Đổi mới là sự lựa chọn cách mạng nhằm mục tiêu phát
triển của Việt Nam bắt đầu diễn ra từ năm 1986, là một bước ngoặt quan trọng
trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Sau hơn 35 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi
mới đất nước, những thành quả cách mạng cùng những thành tựu mà Đảng ta, dân
tộc ta đạt được… đều là những kỳ tích vĩ đại của sự nhất quán và kiên định mục
tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Để có được thành tựu đó, sự lãnh
đạo của Đảng luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của
cách mạng Việt Nam.
Thực tiễn hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng và sau hơn 35
năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của
Đảng ta trong việc hoạch định đường lối chiến lược cũng như trong tổ chức thực
hiện đường lối. Đảng cộng sản là lãnh tụ chính trị, là hình thức tổ chức cao
nhất, bộ phận tiên tiến nhất của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho
lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin
làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, lấy nguyên tắc tập trung
dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927),
Hồ Chí Minh viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng
cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với
dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành
công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Quan điểm đó nhất quán
trong hệ thống tư tưởng của Người về Đảng Cộng sản cầm quyền. Đảng Cộng sản
Việt Nam giữ vai trò “người cầm lái” con thuyền cách mạng. Chỉ khi người cầm
lái có đủ tâm, đức, tài thì con thuyền mới cập bến thành công.
Trước hết, cần khẳng định: sự nghiệp đổi mới ở nước ta
diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Tất cả các nước trong hệ thống xã hội chủ
nghĩa, từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, lâm vào khủng hoảng, có nước thì
khủng hoảng toàn diện cả về chính trị, kinh tế, xã hội; có nước thì khủng hoảng
về kinh tế xã hội. Đến đầu những năm 90, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở
Đông Âu tan rã. Trong tình hình đó, chủ nghĩa Mác - Lênin càng bị thử thách một
cách gay gắt, không những bị các thế lực tư sản đả kích mà nghiêm trọng hơn là
bị một số phần tử vốn là cộng sản phản bội chủ nghĩa cộng sản đả kích. Sự điều
chỉnh thích nghi của chủ nghĩa tư bản và sự chống phá quyết liệt của các thế
lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” nhằm thủ tiêu chủ nghĩa xã
hội, xóa bỏ vai trò của các Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa. Nước ta
lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội từ cuối những năm 70 và ngày càng trầm
trọng kéo dài, có nguy cơ đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ xã hội chủ
nghĩa …
Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã nêu cao vai trò lãnh đạo
của mình, đưa ra chủ trương, chỉ đạo quá trình đổi mới. Đại hội VI của Đảng
quyết định khởi xướng sự nghiệp đổi mới và đề ra đường lối đổi mới toàn diện
đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng
Việt Nam. Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội đã khẳng định “tình hình
kinh tế - xã hội đang có những khó khăn gay gắt. Đại hội nghiêm khắc chỉ ra
rằng nguyên nhân chủ quan của tình hình trên là do “những sai lầm, khuyết điểm
trong sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước”; “đẩy mạnh công nghiệp hoá
trong khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết; vừa nóng vội, vừa buông lỏng trong
công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa; chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế không
còn phù hợp”, “buông lỏng chuyên chính vô sản trong quản lý kinh tế, xã hội,
trong đấu tranh tư tưởng, văn hoá, trong việc chống lại những âm mưu, thủ đoạn
phá hoại thâm độc của kẻ thù”, “Những sai lầm và khuyết điểm trong lĩnh vực
kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong công tác tư tưởng, tổ chức
và công tác cán bộ của Đảng”. Đại hội xác định đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh
vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, giữ vững ổn định chính
trị là tiền đề bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Tư tưởng chỉ đạo
của đường lối đổi mới là: Giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác
mọi tiềm năng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ của quốc tế để
phát triển lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất
xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước tạo điều kiện, cơ chế cho nhân dân làm, không
làm thay nhân dân. Đại hội chủ trương đổi mới toàn diện về kinh tế, chính trị,
xã hội, văn hoá, đối ngoại, nhưng chủ yếu là kinh tế, tập trung đổi mới kinh tế
trến cơ sở đó mà từng bước đổi mới về chính trị và các lĩnh vực khác.
Quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng luôn kiên
định mục tiêu của đổi mới, giữ vững vai trò lãnh đạo, từng bước bổ sung phát
triển đường lối và chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới một cách toàn diện, đồng
bộ, với bước đi, hình thức và cách làm phù hợp trên tất cả các lĩnh vực: kinh
tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng- an ninh, đối ngoại… Do đó, đất
nước đã vượt qua tình trạng một nước nghèo, kém phát triển; đang đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế khá; phát triển kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những nhận thức rõ và đầy đủ hơn vì mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Không ngừng xây dựng,
hoàn thiện hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tăng
cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội. Thực hiện nhất quán và
thành công đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát
triển; nâng cao vị thế của đất nước.
Có thể nói, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất
nước dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang đạt được
những thành tựu quan trọng và tiếp tục phát triển trong tình hình thế giới và
khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy vậy, bên cạnh những thời cơ lớn, vận
hội lớn, chúng ta cũng đang đứng trước không ít thử thách cam go. Đặc biệt, xuyên
tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới tiến
tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một trong những “mũi nhọn” mà các thế
lực thù địch, phản động tập trung chống phá. Chúng cho rằng, sau hơn 35 năm đổi
mới, cơ cấu xã hội Việt Nam đã thay đổi, do đó, cơ cấu giai cấp công nhân cũng
thay đổi theo và ngày một “teo đi”, “tính chất giai cấp công nhân vì thế không
còn nữa”; Đảng phải “thay đổi tính chất giai cấp công nhân của mình đi; nếu cứ
khư khư giữ tính chất này, nhất định Đảng sẽ bị cô lập, khép kín”. Mặt khác,
chúng cố lập luận rằng, trong nền kinh tế thị trường, “vấn đề tính đảng không
còn ý nghĩa gì nữa”, “không cần tính đảng nữa”. Và vì thế, “không cần tới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nữa”… Nhằm mục đích phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam thông qua việc xuyên tạc đường
lối, chính sách của Đảng. Chúng thống kê, tổng hợp lại toàn bộ những sai lầm,
thiếu sót cả về đường lối và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta trong quá khứ và
hiện tại để chứng minh cho sự chấm dứt vai trò lịch sử của Đảng… Trong bối cảnh
đó, đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch, đồng
thời khẳng định vị thế, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam - Ðảng duy nhất có
đủ năng lực lãnh đạo đối với cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng,
là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thiết thực
góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
LHV-TN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét