực. Bầu cử “tự do” nhưng quá
trình vận động bầu cử tốn kém dẫn đến thực tế là chỉ những ai giàu có hoặc được
các tập đoàn tư bản lớn ủng hộ thì mới có khả năng trở thành ứng cử viên thật
sự. Và do đó, quyền lựa chọn của nhân dân luôn bị giới hạn trong phạm vi các
ứng cử viên của các nhóm thiểu số lớp trên. Hoạt động vận động hành lang hết
sức tốn kém cũng là kênh để các tầng lớp giàu có tác động, chi phối chính sách.
Thông qua các khoản tài trợ, các thế lực giàu có cũng sử dụng đồng tiền để can
thiệp, chi phối không ít tổ chức dân sự để phục vụ lợi ích của họ. Hệ thống
pháp lý phức tạp, và tinh vi cũng khiến cho người nghèo ở Mỹ ít được bảo vệ,
nhất là do không đủ tiền để thuê luật sư giỏi. Tự do báo chí gắn liền với tư
nhân hóa báo chí, thực tế chỉ là tự do của chủ báo, của một số người giàu có sở
hữu các phương tiện truyền thông. Vì
vậy, sau hình thức “tự do” của báo chí, nhiều vấn đề bản chất của xã hội, lợi
ích của cộng đồng luôn bị bỏ qua, báo chí vẫn là công cụ chi phối nhận thức
chung nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp cầm quyền.
Trên thực tế, về bản chất, chế độ đa đảng
trong nền chính trị do đồng tiền chi phối luôn luôn là sự thống trị của một
nhóm các tập đoàn quyền lực. Ralf Nader - nguyên ứng cử viên Tổng thống độc lập
tại Mỹ, từng công nhận “chế độ đa đảng của Mỹ về thực chất là chế độ hai đảng,
nhưng cuối cùng thì các tập đoàn tư bản thao túng cả hai”.
Tại Mỹ, quyền lực được quay vòng trong một
nhóm các gia đình quyền thế. Người dân có thể có một số tự do, nhưng trong giới
hạn bảo đảm sự thống trị của giai cấp tư sản; về hình thức thì mọi người có thể
đều có quyền nhưng việc thực thi các quyền đó lại phụ thuộc rất lớn vào điều
kiện kinh tế, tài chính. Do đó, chỉ có tầng lớp giàu có mới thật sự có đầy đủ
các quyền tự do. Kinh tế thị trường gắn
với chính trị thị trường đã làm cho sức mạnh kinh tế kết hợp với sức mạnh chính
trị tập trung vào các tập đoàn tư bản đầu sỏ. Do đó, tuy nhân dân lao động là
bộ phận chiếm số đông trong xã hội nhưng có rất ít đại diện đích thực cho lợi
ích của họ tại quốc hội. Ðiều này lý giải tại sao khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ
lại không ngừng gia tăng, bạo lực tràn lan. Ðó cũng là một lý do dẫn tới sự ra
đời của phong trào “chiếm phố Uôn” - hành động của 99% số dân Mỹ chống lại 1%
giàu có với các cuộc xuống đường phản đối bất công. Cũng vì thế mà ngày càng có
nhiều cử tri tại các nước này bày tỏ thất vọng đối với các cuộc bầu cử đã không
thể đem lại được sự thay đổi tình hình một cách thực chất. Ngay sau khi bầu cử,
người dân Mỹ biểu tình chống ông Trump ở nhiều thành phố trên nước Mỹ, như: New
York, Chicago, Los Angeles, Philadelphia, Boston, Seattle... Hàng nghìn người,
trong đó có nhiều học sinh, sinh viên tham gia biểu tình đông đảo. Người biểu
tình giơ biểu ngữ “Ông ta không phải Tổng thống của tôi”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét