Các học giả tư sản cho rằng: Trong
nền kinh tế tri thức hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ của nhà phát minh và công
nhân thay thế vai trò quyền sở hữu tư liệu sản xuất của nhà tư bản nên không
còn cơ sở của sự bóc lột giá trị thặng dư?
Phân tích bóc lột giá trị thặng dư
dưới chủ nghĩa tư bản, C.Mác đã chỉ rõ cơ sở của nó là từ chế độ tư hữu tư bản
chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Bởi thế, xoá bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản
xuất là mục tiêu đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân loại. Dựa vào sự phát
triển của kinh tế tri thức, các nhà tư tưởng tư sản cho rằng, ngày nay khái
niệm “sở hữu trí tuệ” đã thay thế cho khái niệm “sở hữu tư liệu sản xuất”, các
nhà phát minh và công nhân mới là chủ sở hữu đó, quyền sở hữu trí tuệ của nhà
phát minh và công nhân thay thế, thậm chí có vai trò lớn hơn quyền sở hữu tư
liệu sản xuất của nhà tư bản, bởi vậy quy luật giá trị thặng dư không còn lý do
để tồn tại trong nền kinh tế tư bản hiện
đại… Vấn đề cần phải trao đổi ở đây là: C.Mác chỉ rõ cội nguồn của nạn người
bóc lột người là mặt xã hội của tư liệu sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư
nhân chứ không phải mặt kỹ thuật của tư liệu sản xuất. Trong quyền chi phối sản
xuất của ông chủ tư bản thì chính kỹ thuật của tư liệu sản xuất đã trở thành
phương tiện để bóc lột lao động làm thuê. Kỹ thuật của tư liệu sản xuất càng
cao, càng tạo điều kiện để nâng cao trình độ bóc lột. Bởi vậy, muốn biết khái
niệm “sở hữu trí tuệ” có xoá được cơ sở của sự bóc lột hay không phải xét đến
mặt xã hội, tức mặt chiếm hữu và mục đích sử dụng nó, chứ không phải là mặt
trình độ kỹ thuật của những sản phẩm trí tuệ và càng không phải vai trò của nó
trong sản xuất. Chúng ta thừa nhận rằng, trong nền kinh tế trị trường, sở hữu
trí tuệ có vai trò hết sức quan trọng. Sở hữu trí tuệ là sở hữu các phát minh, sáng chế, đó là sản phẩm
trí tuệ của người phát minh. Song, để phát minh đó biến thành công nghệ, kỹ
thuật phải trải qua một quá trình thử nghiệm, ứng dụng khá lâu dài, công phu và phải có một lượng vốn lớn.
Trong trường hợp người phát minh cũng là người bỏ vốn ra làm việc đó, đăng ký
sở hữu trí tuệ và lập sản nghiệp tư bản với những công nghệ kỹ thuật đó thì người
phát minh vừa là chủ sở hữu, chiếm hữu sản phẩm trí tuệ, vừa là chủ tư bản. Sản
phẩm trí tuệ của họ được họ sử dụng như một phương tiện để bóp nặn giá trị
thặng dư. Trên thực tế, có không ít trường hợp như vậy và thường sản nghiệp của
họ phất lên rất nhanh. Microsoft của
Bill Gates là một ví dụ điển hình của hiện tượng này. Tuy nhiên, phổ biến vẫn
là các nhà phát minh, sau khi đăng ký bản quyền, chào bán phát minh của mình
cho các công ty tư bản.
Phát minh là một loại hàng hoá phi
vật thể hết sức nhạy cảm trong sản xuất kinh doanh, do đó không chỉ có đặc thù
so với hàng hoá vật thể mà còn có cả đặc thù so với loại hàng hoá phi vật thể
khác. Thông thường ở mỗi quốc gia, trong mỗi giai đoạn đều có luật định về việc
trao đổi, mua bán đối với loại hàng hoá này. Tuy nhiên, các hoạt động trao đổi mua
bán liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thường thấy ở các dạng thức:
- Hợp đồng mua bán toàn bộ và trọn
gói. Trong trường hợp này, mặc dù nhà phát minh vẫn được giữ tên đăng ký phát
minh, song quyền sở hữu phát minh đã được chuyển cho chủ tư bản đã mua nó. Sau
khi mua bán, phát minh thuộc về quyền chiếm hữu của chủ tư bản. Và trong quyền
chi phối sản xuất vì mục đích kiếm lãi
của chủ tư bản, phát minh đó sẽ trở thành phương tiện hết sức quan trọng nhằm
tạo ra nhiều giá trị thặng dư.
- Hợp đồng mua bán, chuyển giao hữu
hạn hay từng phần
Trường hợp người phát minh góp phát
minh, nhà tư bản góp vốn, cùng chia lợi nhuận. Trong trường hợp này, phát minh
được khai thác vì mục đích lợi nhuận và trở thành phương tiện bóc lột giá trị
thặng dư của cả hai bên. Người phát minh đồng thời là nhà tư bản ứng với phần
đầu tư chất xám trong xí nghiệp tư bản dưới dạng phát minh được tư bản hoá của
mình.
Trường hợp hợp đồng “cho thuê” phát
minh để sản xuất một số lượng sản phẩm hàng hoá nhất định. Trong trường hợp
này, nhà phát minh (người cho thuê) không mất quyền chủ sở hữu phát minh, nhưng
trong thời gian hợp đồng quyền sử dụng phát minh lại thuộc về người đi thuê.
Bởi vậy, với mục đích sử dụng phát minh để kiếm lãi của chủ tư bản đi thuê,
phát minh đó cũng trở thành phương tiện bóp nặn giá trị thặng dư trong thời
gian thuê.
Hiện tượng khá phổ biến là, các nhà
nghiên cứu là người làm thuê cho các công ty tư bản. Cần phải thấy rằng, người
làm thuê là nhà nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm phi vật thể là các phát minh,
khác rất nhiều với người làm thuê là công nhân sản xuất ra các loại hàng hoá
hữu hình. Tuy vậy, họ đều phải đặt trong sự quản lý, tổ chức của nhà tư bản đã
thuê họ. Theo hợp đồng đã được ký kết, nghiên cứu cái gì, thời hạn và chi phí
cho nó ra sao đều do nhà tư bản chi phối. Sản phẩm làm ra (các phát minh) ngay
từ đầu đã thuộc quyền chiếm hữu, chi phối của nhà tư bản và trở thành phương
tiện để bóp nặn giá trị thặng dư. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, có thể xuất
hiện những phát minh khác ngoài hợp đồng và chắc chắn nhà nghiên cứu sẽ sở hữu
chúng. Trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, những phát minh ấy lại
trở thành kỹ thuật, công nghệ, thành phương tiện bóp nặn giá trị thặng dư dưới
những dạng thức nói trên.
Những phân tích trên cho thấy, việc
cho rằng sở hữu trí tuệ thay cho sở hữu tư liệu sản xuất, không nói đến sự
chuyển hoá quyền sở hữu và chiếm hữu nó, không nói đến mục đích tư bản trong sử
dụng nó, từ đó đi đến phủ nhận quy luật giá trị thặng dư trong nền kinh tế tư
bản hiện đại chỉ là cách mập mờ, nguỵ biện.
Cũng xung quanh vấn đề sở hữu trí
tuệ, nhiều người còn cho rằng trong nền kinh tế tri thức, trí tuệ đóng vai trò
quyết định. Và trong nền kinh tế ấy, công nhân ngày càng trí thức hoá, họ là
chủ sở hữu trí tuệ, do đó họ có ưu thế hơn so với chủ tư liệu sản xuất, nghĩa
là giữa họ và nhà tư bản trở nên bình đẳng hơn, thậm chí công nhân có ưu thế
hơn nhà tư bản. Đây thực chất là sự tấn công vào học thuyết giá trị thặng dư
của C.Mác bằng việc xoá nhoà quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê - bóc lột
và bị bóc lột.
Thực tế trong nền kinh tế tri thức,
trình độ văn hoá, nghề nghiệp và tính chuyên môn hoá của công nhân ngày càng
cao. Do yêu cầu của kỹ thuật trong các nhà máy, xí nghiệp hiện đại, trong nhiều
khâu đoạn, tính chuyên nghiệp của người lao động rất sâu và đóng vai trò hết
sức quyết định trong dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, trong nhiều lĩnh vực dịch
vụ sản xuất, nhiều lĩnh vực nghiên cứu, quản lý…, lao động làm thuê mang những
đặc điểm rất mới: sự đòi hỏi về mặt trí tuệ, tri thức khoa học và kinh nghiệm
ngày càng cao; phương tiện làm việc hiện đại; tổ chức, quản lý lao động cũng
dưới những hình thức mới mẻ hơn, bảo đảm cho người lao động phát huy cao độ trí
tuệ và sức sáng tạo của họ; kết quả tạo ra là những sản phẩm vô hình hay “giá
trị biểu tượng”, những thông tin đóng vai trò to lớn trong thực hiện mục đích
kiếm lãi của xí nghiệp tư bản. Vì thế, tình trạng cạnh tranh thu hút người lao
động có kiến thức, trình độ khoa học và tay nghề cao thường diễn ra rất mạnh
bằng sự ưu đãi về tiền công và các ưu đãi khác, đẩy mức tiền công, thu nhập
thực tế của đối tượng người lao động này lên cao.
Với những người lao động phổ thông,
do trình độ sản xuất ngày càng cao, thu nhập của người lao động cũng ngày càng
được cải thiện, việc bán sức lao động của họ không nằm trong hoàn cảnh “trần
như nhộng” như thời kỳ chủ nghĩa tư bản cổ điển; dân chủ trong xã hội tư bản
hiện đại cũng buộc phải tiến dần từng bước. Tình hình đó, người lao động có thể
có những yêu cầu cao hơn đối với nhà tư bản và nhà tư bản cũng phải điều chỉnh
nhất định đối với công nhân. Tuy thế, chừng nào vẫn còn là xã hội tư bản chủ
nghĩa thì mọi quyền lực chi phối vẫn thuộc về người nắm giữ tư bản chứ không
phải là lao động làm thuê, cho dù họ là ai: nhà khoa học, giám đốc, nhà quản
lý, hay công nhân lao động phổ thông…
VĐĐ-BC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét